Lời đồn quanh bức ảnh cầu vồng ôm mặt trời hay điềm xấu thời tiết?


Thứ 5, 14/07/2016 | 11:21


(ĐSPL) - Mới đây, người dân tỉnh Điện Biên lan truyền bức ảnh độc đáo cầu vồng “ôm” mặt trời. Điều này khiến nhiều người hoang mang lo lắng.

(ĐSPL) - Mới đây, người dân tỉnh Điện Biên lan truyền bức ảnh độc đáo cầu vồng “ôm” mặt trời. Bức ảnh được một người dân chụp sau đó đưa lên mạng kèm theo dự báo “điềm báo thời tiết cực đoan trong thời gian tới”. Điều này khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Bởi, thực tế cho thấy, hiện tượng thời tiết ngày càng diễn biến khó lường, đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài vừa qua.

Liên tiếp những tin đồn từ hình ảnh lạ

Trưa 8/7, trên bầu trời tỉnh Điện Biên đã xuất hiện quầng mặt trời khá lạ. Hiện tượng này kéo dài trong khoảng 3 giờ đồng hồ và thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Giữa trưa nắng, hàng ngàn người đã ghi lại hình ảnh và đưa lên mạng xã hội cùng những dòng chia sẻ trước hiện tượng được cho là bất thường, hiếm gặp này. Thậm chí, họ còn cho rằng, đây là điềm báo hiện tượng thời tiết bất thường, có thể xảy ra ngay trong năm nay.

Những bức ảnh về hiện tượng kỳ thú đó được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Có hàng ngàn lượt bình luận bên dưới các bức ảnh và không ít người vào dự đoán, đồn thổi về hiện tượng thiên nhiên này như một báo hiệu về một năm thiên tai, lụt lội. Một số người cho rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường giống như cầu vồng sau mưa, chứ không có gì đáng ngại.

Quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời tỉnh Điện Biên chỉ là hiện tượng bình thường.

Theo những người dân TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), sau những cơn mưa lớn, một vầng sáng lạ bỗng xuất hiện trên bầu trời. Vầng sáng tròn lớn, có màu sắc giống với cầu vồng đã “ôm” trọn lấy mặt trời. Quan sát nó bằng mắt thường thì thấy rất đẹp. Những cầu vồng có nhiều màu sắc: Trong cùng là màu đỏ, đến da cam, vàng, lục, lam, chàm và ngoài cùng là tím. Hình ảnh “mặt trời có quầng” cũng nhanh chóng được đăng tải lên mạng thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chị Lê Thị Hiếu Vân (SN 1982, trú tại TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bày tỏ: “Vào khoảng 10h ngày 8/7, trời nắng nóng bỗng xuất hiện một vòng tròn lung linh sắc màu như cầu vồng bao quanh mặt trời. Ai cũng lấy làm lạ trước hiện tượng này. Tôi cũng chụp được một vài ảnh đẹp chia sẻ lên mạng xã hội. Ngay lập tức không ít người vào bình luận rồi suy đoán, đó là điềm báo xấu về thời tiết, thiên tai, lụt lội, sạt lở là khó tránh khỏi vào mùa mưa bão năm nay”.

Còn anh Trần Minh Tâm (SN 1975, trú tại TP.Điện Biên Phủ) tỏ ra khá lo lắng: “Đây là lần thứ hai tôi được chiêm ngưỡng hiện tượng lạ này. Lần đầu tiên, quầng mặt trời xuất hiện được ghi nhận diễn ra cách đây khoảng 4 năm và kéo dài trong khoảng một giờ đồng hồ. Nhiều người nói, đây là “điềm báo” thời tiết năm nay sẽ rất khắc nghiệt. Thậm chí trong thời gian tới sẽ xảy ra lụt lội, mưa đá... Tôi vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng nói gì về hiện tượng này cả”.

Theo bản tin dự báo thời tiết của trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, từ ngày 8 - 12/7, trên địa bàn tỉnh sẽ có nắng nóng với nền nhiệt dao động từ 27 – 35oC. Trước đó, vào các ngày từ 3 đến 7/7, trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng đã xảy ra nhiều trận mưa lớn gây ngập lụt một số tuyến đường trên địa bàn TP.Điện Biên Phủ.

Hiện tượng này nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội. Nhiều người nhận định, quầng sáng là một dạng cầu vồng tròn hiếm gặp, là hiện tượng thiên nhiên có một không hai trên trái đất. Không ít người lại tin, có thể đây là một điềm báo của thiên nhiên theo chiều hướng xấu. Bình luận bên dưới hình ảnh “quầng mặt trời”, nickname Nguyễn Mạnh Cường tâm tư: “Hiện tượng này xuất hiện có thể là điềm báo thời gian tới sẽ có giông lốc to bất thường. Người nhà tôi ở Điện Biên còn nói sau khi xuất hiện hiện tượng lạ trên, khí hậu trở nên ẩm thấp, người dân bị đau đầu. Hy vọng không có điều gì tồi tệ xảy ra”.

Còn bạn Trần Hương hy vọng: “Hy vọng xuất hiện quầng mặt trời tại Điện Biên, thời gian tới sẽ không xảy ra những hiện tượng cực đoan của thời tiết. Thực tế, bà con Điện Biên đã bị ảnh hưởng nhiều vì thời tiết mấy năm nay rồi”.

Không liên quan đến thiên tai, lũ lụt

Trước hiện tượng này, chuyên gia thiên văn học Nguyễn Đức Phường khẳng định, hiện tượng xảy ra khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây ở độ cao cách mặt đất khoảng 6-8km. Tia sáng mặt trời bị khúc xạ và tán xạ bởi những tinh thể băng li ti cấu tạo nên đám mây và tạo nên một quầng sáng hình tròn, màu sắc như cầu vồng nhưng theo thứ tự ngược lại. Quầng mặt trời xảy ra là biểu hiện của thời tiết địa phương diễn ra tốt, trời không mưa, khô ráo. Người xem có thể quan sát bằng mắt thường mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không có chuyện quầng mặt trời xuất hiện là điềm báo sắp có lụt lớn.

Ông Phường dẫn chứng, trước đó, ngày 14/6, hiện tượng quầng mặt trời cũng được một phượt thủ ghi lại tại miền Trung khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Cách đó không lâu, ngày 23/5/2015, thời tiết nắng nóng, người dân tỉnh Phú Thọ cũng lần đầu chứng kiến hiện tượng vầng mặt trời khiến hàng ngàn người hiếu kỳ đổ ra đường quan sát và chụp lại hình ảnh.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Thanh Long, Giám đốc trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên xác nhận: “Đúng là có hiện tượng vầng mặt trời xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên vào trưa ngày 8/7 được gọi là hiện tượng quang học trong khí quyển hay quầng mặt trời. Trong khí quyển có nhiều hiện tượng như quầng mặt trời, quầng mặt trăng, tán mặt trời, tán mặt trăng. Vầng sáng xuất hiện sau cơn mưa cũng giống như hiện tượng cầu vồng. Đó là một dạng khúc xạ ánh sáng. Ánh sáng chiếu qua hơi nước nên xuất hiện những tia sáng bao quanh mặt trời. Cụ thể ánh sáng mặt trời chiếu qua mây ti tầng (Cirrostratus) ở độ cao 6 - 8km. Do mây này có cấu trúc tinh thể nên ánh sáng bị khúc xạ khiến vầng xuất hiện với đủ sắc màu y hệt cầu vồng. Tuy nhiên, cầu vồng và vầng mặt trời có sự sắp xếp màu sắc trái ngược nhau”.

Trước sự xuất hiện kỳ lạ của quầng mặt trời, nhiều người đồn đoán, đây là điềm báo của hiện tượng thời tiết cực đoan sắp tới. Trước sự đồn đoán này, ông Vũ Thanh Long cho biết: “Đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường, rất ít xuất hiện và không ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân. Hiện tượng này cũng không liên quan tới các điềm cảnh báo thảm họa hay thiên tai như nhiều người đồn đoán. Thậm chí, việc quan sát được quầng sáng rõ còn chứng tỏ thời tiết thời gian tới sẽ tốt, nắng, khô ráo và bầu trời quang đãng.

Không đáng lo ngại

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Chu Thị Thu Hường, bộ môn Khí tượng và Biến đổi khí hậu (ĐH Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Quầng mặt trời là hiện tượng khúc xạ ánh sáng qua tinh thể băng ở trên cao, còn cầu vồng là ánh sáng khúc xạ trong các hạt mưa. Hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện rất bình thường không có gì đáng lo ngại. Quầng mặt trời thường hay xuất hiện vào buổi trưa vì các hạt tinh thể băng thường nằm ở tầng trên cao của khí quyển, khi mặt trời lên cao sẽ chiếu vào hạt này và tạo hiện tượng quầng. Hiện tượng này xuất hiện thường xuyên, nếu quan sát chúng ta thấy khá nhiều trong năm. Những nghi ngại thời tiết có thể cực đoan khi xuất hiện quầng mặt trời do xưa nay dân gian vẫn có câu “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”. Hơn nữa, biến đổi thời tiết trong những năm gần đây khiến nền nhiệt tăng lên và thậm chí thời tiết cực đoan rất khó lường”.

VŨ PHƯƠNG

[mecloud]xnFrKrm1Fc[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-don-quanh-buc-anh-cau-vong-om-mat-troi-hay-diem-xau-thoi-tiet-a139542.html