+Aa-
    Zalo

    ĐBQH Thái Trường Giang: Bộ trưởng Giáo dục phải có thái độ dứt khoát hơn, không chung chung

    ĐS&PL Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều ĐBQH đã lên tiếng tranh luận đòi quyền lợi cho những thí sinh bị mất chỗ vì gian lận thi cử.

    Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có 7 phút để giải trình các ý kiến của đại biểu về vấn đề giáo dục. Ngay sau đó, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) đã xin quyền tranh luận đóng góp vào bài phát biểu của vị tư lệnh ngành giáo dục.

    Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong chín nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

    Ông Phùng Xuân Nhạ cho hay, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đáp ứng về cơ bản mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2018 đã để xảy ra tiêu cực, gian lận có tổ chức trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận.

    Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của ĐBQH sáng 31/5. Ảnh: Ngọc Thắng.

    Nói về nguyên nhân dẫn tới việc này, người đứng đầu ngành giáo dục đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự cố. Ông đã đưa ra những “kẽ hở” của bộ GD&ĐT là nguyên nhân dẫn tới sự cố gian lận thi cử vừa qua: “Tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của bộ GDĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát”.

    Đồng thời, ông Phùng Xuân Nhạ cũng nêu ra 3 kẽ hở đến từ các địa phương: “Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm.

    Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.

    Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương xử lý”.

    Về quan điểm xử lý sai phạm đã diễn ra, ông Nhạ bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ GDĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình cần cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm”.

    Để kết thúc những vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức Kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội.

    Một vấn đề làm nóng dư luận trong thời gian vừa qua là bạo lực học đường cũng được vị tư lệnh ngành giáo dục đề cập tới trong báo cáo của mình. “Cá nhân tôi cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng tâm tư.

    “Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, cộng đồng về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường.

    Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương”, ông Nhạ tiếp lời.

    Cuối cùng, trước tình trạng đạo đức nhà giáo ở một số nơi xuống cấp, có vấn đề, ông Nhạ bày tỏ băn khoăn khi với 1,5 triệu thầy cô giáo thì vẫn có rất nhiều người tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện tốt các qui định về đạo đức nhà giáo.

    “Tuy nhiên, có một bộ phận sa sút đạo đức. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã chỉ các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường”.

    Kết thúc bài báo cáo, ông Phùng Xuân Nhạ nói: “Sự nghiệp đổi mới giáo dục cần có thời gian mới thấy được kết quả rõ rệt. Đổi mới giáo dục lần này rất căn bản, toàn diện - chuyển từ nền giáo dục từ tiếp cập kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực. Phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ rất mới nên bước đầu không tránh khỏi lúng túng và sai sót. Chúng tôi tiếp thu các ý kiến của Đại biểu để chỉ đạo quyết liệt, sớm khắc phục được các hạn chế, yếu kém của Ngành, củng cố niềm tin của xã hội”.

    Chưa thực sự hài lòng với bài phát biểu của Tư lệnh ngành giáo dục, ĐB Nguyễn Mai Bộ đã dùng quyền tranh luận để góp ý. Vị đại biểu nói: “Báo cáo của Bộ trưởng Nhạ chưa đề cập đến giải pháp để giải quyết quyền lợi của những cháu bị mất cơ hội vào đại học. Bộ GD&ĐT và các trường đại học cần có giải pháp để giải quyết cho những những cháu bị mất cơ hội. Số liệu các cháu mất cơ hội hoàn toàn có thể xác định được, tôi đề nghị Bộ trưởng cần sớm có phương án”.

    ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) bày tỏ sự đồng ý với những kết quả đã đạt được của kỳ thi THPT Quốc gia, dùng kết quả đó cho xét tốt nghiệp và xét đại học, cao đẳng.

    Tuy vậy, ông Giang cho rằng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần xem xét đánh giá tác động của việc gom thi 2 chung này lại. Rồi là bệnh thành tích trong giáo dục, tôi cho rằng đây là “bệnh nặng”. Bộ trưởng không đề cập tới vấn đề này, để làm rõ thêm cho cử tri. Tôi cần Bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn, chứ không phải chung chung như đã trình bày”.

    Nhóm PV Quốc hội

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbqh-thai-truong-giang-bo-truong-giao-duc-phai-co-thai-do-dut-khoat-hon-khong-chung-chung-a277870.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan