Kỳ 6: Từ Đạt ma chân kinh đến đòn thế bí truyền tuyệt chiêu


Chủ nhật, 27/09/2015 | 00:33


(ĐSPL) - Môn phái Thăng Long Võ đạo được biết đến với món kung fu đặc dị Khẩu lợi công hay còn gọi là võ ngáp.

(ĐSPL) - Môn phái Thăng Long Võ đạo được biết đến với món kung fu đặc dị Khẩu lợi công hay còn gọi là võ ngáp.

Môn phái này là sự kế thừa của nền võ cử của cụ Cử Tốn - một cử nhân võ nổi tiếng Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và danh tướng của Đề Thám là cụ Thống Luận. Đến nay, học trò của môn phái, nhiều người luyện được kung fu thượng thừa, trong đó không ít đã thành huyền thoại.

Bí kíp luyện võ độc đáo

Kung fu khẩu lợi công – theo cách gọi của dân gian là tuyệt kỹ “võ ngáp”, chỉ khả năng phi thường của các cao thủ thượng thừa của môn phái Thăng Long Võ đạo. Người luyện thành công có thể dùng miệng nhấc bổng một chiếc bàn có khối lượng từ 80kg đến 90kg, đi trên những bậc thang một cách nhanh nhẹn.

Với kung fu này, chưa có một môn phái nào trong nước cũng như quốc tế làm được. Đến nay, số người luyện thành công kung fu khẩu lợi công không quá 5 người, đều là đệ tử chân truyền của bản môn và là những võ sư nổi danh trong làng võ Việt.

Bàn về kung fu kỳ dị này, võ sư Nguyễn Văn Thắng, chưởng môn đời thứ 2 của môn phái Thăng Long Võ đạo cho biết, Khẩu lợi công là tuyệt đỉnh kung fu của bản môn và là đặc điểm nổi trội dễ nhận biết nhất của môn phái so với các phái võ cổ truyền khác. Muốn được luyện kung fu Khẩu lợi công, người học bắt buộc phải có nền tảng võ công uyên thâm (khoảng 10 năm tôi luyện trở lên) mới có thể đáp ứng được những tiêu chí cần thiết.

Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng được biết đến là người luyện thành công chiêu thức Nhất dương chỉ.

Vị chưởng môn này cũng cho rằng, người muốn luyện Khẩu lợi công bắt buộc phải luyện qua bí kíp Đạt ma chân kinh – một bí kíp của môn phái chưa từng tiết lộ ra ngoài. Đây được xem là con đường duy nhất để luyện thành công kung fu đặc dị này.

Sau khi luyện Đạt ma chân kinh thuần thục, học trò mới bắt đầu học Khẩu lợi công. Quá trình tu này cũng hết sức khổ ải. Người học phải tu luyện bằng cách ngậm sỏi. Bước đầu ngậm các viên sỏi, những viên đá cuội như quả táo. Từ chỗ một lúc ngậm 5 viên rồi lên 7 viên, 10 viên và nhiều hơn nữa. Theo đó, việc ngậm sỏi, mục đích chao đảo miệng để làm cho cung hàm chai lại.

Khi đã có hàm răng chai sạn, võ sinh bắt đầu tập cắn, nhai từ đỗ lạc cho đến cao su. Sau đó tập ngáp, làm sao cho cung hàm chịu được sang chấn mạnh của ngoại lực, đến khi cơ hàm săn chắc, chịu được lực mạnh thì mới bắt đầu luyện Khẩu lợi công. Chính vì sự khổ luyện như vậy nên Khẩu lợi công trở thành kung fu được làng võ truyền tụng.

Kế thừa tinh hoa võ cử

Nói về truyền thống võ học của môn phái, chưởng môn Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Khẩu lợi công là một trong những kung fu đặc trưng của môn phái. Ngoài bí kíp luyện đặc dị này thì Thăng Long Võ đạo có cả một kho tàng bí kíp võ học quý báu, có đủ các bài đánh của 18 bộ binh khí, y võ, khí công, nội công, phong thủy tâm pháp... Trong môn phái hiện tại còn lưu giữ nhiều bài đao, kiếm đặc trưng của các bậc tiến sỹ võ xưa.

Dòng võ cử là tinh hoa của võ học vì tính thực chiến và ứng dụng cao. Môn phái kế thừa dòng võ cử của cụ Cử Tốn – một Phó bảng võ của triều Nguyễn. Ngoài ra, môn phái cũng có những bí kíp của dòng Thiếu Lâm nội gia do cụ Thống Luận – một tướng võ từng tham gia khởi nghĩa Yên Thế của cụ Đề Thám phát triển, luyện tập. Sau này, chưởng môn đời thứ nhất của Thăng Long võ đạo là cụ  Nguyễn Văn Nhân đã kế thừa và phát triển, sáng tạo ra nhiều lối đánh cận chiến mới. Qua việc tìm hiểu và trò chuyện với vị chưởng môn này, PV báo ĐS&PL được cung cấp nhiều tư liệu về cụ Cử Tốn.

Theo đó, cụ Cử Tốn tên thật là Nguyễn Đình Trọng, sinh ra và lớn lên ở quận Tây Hồ (Hà Nội) ngày nay. Ông thuộc dòng họ võ tướng (người anh em thúc bá Nguyễn Đình Tùng từng đỗ thủ khoa kỳ thi Đình (thám hoa võ - thời bấy giờ trong các kỳ thi nhà Nguyễn không lấy trạng nguyên).

Vào thời vua Tự Đức, cụ thi đậu Phó bảng võ. Do nhiều lý do, cụ không tham gia thi Đình. Võ công của cụ Cử Tốn từng được vua Tự Đức ca tụng hết lời, đặc biệt là tài bắn cung siêu hạng. Thời đó, nghe tin Cử Tốn giỏi bắn cung, vua Tự Đức quyết định mở một cuộc thi bắn, những người tham gia là các cao thủ nổi danh trong đại nội Huế, cùng với những tướng võ có tiếng là thiện xạ.

Một pha biểu diễn Khẩu lợi công của Thăng Long Võ đạo.

Mặc dù là lần đầu tiên được thi thố tài năng trước mặt vua nhưng cụ Cử Tốn vẫn thể hiện được bản lĩnh phi phàm. Đợi sau khi các cao thủ trong đại nội và những võ tướng nổi danh phô diễn tài năng, cụ Cử Tốn mới bình tĩnh bước ra thi đấu.

Nhiều câu chuyện được kể lại rằng, phát tên đầu tiên là một thử thách lớn nhất với cụ. Trong lúc mọi người đang hồi hộp để xem tân Phó bảng võ thể hiện như thế nào, cụ Cử Tốn đã đưa nhanh mũi tên thứ nhất lên ngắm, mọi người chưa kịp định thần thì mũi tên đã cắm trúng Hồng Tiêm (tâm bia). Bá quan văn võ chứng kiến đều ngạc nhiên và thầm thán phục.

Phát tên thứ nhất giải tỏa được tâm lý lo lắng, tám phát sau, cụ Cử Tốn bắn liên tiếp, nhanh tới mức quần hùng phải trố mắt kinh ngạc. Đã nhiều lần được tận mắt chứng kiến tài bắn cung của nhiều cao thủ trong đại nội và nhiều võ tướng khác nhưng vua Tự Đức cũng phải giật mình bởi chưa bao giờ được chứng kiến một cung thủ siêu phàm đến thế.

Các đại cao thủ lúc này tròn xoe mắt kinh ngạc, họ không thể tưởng tượng được ở nước Nam có người bắn cung tuyệt đỉnh đến thế. Sau lần đó, tài năng của cụ Cử Tốn được cả kinh thành Huế biết tới, chính vua Tự Đức đã ban tặng cho cụ bốn chữ "Xạ năng quán quốc" nhằm ghi nhận tài bắn cung siêu việt của cụ.

Nhưng chừng đó thành tích chưa nói hết được khả năng bắn cung bậc thầy của người anh hùng này. Huyền thoại về tài bắn cung của cụ Cử Tốn lưu danh hậu thế chính là khả năng bắn các mục tiêu di động.

Tương truyền, cụ Cử Tốn ngồi trên mình ngựa phi nước đại, chỉ cần thoáng qua có bóng chim trên trời là giương cung bắn hạ. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn Đình có nhắc đến tuyệt kỹ này: "Đương thời, dù là con ngựa bất kham đến đâu, cụ Cử Tốn cũng trị được. Không chỉ thế, cụ ngồi trên mình ngựa bắn cung cũng tuyệt vời. Mỗi lần đi săn, cụ Cử Tốn chỉ bắn chim bay, không thèm bắn chim đậu".

Vang danh thiên hạ

Nhắc đến môn phái Thăng Long Võ đạo không thể không nhắc đến các đời chưởng môn, võ sư, cao thủ của môn phái này, trong đó chưởng môn đầu tiên của môn phái Thăng Long Võ đạo – Nguyễn Văn Nhân là một điển hình.

Cụ Nguyễn Văn Nhân được thừa hưởng võ học Thiếu Lâm Nội gia từ cha của mình và dòng võ học của cụ Cử Tốn (ông ngoại). Chính vì lẽ đó, đương thời, Nguyễn Văn Nhân được giới võ nể phục. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, võ sư Văn Nhân được biết đến là một võ sỹ nổi danh đả lôi đài, ông từng được truyền tụng một ngày đánh gục hai cao thủ người Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám, võ sư Văn Nhân tham gia cách mạng và là thành viên của Đội tự vệ Thành (Hà Nội). Cấp trên biết ông là một võ sỹ bất khả chiến bại nên đã giao nhiệm vụ để ông huấn luyện võ thuật cho các đội tự vệ. Năm 1967, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cần có một lực lượng tinh nhuệ làm nhiệm vụ đặc biệt, bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh chủng Đặc công.

Võ sư Văn Nhân một lần nữa được “chọn mặt gửi vàng”. Ông và 7 võ sư tên tuổi khác được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện lực lượng đặc biệt này. Lối đánh tinh nhuệ, biến ảo, dũng mãnh vang dội của Đặc công Việt Nam đã nổi danh thế giới trong đó có sự đóng góp không nhỏ của võ sư Nguyễn Văn Nhân.   

Trinh Phúc – Vũ Phương

Xem thêm video:

[mecloud]Yf8vpgIBAq[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-6-tu-dat-ma-chan-kinh-den-don-the-bi-truyen-tuyet-chieu-a112340.html