Nông dân đốt rơm rạ: Thực trạng nhức nhối vẫn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu


Thứ 5, 04/06/2020 | 00:42


Việc đốt rơm rạ gây ra ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng không khí và cũng là một trong những nguyên nhân tạo hiệu ứng nhà kính.

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào mùa thu hoạch lúa gạo, và cũng như mọi năm, khi người nông dân không biết sử dụng rơm vào việc gì thì đốt là việc nhanh nhất và buộc phải làm gây bức xúc xã hội, tạo nên những hậu quả khôn tường. Trong khí đó, các nhà khoa học, những người làm thương mại chưa làm được gì nhiều giúp người nông dân.

Biết rồi, khổ lắm!

Việc đốt rơm rạ còn ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Hằng năm vào mùa thu hoạch lúa, nhiều người dân đã đốt rơm rạ, việc này rõ ràng gây ra ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng không khí và cũng là một trong những nguyên nhân tạo hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, những khu vực đốt rơm ven đường cao tốc, quốc lộ gây cản trở tầm nhìn, mất an toàn giao thông. Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật những ngày này tại ven quốc lộ 21B, khu vực đi qua xã Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam, nhiều cánh đồng phủ khói trắng xóa do đốt rơm dạ.

Ô nhiễm không khí, những người nông dân ở đây họ biết, nhưng chẳng thể làm gì khác, theo họ chính họ là người phải chịu thứ khói bụi ấy trước khi những cơn gió “vận chuyển” vào thành phố.

Gom đốt những đống rơm, rạ trên cánh đồng, ông Khiêm - nông dân xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - cho biết: "Tôi là người nông dân nên làm theo phong trào, người ta đốt thì tôi đốt, nếu không đốt, máy cày họ sẽ không làm cho, cũng không được. Trong xã tôi chỉ có một số người dân nuôi trâu, bò, có mùa thì họ lấy rơm về, có năm không cho được rơm thì phải đốt đi hết".

Anh Cù Văn Quân - xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam – cũng chia sẻ, do gia đình không có nhu cầu dùng đến rơm rạ nên sau khi thu hoạch xong hơn một mẫu ruộng, anh đã phơi khô và đốt ngay tại cánh đồng.

"Trước đây, trong xã tôi cũng có nghề làm nấm rơm, thế nhưng làm không đạt năng suất, người dân chán không làm nữa. Về việc đốt rơm, tôi cũng là người tham gia giao thông, vào những hôm nhiều người đốt rơm rạ, bản thân cũng thấy khó chịu vì khói, nhưng nếu giữ lại thì không để đâu được”- anh Quân nói.

Hằng năm, lượng rơm rạ bị người dân đốt đi rất nhiều, điều này làm lãng phí đi nguồn lợi không nhỏ từ phụ phẩm nông nghiệp này.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi cần những giải pháp từ cơ quan chức năng, nếu như có thể tạo ra thu nhập từ những đống rơm đó thì thật tuyệt vời!”.

Thừa nhận là lãng phí…

Những người nông dân kia không biết làm thế nào để giải quyết đống rơm rạ đó, việc này là của các nhà khoa học và cơ quan chức năng. Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết, bộ NN&PTNT cũng như cục Trồng trọt không khuyến cáo nông dân về việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vì gây ô nhiễm môi trường, phá hoại vi sinh ở đất.

“Hơn nữa, việc đốt rơm rạ rất lãng phí, bởi từ nguồn rơm rạ chúng ta có thể kiếm thêm thu nhập, tạo ra nhiều việc có lợi thay vì đốt bỏ”- ông Cường cho hay.Ông Trịnh Khắc Quang – Giám đốc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bày tỏ quan điểm là chúng ta chưa hiểu hết đặc điểm, thành phần của rơm rạ và qua đó cũng chưa thấy được hết giá trị cũng như ý nghĩa với môi trường của loại phụ phẩm nông nghiệp này.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng cục Trồng trọt.

“Một số địa phương thu gom để làm nấm rơm, vật liệu che phủ, làm phân ủ để trồng các cây trồng khác nhưng rất ít. Nhiều nơi cày vùi, bổ sung khoáng chất nhưng ngặt nỗi, trong năm gối vụ mùa rất ngắn, nên khi cày vùi rơm không kịp phân hủy trong đất thì có thể sinh ra độc tố đối với cây lúa. Chính vì thế, người dân chọn cách đốt cho sạch sẽ”- ông Quang nói.

Lấy dẫn chứng về lợi ích của rơm rạ, Cục trưởng cục Trồng trọt cho hay,. Thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn, người dân đã thu gom rơm rạ để bán rất dễ dàng, nên không còn chuyện đốt rơm rạ đi. Trung bình một hecta ruộng, người dân sẽ thu được 2,5-3 triệu đồng rơm rạ. Rất nhiều doanh nghiệp đứng ra thu mua rơm làm nấm xuất khẩu hoặc phân bón. Thậm chí còn có dự án chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật làm thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Hồng thì diện tích nhỏ, nên người dân có tâm lý ngại trong việc cuộn rơm phục vụ lợi ích khác.

…nhưng lời giải thì chưa!

Những năm qua, các chuyên gia nông nghiệp, các viện nghiên cứu nông nghiệp đã suy nghĩ, nghiên cứu và tìm giải pháp để tận dụng rơm rạ thay cho việc đốt. Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở phòng thí nhiệm hay trong một cuốn đề án nào đó, còn khi nào tới được tới người dân thì chính các nhà khoa học cũng chưa biết được.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng viện Môi trường nông nghiệp cho biết, nhiều năm qua, Viện đã nghiên cứu những dự án tận dụng rơm rạ thay cho việt đốt của người dân như hiện nay.

Giải pháp đầu tiên người nông dân cần làm là sử dụng chế phẩm sinh học CNX - thành phần trichoderma spp để phân hủy gốc rạ. Sử dụng 250g sản phẩm trộn đều với 1-2 kg lân, rải đều ruộng hoặc ủ thì rơm, rạ phân hủy nhanh, nền ruộng xốp, mặt nước trong, ít có hiện tượng váng đỏ, đất mềm, tỉ lệ lúa chết lúc mới gieo. Lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Tiếp đến, hiện nay các trang trại chăn nuôi bò sữa thiếu rơm rạ, nếu thu thập rơm rạ lên men thì rất tốt cho gia súc. Người dân nên tận dụng điều này.

Ngoài ra, còn 1 giải pháp rất khoa học với thời đại hiện nay, đó chính là biến rơm rạ thành than sinh học.Người nông dân có thể dùng làm phân bón ruộng cho cây trồng.

“Nếu được, trong tương lai gần, mô hình sản xuất than sinh học này sẽ được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Những lò đốt than sinh học có quy mô lớn dự kiến sẽ được đặt tại các nơi công cộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Than phân hủy chậm, lưu trữ 5-10 năm, trong than có độ pH tốt có thể khử chua, phèn trong đất”- ông Trịnh cho hay.

“Chúng tôi đã thí nghiệm trên ruộng bạc màu của nông dân tại Sóc Sơn, chỉ trong 2 năm (4 vụ) đất xấu đã chuyển thành đất có độ phì tương đương với đất phù sa sông Hồng, năng suất cao lên, hàm lượng dinh dưỡng tốt. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt”- PGS.TS Trịnh lấy dẫn chứng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi khi nào có thể áp người nông dân có thể hưởng lợi từ công trình nghiên cứu này thì ông Trinh cũng chỉ biết đưa “bài toán” sang một cơ quan khác: “Muốn thực hiện được thì ngành công nghiệp Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ hơn. Nước ta mới là nước đang trong đà phát triển các ngành công nghiệp, nên các giải pháp trên vẫn phải chờ thời gian”.

Không nên chỉ trích người dân

Ông Lê Hưng Quốc – Chủ tịch hiệp hội khí Sinh học Việt Nam nhận định, việc người nông dân đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa đó là tập quán từ xưa đến nay, nên việc chỉ trích lên án là không đúng. Họ không đáng bị trách như vây, bởi đây chỉ là thói quen. Muốn người dân thay đổi thói quen thì các bộ, ban, ngành cần tuyên truyền, vận động và đặc biệt tìm giải pháp có lợi thì chắc chắn người dân sẽ có thay đổi tích cực về việc này.

“Bộ NN&PTNNT cần có những chương trình khuyến nông mạnh mẽ, để người dân thấy được lợi ích của rơm rạ, lúc ấy họ sẽ không tự ý đốt rơm, rạ bừa bãi. Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu nông nghiệp đã đưa ra giải pháp rất hợp lý, các cơ quan chức năng chỉ việc đẩy mạnh nó lên thì vấn đề sẽ được giải quyết”- ông Quốc cho hay.


Lê Liên - Phạm Tùng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-dan-dot-rom-ra-thuc-trang-nhuc-nhoi-van-van-chua-co-giai-phap-huu-hieu-a325848.html