Dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp, người dân có gặp phiền hà?


Thứ 3, 15/09/2020 | 00:45


Việc đề xuất thẻ căn cước công dân được gắn thẻ chíp điện tử , thay vì mã vạch như hiện nay đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận.

Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân của bộ Công an đã được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt và sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng dự án dữ liệu quốc gia dân cư dự kiến vận hành cùng thời điểm năm 2021. Việc đề xuất thẻ căn cước công dân được gắn thẻ chíp điện tử , thay vì mã vạch như hiện nay đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận.

Sẽ vận hành thẻ căn cước công dân gắn chip từ 2021

Thông tin trên được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đưa ra trong cuộc họp ban Chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân vào chiều 3/9. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1368 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của bộ Công an.

Theo chủ trương, dự án trên sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021. Dự án Căn cước công dân ước tính 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể. Khi thực hiện dự án, bộ Công an sẽ phải thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu; bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học. Bộ Công an ước tính giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng.

Ảnh minh họa

Dù vậy, theo đại diện của cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an), 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách do nhờ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền... Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số. Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chíp điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ.

Lý giải việc không cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện bộ Công an nói, từ năm 2012 khi bắt đầu xây dựng đề án cấp thẻ Căn cước công dân, Bộ đã đưa ra vấn đề này tuy nhiên lúc đó chíp điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế.

Hạn chế tối đa giả mạo danh tính?

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, bộ Công an cho hay, thẻ căn cước sử dụng chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... và nó phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch căn cước công dân.

Thẻ căn cước có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ căn cước công dân mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác... Qua đó, có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Đáng chú ý, khi thẻ căn cước gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ căn cước có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên căn cước gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet.

Về băn khoăn “những công dân hiện đang sử dụng thẻ căn cước công dân mã vạch, việc thực hiện các giao dịch có bị ảnh hưởng gì không?”, Thiếu tướng Tô Văn Huệ khẳng định: Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng bởi chúng chỉ có thay thiết bị lưu trữ thông tin, còn số căn cước cũ vẫn giữ nguyên. Một điều lưu ý, công dân đang sử dụng căn cước mã vạch nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn được dùng để thực hiện các giao dịch bình thường, nội dung thông tin cá nhân, số thẻ căn cước không có sự thay đổi giữa thẻ căn cước công dân mã vạch và thẻ căn cước gắn chíp. Lo ngại quyền riêng tư Mặc dù bộ Công an đã chỉ ra những ưu điểm của việc chuyển đổi thẻ căn cước công dân, tuy nhiên vẫn có luồng ý kiến lo ngại thông tin cá nhân có ảnh hưởng tới quyền cá nhân, quyền riêng tư.

Trao đổi với PV ĐS&PL, TS.Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhận định, việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp điện tử thì ai sẽ là người được tra cứu, hoặc kiểm tra những thông tin của công dân trên chiếc thẻ. Liệu rằng chủ nhân chiếc thẻ có bị theo dõi hay lấy trộm thông tin từ những nơi phải trình thông tin cá nhân, như: Đi máy bay, lưu trú, du lịch... và đặc biệt vấn đề bảo mật thông tin trước tội phạm công nghệ cao. Ai được quyền trích xuất thông tin từ chíp điện tử? Theo đánh giá của một chuyên gia công nghệ, thẻ căn cước gắn chíp có khả năng lưu chứa dữ liệu lớn. Thêm vào đó, nó có thể truy xuất dữ liệu nhanh hơn và cũng có thêm ưu điểm là khả năng bảo mật cao, không dễ bị xâm nhập và khó có khả năng bị làm giả. Tuy nhiên, nhà quản lý khi áp dụng cần xem xét đến hành lang pháp lý, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quyền cá nhân, quyền riêng tư của công dân.

Nhận định về hình thức chuyển đổi thẻ căn cước, trao đổi với PV ĐS&PL, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc đề xuất chuyển đổi thẻ căn cước là việc rất bình thường. Tuy nhiên, một chính sách mới khi đưa ra có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân đều tạo sự chú ý, quan tâm của dư luận và cử tri. Việc dư luận, người dân và cử tri có phần bất ngờ là do công tác thông tin chưa giải thích đầy đủ tác dụng và tiện ích của thẻ chíp so với thẻ từ, trong khi đó cái cũ chưa được triển khai xong thì lại phải thay đổi cái mới. Người dân quan tâm, việc gắn chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân sẽ đem lại hiệu quả ra sao, vấn đề an toàn, bảo mật như thế nào cho người dân. Đặc biệt là sự an toàn trước tội phạm công nghệ cao.

“Theo đó, Chính phủ, đặc biệt là bộ Công an phải có đánh giá tác động của việc chuyển đổi thẻ chíp thay cho thẻ mã vạch một cách đầy đủ. Bởi không thể chỉ đánh giá tác động mang tính chất định lượng mà phải có những đánh giá tác động mang tính chất định tính, để người dân hiểu hiệu quả và lợi ích của việc chuyển đổi này. Bên cạnh đó, cần có số liệu cụ thể để minh chứng rằng những tiện ích và lợi ích đó cao hơn. Nó mang lại hiệu quả trong việc quản lý Nhà nước nhưng đồng thời phải đảm bảo sự thuận lợi, thuận tiện và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Hồng nhấn mạnh.

Dùng thẻ căn cước công dân người dân có gặp phiền

Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng cho biết thêm, qua tham khảo những báo cáo mà chúng tôi được tiếp cận, hiện nay nhiều quốc gia đã có triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử và người ta đã tích hợp các thông tin về giấy phép lái xe, thông tin về bảo hiểm xã hội, thông tin về y tế vào thẻ căn cước. Điều đáng nói, nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết. Việc triển khai và tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành mới có thể đảm bảo hiệu quả trên thực tế. “ ” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên thường


Hương Lan
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (144)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-nguoi-dan-co-gap-phien-ha-a338791.html