Hà Nội đề xuất trông xe dưới gầm cầu: Bộ Giao thông Vận tải nói gì?


Thứ 5, 07/03/2019 | 13:31


Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu và đường có chức năng phục vụ giao thông, Thành phố Hà Nội cần thực hiện đúng quy định này.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu và đường có chức năng phục vụ giao thông, Thành phố Hà Nội cần thực hiện đúng quy định này.

Trao đổi với báo chíc chiều 7/3 về việc Thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục được trông xe dưới gầm cầu vượtThứ trướng Nguyễn Văn Công cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 11/2010 của Chính phủ, cầu và hệ thống hạ tầng liên quan như đường dẫn, gầm cầu có chức năng chính là phục vụ, đảm bảo giao thông. Để thực hiện tốt việc này, năm 2015 Bộ GTVT đã có Thông tư số 50 hướng dẫn cụ thể. “Riêng hệ thống cầu và hệ thống hạ tầng liên quan, Thông tư quy định: Không sử dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác”, ông Công thông tin.

Tuy nhiên, tại thời điểm Thông tư 50 ban hành, Hà Nội đang cấp phép trông giữ xe tại nhiều vị trí gầm cầu nên sau đó UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT với nội dung: khẳng định sẽ giải tỏa những điểm trông xe tự phát, gây ảnh hưởng giao thông, mất an toàn ở gầm cầu; cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng đề nghị được tiếp tục trông giữ xe ở một số vị trí gầm cầu đang có nhu cầu đỗ xe  lớn, như gầm cầu Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng); gầm cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm), Mai Dịch (Cầu Giấy)…

 Một điểm trông giữ xe tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Để tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội có thời gian chuẩn bị thực hiện thông tư, năm 2017, Bộ GTVT có Thông tư 35, sửa đổi một số nội dung của Thông tư 50, trong đó có nội dung đồng ý cho thành phố Hà Nội được kéo dài tổ chức trông giữ xe dưới các gầm cầu nêu trên. Nhưng tại mục 3 - Điều 1 của Thông tư 35 lưu ý: Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã dược cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của thông tư này, khi hết thời gian của giấy phép được cấp, tổ chức, cá nhân trông giữ xe có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao lại mặt bằng cho cơ quan chức năng quản lý…

Trong trường hợp hết thời hạn cấp phép, đơn vị, cá nhân được cấp phép không thực hiện nội dung trên, thông tư nêu rõ: Cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.

Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, nhu cầu trông giữ phương tiện trên địa bàn rất lớn. Trong khi đó bến, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch vẫn trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh. Các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện của nhân dân, các cơ quan.

Hiện trên địa bàn Thành phố có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện gồm Vĩnh Tuy, Chương Dương, Ngã tư Vọng và gầm cầu vượt Mai Dịch. Các vị trí này đã được TP chấp thuận trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35.

Để có cơ sở tiếp tục duy trì các điểm đỗ xe dưới gầm cầu, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một sô nội dung trong Thông tư 35, cho phép TP Hà Nội được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023.

Thành phố Hà Nội cam kết đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại các vị trí trông giữ này.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-de-xuat-trong-xe-duoi-gam-cau-bo-giao-thong-van-tai-noi-gi-a265624.html