Hệ lụy sang chấn tâm lý với người dân đi qua thảm họa lũ lụt, sạt lở: Giải mã nỗi ám ảnh và cách hóa giải những nguy cơ


Thứ 2, 09/11/2020 | 23:33


Cùng sự kiện

Liên tiếp các vụ sạt lở đất ở miền Trung đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và tài sản của nhiều gia đình.

Liên tiếp các vụ sạt lở đất ở miền Trung đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và tài sản của nhiều gia đình. Mất mát đau thương khiến những người ở lại, những người sống sót phải sống với sang chấn tâm lý nặng nề. Điều những người dân nơi đây cần lúc này không chỉ là nhu yếu phẩm hay tiền để tái dựng cuộc sống, họ cần nhiều hơn thế đặc biệt ở góc độ tinh thần và ổn định tâm lý. Trong cuộc trò chuyện với PV ĐS&PL, PGS.TS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc bệnh viện Việt Pháp, Chủ tịch hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam đã có những quan điểm, góc nhìn rõ hơn về cuộc chiến tâm lý dữ dội mà những người sống sót đang phải chiến đấu.

Cuộc chiến tâm lý

Những vụ sạt lở kinh hoàng tại miền Trung đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Bên cạnh việc tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ những người gặp khó khăn, người ta cũng đang nhắc đến vấn đề sang chấn tâm lý của người sống sót, người chứng kiến thảm họa. Dưới góc độ của chuyên gia, ông hãy giúp độc giả hiểu về những xáo trộn và biến động, sang chấn tâm lý này?

Sang chấn được hình thành từ sự tổng hợp của nhiều căng thẳng, nhiều stress. Sang chấn tâm lý là điều chắc chắn họ phải đối diện. Họ không chỉ sang chấn về mặt tâm lý mà còn sang chấn thể chất và sang chấn cả về mặt xã hội.

Cuộc sống của họ bị đảo lộn, không có nơi ở và đôi khi là bị cô lập, không biết bấu víu vào đâu. Trong thang điểm sang chấn, cái nặng nhất chính là mất vợ hoặc chồng. Mất mát này đứng ở thang điểm 100. Đây là mất mát gây stress rất nặng. Người dân chịu ảnh hưởng của bão lũ miền Trung, cụ thể ở đây là nạn nhân của những vụ sạt lở, họ không chỉ mất vợ hoặc chồng mà còn mất nhiều người thân, thậm chí mất tất cả người thân. Như vậy, họ không chỉ ở mức cao nhất, 100 điểm, mà còn nhiều hơn thế, có thể lên đến cả 1.000. Vì, họ mất mát quá nhiều.

Hiện trường vụ sạt lở đất ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Ông vừa đề cập đến cụm từ ít người biết, sang chấn xã hội. Thưa ông, sang chấn xã hội là thế nào?

Người dân không chỉ mất người thân mà còn mất nhà cửa, mất những người hàng xóm và mất làng mất xóm. Với người Việt, mất tài sản không phải là mất mát lớn nhất, cái gây mất mát nhất chính là mất cơ cấu làng xã, cuộc sống của họ bị đảo lộn. Mọi thứ đều đã bị chôn vùi, kể cả mồ mả. Mất mát ấy gọi là sang chấn về xã hội.

Cụ thể với người là nạn nhân của những vụ sạt lở kinh hoàng gây ám ảnh, trước mắt và lâu dài họ sẽ phải đối diện với điều gì, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?

Rủi ro đến nhanh, không có thời gian chuẩn bị về mặt tâm lý, sang chấn mà người dân phải chịu đựng là rất nặng. Nó trở nên nặng nề bởi tính bất ngờ. Trận sạt lở bất ngờ khiến một người mất hết tất cả chỉ trong khoảnh khắc để lại những ám ảnh vô cùng tồi tệ. Những người may mắn thoát chết sẽ bước vào cuộc chiến tâm lý dữ dội những ngày sau đó.

Chị đã dùng một từ rất đúng - “ám ảnh”. Đúng là như vậy, họ sẽ ám ảnh với những điều đã xảy ra, đã chứng kiến trong suốt phần đời còn lại. Thậm chí, rất lâu sau đó, họ vẫn sẽ hồi ức lại những trải nghiệm đau buồn đã từng có và vẫn phải đối diện với stress.

Khi bị sang chấn tâm lý, các cơ quan trên cơ thể sẽ thay đổi thế nào, thưa ông?

Stress tác động đến toàn thể từ hệ thần kinh, nội tiết đến hệ miễn dịch. Hệ thần kinh thì rõ rồi, nó sẽ có những tác động mạnh lên não. Khi bị stress, não bộ bị tác động đầu tiên gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần. Chính những đảo lộn này gây ra trầm cảm, lo âu... kể cả rối loạn về thể chất, như các rối loạn về tâm thể.

Về mặt nội tiết, stress cũng sẽ tác động đến cả hệ thống từ tuyến yên đến tuyến giáp, tuyến sinh dục và gây ra những đảo lộn. Với hệ miễn dịch, đó là sự suy giảm khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể. Người bị stress rất dễ mắc bệnh, ví dụ họ hay bị cảm, bị viêm nhiễm...

Stress cần được chia nhỏ

Một học sinh lớp 9 tại Trà Leng đã hoảng loạn chạy thoát thân khi nghe tiếng ầm ầm của lũ bùn đá đổ xuống. Sau đó, em chứng kiến cảnh nhà của mình bị vùi lấp và cha mẹ nằm dưới lớp đất lạnh. Với đứa trẻ ấy, sang chấn tâm lý sẽ thế nào thưa ông?

Đứa trẻ chứng kiến bố mẹ hoặc người thân bị vùi lấp, trôi hoặc bị mất tích thì stress vô cùng nặng nề. Đó là stress để lại dư âm trầm trọng, lâu dài và có thể gây ra những hệ lụy liên quan đến sự phát triển của đứa trẻ.

Vậy người gặp sang chấn sau chấn thương cần làm gì để giúp bản thân vượt qua nỗi ám ảnh, vượt qua những áp lực tâm lý?

Để họ tự vượt qua rất khó nhưng bản thân mỗi người phải tự cố gắng. Sự nỗ lực của bản thân kết hợp với giúp đỡ của những người xung quanh, của gia đình, của xã hội, của đoàn thể, họ sẽ dần vượt qua sang chấn tâm lý.

Người Việt Nam có ưu điểm là chia sẻ, đùm bọc, đồng cam cộng khổ. Stress tác động khiến người mắc rất nặng. Khi chúng ta động viên, hỗ trợ và chia sẻ, stress sẽ được chia nhỏ, trở nên nhẹ hơn, trôi qua nhanh hơn. Việc đi đến từng nhà, gặp từng người để chia sẻ là vô cùng cần thiết. Sự hỗ trợ đó không chỉ dừng ở vài gói mì tôm hay chai nước, người dân còn cần hỗ trợ về mặt tinh thần.

Tôi đánh giá, đây là ưu điểm người Việt chúng ta nên phát huy điểm mạnh của mình.

Với những nạn nhân sống sót, sang chấn là điều phải đối mặt, nhưng với những người mất người thân, họ có phải chịu đựng sang chấn tâm lý không thưa ông?

Mất người thân để lại những tổn thương vô cùng nặng nề. Ví dụ như mất vợ hoặc chồng là 100 điểm, người thân gần gũi nhất là 63 điểm. Trên 10 điểm là đã bị stress và những người dân phải chịu đựng mất mát từ lũ lụt, sạt lở thì thang điểm của họ là rất cao. Vì vậy, những người này nếu không được hỗ trợ về mặt kinh tế và tâm lý thì stress của họ sẽ rất nặng. Như tôi đã nói, sự hỗ trợ của xã hội là rất quan trọng. Sang chấn có nhiều dạng thức. Đôi khi chúng ta không thấy rõ được. Vì vậy, hãy giúp đỡ họ về tâm lý ngay cả khi biểu hiện không rõ ràng.

Nếu không điều trị kịp thời, người trầm cảm có nguy cơ tự sát

PGS.TS Võ Văn Bản.

Sang chấn có nhiều dạng thức, nhưng cái người ta lo sợ chính là việc người sống sót tự trách bản thân mình, mặc cảm có lỗi. Với những người xuất hiện biểu hiện này, họ phải làm gì để vượt qua?

Người oán trách bản thân là người bị trầm cảm rất nặng. Họ luôn tự đổ lỗi cho mình, thậm chí việc người thân qua đời hoàn toàn không liên quan nhưng họ vẫn không ngừng đổ lỗi cho bản thân. Đôi lúc, trầm cảm nặng dẫn đến việc họ muốn ra đi cùng người thân đã mất. Những người thế này cần phải được can thiệp, phải được kiểm tra ngay. Nếu họ đang bị trầm cảm thì cần phải điều trị. Trước hết là bằng thuốc, sau đó kết hợp trị liệu tâm lý. Nếu không điều trị kịp thời biến cố xấu nhất sẽ đến, đó chính là tự sát.

Những người trải qua mất mát thường đau đớn khi gặp lại hình ảnh gợi nhớ về quá khứ. Chúng ta có nên để người dân quay lại sống ở nơi cũ đã bị chôn vùi?

Cái chị đang nói là stress sau sang chấn. Khi trở lại nơi cũ nhưng hình ảnh xưa sẽ quay trở về. Nếu ta có điều kiện hãy chuyển họ đến nơi khang trang hơn, tốt cho cuộc sống hơn nhưng đừng quá xa nơi cũ. Vì nếu quá xa và lại còn không tốt hơn cũng sẽ khiến họ hồi tưởng về nơi cũ và nó cũng gây ra stress. Cấu trúc làng xã với người Việt là rất quan trọng. Đôi khi, đi xa ta không nhớ nhà mà nhớ mái đình, nhớ cổng làng.

Những người chịu cú sốc rồi bị sang chấn, họ có bao giờ trở lại bình thường không, thưa ông?

Những người bị sang chấn hoàn toàn có thể trở lại bình thường nếu được chữa trị đúng cách. Những rối loạn stress là những rối loạn tự hồi phục. Đương nhiên, nếu kết hợp điều trị họ sẽ vượt qua nhanh hơn.

Quên đi bằng hoạt động hữu ích

Lâu nay người ta vốn chỉ chú trọng chữa bệnh thực thể ít chú ý chữa bệnh “tinh thần”. Phải chăng chữa bệnh, tâm lý trị liệu vẫn còn quá xa xỉ với đại bộ phận người Việt. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Chúng ta cần hiểu đầy đủ về sức khỏe, nó bao gồm cả sức khỏe thể chất, sức khoẻ tinh thần và xã hội. Thế nên, nếu chỉ nói sức khoẻ thể chất thôi là chưa đủ. Thực tế, chúng tác động qua lại đến nhau. Sức khỏe thể chất tốt sẽ là một yếu tố để hỗ trợ tinh thần chống lại những tác nhân của stress.

Đúng như chị nói, việc chữa trị tâm lý là điều xa xỉ với đa số người Việt. Cái này xuất phát từ hậu quả của chiến tranh và kinh tế chưa phát triển. Đó là lý do chúng ta để ý nhiều đến những bệnh nguy hiểm trước mắt mà chưa chú ý đến rối loạn tâm lý.

Với người dân sống ở khu vực sạt lở tại miền Trung những ngày bão lũ gần đây, chữa bệnh tâm lý sẽ không nằm trong kế hoạch phục hồi của họ. Chúng ta cần làm gì để giúp họ, thưa ông?

Đối với người Trà Leng nói riêng và những người dân phải chịu những tổn thất về người và của ở miền Trung trong đợt lũ lụt vừa qua, chúng ta cần hỗ trợ họ về mặt tâm lý bên cạnh hỗ trợ kinh tế. Đây thực sự là điều khó triển khai ở các địa phương này, bởi ngay cả đội ngũ y tế thông thường còn chưa đủ thì nói gì đến bác sĩ điều trị tâm lý.

Thế nên, khi triển khai các hoạt động từ thiện, đừng nghĩ họ chỉ cần tiền, họ cần hỗ trợ cả về tâm lý nữa. Đến từng nhà, gặp từng người là khó triển khai, nhưng ta có thể xây dựng các khóa trị liệu cho cán bộ y tế, cô giáo những kiến thức cơ bản về điều trị tâm lý để giúp đỡ những người trong cộng đồng. Đối với rối loạn, khủng hoảng tâm lý, đôi khi chỉ cần một câu nói, một lời nói cũng có thể nâng đỡ một con người. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của xã hội là rất quan trọng.

Để người bị sang chấn quên nhanh nhất chính là giúp họ có những hoạt động hữu ích để vơi dần nỗi đau. Đó là trẻ con được đi học, người lớn được hướng nghiệp và có các hoạt động thể thao, giải trí. Những hoạt động hữu ích sẽ giúp họ dần bước qua vùng tối.

Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam rất sẵn sàng giúp người dân miền Trung các hoạt động liên quan đến điều trị tâm lý. Nếu được mời, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai. Với việc điều trị tâm lý thì việc nói chuyện trực tiếp giữa người hiểu biết về tâm lý với những người cần hỗ trợ sẽ tốt nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Lê Anh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (48)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-luy-sang-chan-tam-ly-voi-nguoi-dan-di-qua-tham-hoa-lu-lut-sat-lo-giai-ma-noi-am-anh-va-cach-hoa-giai-nhung-nguy-co-a345489.html