Nghề Luật sư: Cám dỗ và định kiến


Thứ 2, 10/10/2016 | 03:41


(ĐSPL) - Nếu ta yếu lòng và chạy theo những cám dỗ đó, tất nhiên điều thiêng liêng nhất mà nghề Luật sư đem lại sẽ không còn được trọn vẹn.

(ĐSPL) – “Luật sư là một nghề nguy hiểm, có nguy hiểm nhưng cũng có những cám dỗ, nếu ta yếu lòng và chạy theo những cám dỗ đó, tất nhiên điều thiêng liêng nhất mà nghề Luật sư đem lại sẽ không còn được trọn vẹn.”

Nhân kỉ niệm ngày Luật sư Việt Nam 10/10, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để hiểu hơn về những tâm tư, ước nguyện của những người làm Luật muốn gửi gắm tới cộng đồng xã hội.

Thưa Luật sư, nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, ông có cảm nghĩ như thế nào về ngày này, ông có suy tư gì về nghề mà mình đang theo đuổi không?

Ngày 10/10 năm nay đã là 71 năm kể từ khi Bác Hồ ký sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 quy định việc duy trì các tổ chức đoàn thể Luật sư cho phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước, đồng thời thay thế tổ chức luật sư cũ do Thực dân Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta. Đây cũng là cột mốc đánh dấu ngày tôn vinh Luật sư Việt Nam, một nghề cao quý nhưng cũng lắm khó khăn, trở ngại.

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý.

Trải qua hơn 70 năm phát triển với nhiều thăng trầm, nghề Luật sư ở Việt Nam đã từng bước có được sự tôn trọng xứng đáng của toàn xã hội. Nghề Luật sư ngày càng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm (NQ 49 của BCT về cải cách tư pháp); Xã hội ngày càng hiểu đúng về vị trí, vai trò của luật sư, nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng nhiêu. Đặc biệt hệ thống pháp luật về luật sư ngày càng hoàn thiện. Môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi. Luật sư ngày càng được quan tâm đào tạo cả về số lượng và chất lượng, có điều kiện cần thiết để hành nghề.

Cao quý và rất quan trọng, nhưng theo ông, người làm Luật sư tại Việt Nam phải đối mặt với những trở ngại gì?

Bên cạnh sự phát triển không ngừng của nghề Luật sư, hiện nay việc hành nghề Luật sư ở nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Đây đó vẫn còn những cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng coi luật sư như “cái gai” cản trở công việc của họ, gây khó khăn cho Luật sư khi họ thực hiện nhiệm vụ của mình (ngăn cản luật sư vào gặp bị can, bị cáo trong trại tạm giam, xúi giục thậm chí ép buộc bị can, bị cáo, đương sự từ chối luật sư, cản trở luật sư tiếp cận hồ sơ vụ án….); nhiều cơ quan, tổ chức khác cũng rất “ngại” khi Luật sư đến liên hệ làm việc nên tìm mọi cách để né tránh, cản trở.

Ngoài ra, trong thực tế hành nghề Luật sư ở Việt Nam, luật sư luôn luôn hành nghề trong tình trạng nguy hiểm. Rất nhiều trường hợp luật sư bị tấn công gây thương tích, tạt axit, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng không những của Luật sư mà còn cả người thân của họ.

Với xu thế hội nhập hiện nay, nghề Luật sư sẽ ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với nền tư pháp nước nhà. Tuy nhiên, để nghề Luật sư Việt Nam thực sự phát triển và ở vào đúng vị thế vốn có của nó chỉ khi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước khác thực sự tôn trọng và thực hiện pháp luật nói chung và Luật luật sư nói riêng.

Ông vừa nói tới việc Luật sư là một nghề nguy hiểm và thường xuyên bị đe dọa, nhưng có những cám dỗ nào trong nghề khiến các Luật sư phải vượt qua để mang tới lợi ích cho xã hội không?

Như tôi đã nói, Luật sư là một nghề nguy hiểm, có nguy hiểm nhưng cũng có những cám dỗ, nếu ta yếu lòng và chạy theo những cám dỗ đó, tất nhiên điều thiêng liêng nhất mà nghề Luật sư đem lại sẽ không còn được trọn vẹn.

Để trở thành những Luật sư giỏi là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng để đi đến thành công, họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, cũng vượt qua không ít cám dỗ. Đầu tiên là cám dỗ của đồng tiền, nếu những ai không vững lòng, bỏ qua ngọn lửa nghề và lời thề thượng tôn pháp luật, họ sẽ sa vào con đường “ma đạo”, làm việc vì đồng tiền chứ không vì lẽ phải. Từ đó nảy sinh những vấn đề tiêu cực, đối trắng thay đen, bất chấp tất cả để đạt được mục đích.

Với mỗi Luật sư, chỉ khi đã hội tụ đủ các yếu tố: Tâm huyết với nghề, tâm trong sáng cùng ý chí thực thi pháp luật nghiêm minh thì người đó sẽ thành công trên con đường đã chọn.

Nói như vậy không có nghĩa là người luật sư toàn tài nào cũng phải đạt đến ngưỡng của sự hoàn hảo. Bởi cái đích cuối cùng của mỗi luật sư chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, công lý, lẽ phải phải được thực thi theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn hiện tại, ông có coi đây là cơ hội để các Luật sư Việt Nam nâng cao hơn nữa vai trò của mình đối với xã hội?

Không có giai đoạn nào trong lịch sử phát triển của đất nước trước đây, vị thế và vai trò của nghề Luật sư lại được coi trọng như hiện nay. Có thể nói, đây là thời điểm mà xã hội Việt Nam đã dần nhìn nhận sát gần hơn đối với vai trò của nghề luật sư theo đúng chỗ đứng mà nghề này xứng đáng có được. Người dân ngày càng tìm đến luật sư như một nhu cầu thiết thân, số lượng Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư ngày một phát triển, nền tư pháp nước nhà đã tạo điều kiện nhiều hơn để Luật sư thể hiện tầm quan trọng của mình.

Đảng và Nhà nước cũng đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt giành cho nghề luật sư. Đặc biệt, khi mà nhu cầu của xã hội, của Nhà nước đối với nghề Luật sư ở nước ta được thể hiện ngày một bức thiết, thì những vị lãnh đạo Nhà nước đã có những sự quan tâm lớn, thể hiện cách nhìn nhận mới cũng như cách thức sự cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đối với nghề Luật sư.

Tôi cho rằng, đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức để các Luật sư có thể khẳng định mình, nâng cao hơn nữa vai trò tới toàn xã hội.

Xin cảm ơn Luật sư, xin chúc ông thành công và giữ vững ngọn lửa yêu nghề!

Thùy An (thực hiện) 

Nguồn: Người đưa tin

[mecloud]TJtgliPG32[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-luat-su-cam-do-va-dinh-kien-a165215.html