Bộ KH&ĐT đề xuất giảm thuế xuất khẩu


Thứ 4, 26/07/2017 | 01:53


Cùng sự kiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra đề nghị giảm thuế xuất khẩu 5% để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy xi măng trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra đề nghị giảm thuế xuất khẩu 5% để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy xi măng trong nước.

Trong Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp trong quý II và năm 2017 trình Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT đã đưa ra phương án đề xuất mới để giúp các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước giảm bớt khó khăn.

Ảnh minh họa.

Theo Dân Trí, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc không được khấu trừ VAT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5% sẽ khiến chi phí xuất khẩu xi măng, clinker (nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng) có thể tăng lên. Với xi măng là khoảng 7,5 USD/tấn, với clinker là khoảng 4,5 USD/tấn.

Bởi việc tăng chi phí này khiến việc xuất khẩu xi măng của nước ta khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản..., từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc cung cầu xi măng trong nước.

"Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp", Bộ KH&ĐT đề nghị.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam (Vicem) cho biết, việc dư thừa ximăng là vấn nạn kéo dài, luẩn quẩn trong nhiều năm nay của ngành ximăng nhưng không có cách để giải quyết dứt điểm được.

Để giảm hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm giá bán nhưng cách làm này, theo ông Cung, chỉ giúp "doanh nghiệp này bán được hàng thì doanh nghiệp khác lại bị ế”. Ngoài ra, việc cho phép xây dựng các nhà máy mới là rất bất cập, “làm khó” những nhà máy ra đời trước.

Trước đó, Vicem đã có phản hồi về việc áp thuế xuất khẩu mặt hàng xi măng nói riêng, các mặt hàng xuất khẩu khác nói chung sau khi nhận được văn bản của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc về mức thuế suất 5% đối với mặt hàng xi măng.

Theo đó, Vicem cho rằng, để tránh gây bất lợi cho một số đơn vị sản xuất xi măng trong ngành, đặc biệt các đơn vị thực hiện theo dõi, quản lý và kê khai nghiêm túc các chi phí đầu tư liên quan đến chi phí khoáng sản và chi phí năng lượng, đề nghị các cơ quan quản lý nên xem xét việc áp dụng một mức thuế suất đối với cùng một loại hàng hóa xuất khẩu.

Liên quan đến Công văn số 504/UBTCNS14 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Vicem đồng ý với Ủy ban này, cho rằng việc Cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm Bản cam kết về giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng của xi măng là không phù hợp.

Vicem cũng nhận định: xi măng là sản phẩm cuối cùng trong quá trình sản xuất của các nhà máy của VICEM, không phải là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm. Vicem cũng cho rằng, việc áp dụng thuế xuất khẩu từ 5-20% đối với hàng hóa xuất khẩu mà có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên là không có cơ sở để quản lý và khó có khả thi trong thực tế.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-khdt-de-xuat-giam-thue-xuat-khau-a197236.html