+Aa-
    Zalo

    Phi công người Anh đã dùng điện thoại kết nối bạn bè khắp thế giới, phổi phục hồi 90%

    ĐS&PL Nam phi công người Anh mắc COVID-19, đã dùng điện thoại kết nối, gọi điện trò chuyện với bạn bè khắp nơi trên thế giới từ 1 tuần nay.

    Nam phi công người Anh mắc COVID-19, đã dùng điện thoại kết nối, gọi điện trò chuyện với bạn bè khắp nơi trên thế giới từ 1 tuần nay, hiện phổi bệnh nhân đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường...

    Tổng số ca mắc:

    - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 17/6: 62 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

    - Tính đến 18h ngày 17/6: Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

    - Tính từ 6h đến 18h ngày 17/6: 0 ca mắc mới.

    Ca bệnh mới nhất số 335 được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch công bố sáng ngày 17/6 là bệnh nhân nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sống và làm việc tại Kuwait 2 năm.

    Ngày 16/6 bệnh nhân từ Kuwait (quá cảnh Quatar) về sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay H9092 của Hãng Hàng không Bamboo Airways, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 16/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

    Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 7.250, trong đó:

    - Cách ly tập trung tại bệnh viện: 81

    - Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.248

    - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 921

    Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/335 bệnh nhân (chiếm 97% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).

    10 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế (cơ sở điều trị nhiều nhất hiện có 2 bệnh nhân), đa số có sức khỏe ổn định.

    Tính đến chiều ngày 17/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 6 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

    Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sức khoẻ của nam phi công tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

    Hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

    "Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

    Trước đó, chiều ngày 16/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã có cuộc trò chuyện dài với bệnh nhân. "Anh ấy đã nói rất nhiều, cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã chăm sóc anh ấy tận tình những ngày qua. Anh ấy có đủ bảo hiểm để chi trả phí điều trị, nhưng vấn đề ở chỗ các y bác sĩ đã chăm sóc rất tốt từ khi bảo hiểm còn chưa chi trả" - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay.

    Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, một tháng trước chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả này, vẫn dự đoán rằng bệnh nhân chỉ có thể tốt lên nếu can thiệp ngoại khoa, vì phổi bệnh nhân khi đó đã xơ hóa và là ổ vi khuẩn, nhưng giờ bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn chờ tập luyện để đi lại trở lại. Tôi có nói với bệnh nhân mức độ hồi phục phụ thuộc vào chính bệnh nhân, vào việc tập luyện và tuân thủ y lệnh của thầy thuốc. Nếu tích cực, bệnh nhân có thể trở lại buồng lái và bầu trời...

    Trước đó, ngày 18/3, nam phi công người Anh phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù nhập viện trong tình trạng khỏe mạnh nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân này đột ngột trở nặng, trong đó có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải sử dụng đến kỹ thuật ECMO (ngày 6/4). ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phi-cong-nguoi-anh-da-dung-dien-thoai-ket-noi-ban-be-khap-the-gioi-phoi-phuc-hoi-90-a327543.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan