Sửa điểm thi ở Sơn La: Không thể ngẫu nhiên mà nhiều trường hợp lại “rơi” vào con cán bộ!


Thứ 6, 19/04/2019 | 14:18


Cùng sự kiện

Liên quan đến việc nhiều phụ huynh có con em được nâng điểm không trong sáng, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, cần xử lý nghiêm cả phụ h

Liên quan đến việc lộ diện phụ huynh của các thí sinh trong danh sách nâng điểm thi ở Sơn La, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, cần xử lý nghiêm cả phụ huynh nếu có vi phạm.

Thưa Đại biểu, liên quan đến danh sách phụ huynh của các thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh khiến dư luận rất băn khoăn. Cá nhân ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng việc nâng điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là vấn đề nhức nhối, tiêu cực của ngành giáo dục. Việc này đã tạo dư luận rất bức xúc, những em học sinh miệt mài học thật, thi thật lại bị mất cơ hội vào những trường tốp đầu. Thay vào đó lại là những học sinh được nâng điểm khống từ rất thấp lên cao vút, thậm chí trở thành thủ khoa của các trường tốp đầu, trường trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, khi danh tính phụ huynh của các thí sinh này được tiết lộ trên báo chí cho thấy rất nhiều trong số họ là những cán bộ chủ chốt, có chức có quyền ở tỉnh Sơn La. Đây là vấn đề rất hệ trọng, rất lớn của ngành giáo dục!

Trong vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giữ các đối tượng có liên quan. Tôi nghĩ rằng, với những trường hợp khác có liên quan thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cần công bố danh tính cho rõ ràng, cụ thể.

Trường hợp nào vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, phải xử lý hình sự, trường hợp nào chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng cần phải có kiến nghị để xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì không có vùng cấm nào, mặc dù người đó là ai, có chức vị như thế nào.

Đa phần trong danh sách thí sinh được nâng điểm là con của cán bộ có chức, có quyền, không thấy con em một người dân bình thường. Dư luận đặt nghi vấn và bức xúc là điều dễ hiểu. Đây là sự bất bình đẳng, bất hợp lý.

Một trong các tình huống có thể xảy ra là những cán bộ có “vai vế” kia đã dùng chức, dùng quyền gây ảnh hưởng đến người khác hoặc có thể dùng tiền để “nhờ” sửa điểm thi cho con mình được cao.

Đây không thể là chuyện bình thường, không thể ngẫu nhiên mà “rơi” nhiều vào con cán bộ. Nếu không có “tác động” thì không ai đi làm những việc đó!

Tôi cho rằng, cần làm rõ từng trường hợp được nâng điểm thi, xác định các phụ huynh có “dính líu” đến việc nâng điểm ra sao. Trường hợp nào cố tình gây ảnh hưởng hoặc dùng tiền để tác động vào việc nâng điểm thi cho con em mình thì cần phải xử lý nghiêm minh. Không thể có chuyện chỉ nêu danh tính phụ huynh cho biết, nhưng rồi “hòa cả làng”!

Nói rộng ra, đây là vấn đề chống tiêu cực trong cả nước nói chung, phải xử nghiêm để còn làm gương. Và khi xử lý thì cần phải công khai, minh bạch để tạo lòng tin của người dân.

Có ý kiến cho rằng, việc nâng điểm thi có thể không chỉ diễn ra trong năm 2018. Để minh bạch thì cần kiểm tra lại cả điểm thi của các thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang ở những năm trước. Quan điểm của ông như thế nào?

Việc dư luận nghi ngờ vấn đề gian lận, tiêu cực trong thi cử ở cả những năm trước là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, vụ việc được phát hiện trong năm 2018 cho thấy mức độ quy mô rất lớn, bài bản, tinh vi, có tổ chức, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, nếu phát hiện trường hợp nào có căn cứ xác định về việc tiêu cực trong thi cử thì phải xử lý nghiêm, phát hiện tới đâu thì xử lý tới đó.

Tức là theo ông cần có cơ sở, căn cứ thì mới tiến hành kiểm tra lại điểm thi của các em học sinh ở những năm trước? 

Đúng vậy! Mặc dù dư luận đặt dấu hỏi nghi vấn, tuy nhiên, cũng cần có căn cứ để kiểm tra lại điểm thi của các em học sinh năm trước. Chứ chúng ta cũng không nên kiểm tra lại đồng loạt tất cả các thí sinh ở các năm trước. Nếu làm như vậy sẽ tạo ra sự xáo trộn rất lớn và không đáng có.

Còn những trường hợp đã có căn cứ, có cơ sở pháp lý, ví dụ phát hiện em A, em B có dấu hiệu gian lận điểm thi thì dù ở năm nào cũng sẽ phải kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm. Nếu đã phát hiện là phải làm, không làm không được.

Giả sử phụ huynh của một số em trong danh sách gian lận điểm thi đã cố tình can thiệp để con em mình được nâng điểm thì cần xử lý như thế nào, thưa ông?

Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, vì thế xử lý sẽ không có ngoại lệ.

Nếu trường hợp nào phụ huynh sử dụng tiền để can thiệp sửa điểm thi cho con, đó là tội đưa hối lộ.

Còn nếu dùng quyền lực để tác động, gây ảnh hưởng đến người khác để sửa điểm cho con, phải có hình thức kỷ luật thích đáng. Nếu là đảng viên thì sẽ phải kỷ luật theo quy định của Đảng.

Và theo tôi, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục địa phương cũng phải được xem xét, xử lý.

Xin cảm ơn Đại biểu!

Nguồn: Người đưa tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sua-diem-thi-o-son-la-khong-the-ngau-nhien-ma-nhieu-truong-hop-lai-roi-vao-con-can-bo-a271903.html