Mỗi năm, xử lý tới 80.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe


Thứ 3, 03/01/2017 | 09:14


(ĐSPL) - Trong vòng một năm, lực lượng chức năng đã xử lý tới 80.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe.

(ĐSPL) - Trong vòng một năm, lực lượng chức năng đã xử lý tới 80.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe.

Tại Hội nghị CSGT năm 2017, Cục CSGT (C67) cho biết, chỉ trong vòng một năm, lực lượng chức năng đã xử lý tới 80.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe.

Theo Cục CSGT trong năm 2016, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tập trung vào một số chuyên đề như: xử lý vi phạm tốc độ, xe quá tải, vi phạm nồng độ cồn, xe tự chế, xe hết niên hạn sử dụng…

Qua đó, CSGT lập biên bản xử lý hơn 4,2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, nộp kho bạc Nhà nước 2,7 nghìn tỉ đồng. Trong đó, vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ chiếm tới 99,8% tổng số trường hợp bị xử phạt.

Trong vòng một năm, lực lượng chức năng đã xử lý tới 80.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe.

Đáng chú ý, một số lỗi vi phạm thường là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT có số lượng rất cao. Cụ thể, CSGT đã xử lý 80.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, hơn 800.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng cài quai không đúng quy cách,…

Cùng với hoạt động tuần tra kiểm soát, CSGT cũng trực tiếp và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hơn 6.500 vụ, bắt giữ hơn 5.200 đối tượng có dấu hiệu của tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông.

Cục CSGT nhận định tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm đang là vấn đề đe dọa nghiêm trọng đến trật tự ATGT, nhất là tại các TP lớn.

Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp; công tác tổ chức giao thông chưa phù hợp; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Đặc biệt, việc thi công và xây dựng mới các công trình giao thông vừa kéo dài, vừa chiếm diện tích mặt đường lớn, tổ chức giao thông lại kém nên đã ảnh hưởng lớn đến trật tự ATGT.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết các mức phạt đối với từng loại hành vi vi phạm gây ra do người say bia, rượu.

1. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng :

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại 2 trường hợp dưới.

+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:

– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

– Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ.

2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng :

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ;

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-nam-xu-ly-toi-80000-truong-hop-vi-pham-ve-nong-do-con-khi-lai-xe-a176874.html