Đề xuất di dời ga Hà Nội: Ai dám đảm bảo không còn cảnh ách tắc?


Thứ 4, 16/08/2017 | 01:13


Ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT cho rằng: “Phải bỏ ngay tư duy khó làm thì dẹp, không làm được cấm, đường sắt phải tạo thành một thể thống nhất”.

Ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT cho rằng: “Phải bỏ ngay tư duy khó làm thì dẹp, không làm được cấm, đường sắt phải tạo thành một thể thống nhất”.

Ga Hà Nội là đầu mối để kết nối tất cả các tuyến đường sắt, như tuyến Thống Nhất, Thái Nguyên, Lào Cai, Đồng Đăng, Quảng Ninh... Là đầu mối đường sắt, là hệ thống xuyên suốt để kết nối các tuyến đường sắt, nếu chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm là bỏ đi đầu mối trung chuyển quan trọng. Ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT đặt câu hỏi: "Bây giờ di chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố, sẽ kết nối các phương thức vận tải như thế nào?"

PV: Mới đây, Công an TP. Hà Nội có đưa ra đề xuất muốn chuyển Ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thành phố. Được biết, phía Đường sắt đã bày tỏ quan điểm không đồng tình. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phạm Thế Minh: Theo quan điểm của tôi, đường sắt phải tạo thành một thể thống nhất, các tuyến liên thông với nhau chứ không thể chuyển tải từ tuyến nọ sang tuyến kia gây phiền toái cho người dân.

Ga hàng hóa thường tập kết ở ngoài đến đêm mọi người sẽ dùng xe nhỏ để vận chuyển hàng hóa vào nội đô. Nhưng bây giờ dồn hết hành khách về Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) theo đó sẽ cần bao nhiêu ô tô "cõng" khách vào nội đô, sang các điểm? Tính kết nối làm sao để hành khách thuận tiện nhất khi tham gia giao thông là yêu cầu cao nhất của giao thông.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô đồng nghĩa với việc Hà Nội phải chi ra vài chục nghìn tỷ thì mới làm được. Liệu việc này có khả thi, thưa ông?

Ông Phạm Thế Minh: Quan điểm của tôi không đồng tình với việc di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Điều mà dư luận và người dân quan tâm là lợi ích từ việc di dời là gì? Lấy đất để phục vụ mục đích gì?

Bản thân chúng ta không có nhiều quỹ đất cho giao thông nhưng giờ lại có ý tưởng chuyển hóa cầu Long Biên để làm du lịch, vui chơi giải trí làm mất đi không gian, đất phục vụ cho giao thông. Điều dễ nhận thấy, khi chuyển cầu Long Biên thành khu du lịch, lượng khách đổ về lớn, kéo theo các phương tiện giao thông gia tăng, giao thông sẽ “rối như canh hẹ”. Người ta chỉ nhìn cái lợi trước mắt, khó làm được thì dẹp, không làm được thì cấm.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất di dời Ga Hà Nội

PV: Nhưng thưa ông, cũng có luồng ý kiến cho rằng, sự hiện diện của Ga Hà Nội hiện nay đang làm cho giao thông ùn tắc. Vậy đâu là lý do mà ông không đồng tình với việc di dời?

Ông Phạm Thế Minh: Tôi đơn cử một ví dụ, trước đây Pháp xây dựng cầu Long Biên và có thiết kế hầm chui ở hai bên đầu cầu để người dân thuận tiện tham gia giao thông và không có chuyện tắc đường. Sau này do hầm yếu, thiếu kinh phí sửa chữa, chúng ta lại lấp đi và gây ra ách tắc, ùn ứ giao thông. Việc di dời Ga Hà Nội ai dám đảm bảo không còn cảnh ách tắc?

PV: Ga Hà Nội đang nằm tại một vị trí đắc địa, là “đất vàng”, nếu tính đến một bài toán đánh đổi, đường sắt hy sinh cho mục đích khác thì ông nghĩ sao?

Ông Phạm Thế Minh: Về chuyện này chúng ta không nên võ đoán, theo quan điểm của tôi giao thông phải có sự kết nối giữa đường sắt với đường bộ và các dạng mới tạo ra mạng lưới thông suốt. Nếu chúng ta không muốn sử dụng Ga Hà Nội cho tuyến đường sắt Thống Nhất thì cũng phải sử dụng cho đường sắt nội đô.

Với lực lượng công an, mục tiêu của họ là giữ gìn trật tự chứ chưa chắc đã tính đến bài toán giao thông. Ở nước ta đang tồn tại thực trạng, mỗi anh quản lý với mục tiêu khác nhau nên mới xảy ra những câu chuyện “lủng củng” như vậy, mạnh ai người ấy đề xuất.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-di-doi-ga-ha-noi-ai-dam-dam-bao-khong-con-canh-ach-tac-a199185.html