Đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt: Sẽ gây ra nhiều hệ lụy


Thứ 2, 27/11/2017 | 00:47


Trước đề xuất của PGS.TS Bùi Hiển về cải tiến chữ Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà sử học Lê Văn Lan đều cho rằng việc này nếu thực hiện sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Trước đề xuất của PGS.TS Bùi Hiển về cải tiến chữ Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà sử học Lê Văn Lan đều cho rằng việc này nếu thực hiện sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Trước đề xuất của PGS. TS Bùi Hiển về việc đề xuất cải tiến chữ Việt, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết: Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Nhiều đề xuất tương tự đã có từ hàng chục năm nay. Gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị Nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.

Ông Thuyết cho biết, vào thời điểm trên, văn phòng của nguyên Thủ tướng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Thay mặt trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Thuyết có gửi công văn trả lời, trong đó có đoạn: “Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể tất cả các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ có các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”.

Từ câu chuyện trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho nêu quan điểm: “Chúng ta không nên đổi, vì nếu thay đổi thì để lại một hệ lụy rất lớn. Chúng ta sẽ phải đi học lại toàn bộ bảng chữ cái tiếng Việt mới. Thực chất, chữ Quốc ngữ mới được xây dựng gần 400 năm nay và cũng khá hợp lý nếu so với nhiều thứ chữ khác, như Anh, Pháp”.

GS. Nguyễn Minh Thuyết.


“Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, cho nên muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo thì rất khó. Bởi lẽ, trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý”, GS. Thuyết nói thêm.“Việc chữ viết sau một vài trăm năm thực hiện có độ vênh với ngữ âm là chuyện bình thường, vì ngữ âm như cơ thể luôn phát triển, còn chữ viết như cái áo không thể phát triển theo cơ thể, do đó sẽ trở nên chật chội, bất hợp lý ở chỗ này chỗ kia”, GS. Thuyết nhận định.

Cũng bàn về đề xuất trên, nhà Sử học Lê Văn Lan nêu ý kiến: “Cá nhân tôi cho rằng đây là đề xuất không khả thi. Thử hỏi nếu thực hiện thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chả lẽ 90 triệu người dân chúng ta phải đi học lại quy tắc sử dụng tiếng Việt? Chúng ta nên dùng bàn về chuyện này ở đây, bởi hiện tại chữ tiếng Việt là rất hợp lý”.

Một chuyên gia ngôn ngữ (không muốn nêu tên) cho rằng không nên quá "lo lắng" trước đề xuất trên, vì nó mới chỉ là vấn đề của các hội thảo khoa học. “Tôi nghĩ rằng chúng ta cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Chữ Quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi,  dù nó cũng đang bộc lộ những bất hợp lý. Việc vận động của xã hội, ngôn ngữ là điều bình thường. Nhiệm vụ của nhà khoa học là đưa ra nghiên cứu, ý tưởng…. Còn áp dụng vào thực tiễn thế nào thì phải cân nhắc rất nhiều. Những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác. Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học chấp nhận điều này” - vị chuyên gia ngôn ngữ này nhận định.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-cai-tien-chu-viet-tieng-viet-se-gay-ra-nhieu-he-luy-a210857.html