+Aa-
    Zalo

    Người tiến cử phải chịu trách nhiệm để chọn ra những “hạt giống” tốt, đánh giá sai bị xử lý

    ĐS&PL Có ý kiến cho rằng, phải có cơ chế để những chủ thể đánh giá cán bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, chính xác trên cơ sở lợi ích chung.

    Công tác cán bộ luôn là vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất để chọn ra đội ngũ cán bộ xứng đáng. Có luồng ý kiến cho rằng, phải có cơ chế để những chủ thể đánh giá cán bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, chính xác trên cơ sở lợi ích chung. Đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm những chủ thể đánh giá cán bộ sai. Xung quanh vấn đề này, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

    PV:Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, nên chăng cần có cơ chế quy trách nhiệm chủ thể đánh giá cán bộ sai, thưa ông?

    ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trong các khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế đã cho thấy, chỉ có đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, mới làm cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, khen thưởng, kỷ luật... cán bộ được khách quan, chính xác. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng cán bộ sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

    Tôi cho rằng quy định mới trong công tác cán bộ và giới thiệu cán bộ cho Đảng, cho Chính phủ để giao quản lý những công việc sắp tới, vai trò của cá nhân, tập thể giới thiệu cán bộ đó là hết sức quan trọng. Người giới thiệu cán bộ, nếu như tâm đen tối, trí lu mờ thì vẫn có thể bẻ cong quy định để đưa người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy. Vì vậy, cần có quy định về trách nhiệm cho chủ thể giới thiệu cán bộ để lựa chon những “hạt giống” tốt. Nếu cán bộ đó tốt thì chủ thể giới thiệu sẽ được tuyên dương, khen ngợi. Còn nếu cán bộ đó không tốt hoặc vì lý do gì đó mà làm ảnh hưởng đến mất uy tín, thanh danh hoặc tham nhũng thì chủ thể giới thiệu cũng cần phải chịu một phần trách nhiệm.

    ĐBQH Phạm Văn Hòa.

    Theo cách nhìn nhận của tôi, quy định như vậy là để chủ thể giới thiệu cán bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn cán bộ. Tất nhiên, chúng ta có phân công người kèm cặp, uốn nắn nhưng chủ thể giới thiệu đó cũng phải có trách nhiệm tham gia, động viên, khuyến khích người cán bộ được giới thiệu làm tốt hơn. Ngược lại, người được đề bạt đó cũng cân nhắc, suy nghĩ rằng chủ thể giới thiệu mình, đề bạt thì mình hãy làm gì cho xứng đáng với vị trí mà mình được đảm nhiệm.

    Cần có quy định trách nhiệm liên đới đối với chủ thể giới thiệu nhân sự để làm sao lựa chọn cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành với nhân dân, tất cả cùng nhau tiến lên; tránh được hệ lụy xấu từ việc chủ thể giới thiệu được “lại quả”, “đáp lễ”, dùng tiền của ai đó để đền vun vén cho cá nhân người giới thiệu. Điều đó rất sai trái mà hiện nay đã có hiện tượng như vậy.

    PV:Thưa ông, trên thực tế, rất nhiều cán bộ khi lựa chọn là công tâm, có tài nhưng sau này trong quá trình công tác mới tự diễn biến, chuyển hóa thì làm sao quy trách nhiệm cho người giới thiệu?

    ĐBQH Phạm Văn Hòa: Theo tôi, phải nhìn nhận khách quan, tùy theo những điều kiện thực tiễn của mỗi người để đánh giá. Nếu cán bộ vừa mới được giới thiệu sẽ khác so với việc được giới thiệu lâu. Một người bị mua chuộc, tha hóa, biến chất thì trách nhiệm thuộc về người cán bộ đó, phải chịu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với nhân dân, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể đổ lỗi cho người giới thiệu.

    Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chủ thể giới thiệu và người được giới thiệu cùng có trách nhiệm với nhau để động viên, uốn nắn trong quá trình công tác, còn về lâu dài, những người qua chức vụ rồi thì trách nhiệm thuộc về cá nhân đó là chính.

    Nếu quy trách nhiệm chung chung thì sẽ rất khó và không ai dám giới thiệu cán bộ. Nhưng nếu không có quy định, nhiều người vì nể nang, vì mối quan hệ mà chọn những người là “hậu duệ”, thân thiết với mình chứ không chọn người có tâm, có tầm, không vì lợi ích chung. Cho nên, điều tôi muốn nói ở đây là có sự liên kết để người giới thiệu có trách nhiệm chung.

    PV:Nói như vậy, công tác giám sát sau khi đề bạt cán bộ cũng là hết sức quan trọng, thưa ông?

    ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đúng vậy! Chúng ta có rất nhiều cơ chế giám sát nhưng các tổ chức giám sát đó có thực hiện hết trách nhiệm, quyền hạn, phạm vi của mình hay không là một điều hết sức cốt lõi.

    Cơ chế giám sát cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để giúp đỡ chủ thể đó ngày một phát triển chứ không phải giám sát để kìm hãm. Giám sát có hai mặt là để cán bộ đó làm tốt và thứ hai để cán bộ đó không sai phạm; giám sát để cán bộ phát triển mới là một điều căn cơ, cốt lõi mà người làm công tác cán bộ cần lưu tâm.

    PV:Theo ông, công tác cán bộ hiện nay cần lưu tâm những vấn đề gì?

    ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trong công tác cán bộ, theo tôi, điều cốt lõi là lựa chọn cán bộ có tâm, được sự tín nhiệm của tập thể, người dân, hài hòa với tập thể, có trách nhiệm với nhân dân. Chọn cán bộ không nhất thiết phải là Đảng viên, “hậu duệ”, không phải thông qua bằng tiền, mà chọn cán bộ có tâm, thậm chí đối với người nước ngoài có tâm huyết, trung thành với đất nước Việt Nam.

    PV:Xin cảm ơn ông!

    Phải có chế tài xử lý những chủ thể đánh giá cán bộ sai

    Phát biểu khai mạc hội thảo Đánh giá cán bộ - những vấn đề lý luận và thực tiễn” mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là một việc khó, nhạy cảm, phức tạp nhưng là vấn đề rất hệ trọng. Vì đánh giá đúng, sử dụng đúng người, đúng việc thì hiệu quả công việc cao, ngược lại nếu đánh giá sai sẽ làm giảm hiệu quả công tác, giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng.

    Ông Nguyễn Thanh Bình cũng nhìn nhận đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ. Có những trường hợp cán bộ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy hoặc được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. "Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá cán bộ, dẫn đến những quyết định sai trong công tác cán bộ, nảy sinh hiện tượng "đúng quy trình song không đúng người", ông Bình nhấn mạnh.

    Đáng chú ý, theo nhiều đại biểu, việc đánh giá cán bộ đảng viên tại nơi cư trú có vẻ hình thức, nể nang. PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó chủ tịch hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - đề xuất phải xây dựng "hệ giá trị" cần và đủ cho từng chức danh cụ thể. Ông Phúc kiến nghị phải có cơ chế để những chủ thể đánh giá cán bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, chính xác trên cơ sở lợi ích chung. Đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm những chủ thể đánh giá cán bộ sai.

    "Có nhiều chủ thể đánh giá một cán bộ. Nhưng chủ thể nào là quan trọng nhất, có tính chất quyết định?", ông Phúc đặt câu hỏi. Ông Phúc cho rằng một số nơi đổ lỗi cho chuyện đánh giá cán bộ sai do "cơ chế” là không khách quan, vì cùng cơ chế đó nhưng có nơi làm tốt, nơi không tốt.

    Hương Lan - Nguyễn Thúy

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (2)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-tien-cu-phai-chiu-trach-nhiem-de-chon-ra-nhung-hat-giong-tot-danh-gia-sai-bi-xu-ly-a352820.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan