Gian lận thi cử: Thủ tướng ra thời hạn xác minh dấu hiệu đưa, nhận hối lộ


Thứ 7, 27/04/2019 | 02:12


Liên quan đến vụ gian lận thi cử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Công an xác minh những dấu hiệu đưa, nhận hối lộ (nếu có) để xử lý.

Liên quan đến vụ gian lận thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Công an xác minh những dấu hiệu đưa, nhận hối lộ (nếu có) để xử lý.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về những dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ mà báo chí phản ánh. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủ tưởng cũng yêu cầu bộ Công an báo cáo kết quả lên trước ngày 25/5/2019.

Về việc có hay không hành vi đưa hối lộ của phụ huynh để "chạy" điểm cho con, Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, gia cảnh của các thí sinh được nâng điểm dần lộ diện và thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.

"Điểm các thí sinh được nâng đều từ 28 điểm trở lên, bất kể điểm thực bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu hành vi chạy trường rất rõ. Phụ huynh thí sinh đều có chức vụ, cần làm rõ và là căn cứ để xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng bản chất vụ việc”, ông Cường nói.

Danh sách 44 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu bộ Công an xác minh, ông Cường nêu quan điểm: "Cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ hành vi đặc điểm và động cơ, mục đích nâng điểm, vai trò của phụ huynh và những người có liên quan để làm căn cứ, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật trên cơ sở nguyên tắc không quan sai nhưng cũng không thể bỏ lọt tội phạm.

Trong trường hợp phụ huynh bị khởi tố về tội đưa hối lộ và cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy những thí sinh này là người đề xướng việc chạy điểm chạy trường, hoặc giúp sức cho việc chạy điểm chạy trường, cùng ý chí thực hiện việc tác động bằng lợi ích vật chất (tiền bạc...) hoặc tác động phi vật chất để người có chức vụ quyền hạn làm thay đổi kết quả thi thì thí sinh cũng sẽ bị khởi tố hình sự về tội Đưa hối lộ với vai trò đồng phạm cùng với người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ".

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Công Luân

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-lan-thi-cu-thu-tuong-ra-thoi-han-xac-minh-dau-hieu-dua-nhan-hoi-lo-a272964.html