Voi húc chết người chăm sóc: Đã đến lúc dừng sử dụng động vật hoang dã phục vụ thương mại


Thứ 7, 30/05/2020 | 23:44


Cùng sự kiện

Sự việc voi hoang dã được thuần 4 năm phục vụ du lịch húc chết người chăm sóc tại Đắk Lắk đang khiến dư luận bức xúc và lo lắng.

Sự việc voi hoang dã được thuần 4 năm phục vụ du lịch húc chết người chăm sóc tại Đắk Lắk đang khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Bởi lẽ, việc sử dụng động vật hoang dã cho mục đích thương mại, đang gây nguy hại cho cả tính mạng con người cũng như các loài động vật đó.

Con voi 42 tuổi, hung thủ tấn công người chăm sóc 4 năm. Ảnh Dân Việt

Vụ việc đau lòng từ việc sử dụng động vật hoang dã

Mới đây, tại Đắk Lắk xảy ra sự việc đau lòng, nài voi (người chăm sóc, điều khiển voi-PV) Y Drim K. (sinh năm 1988, trú tại xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) trong lúc đưa voi từ khu du lịch ở hồ Lắk đi tắm thì bị voi tấn công, tử vong.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk xác nhận, con voi vừa húc chết người là voi đực, có tên là Y Mâm (sinh năm 1972), thuộc sở hữu của ông Đàng Năng L. (trú tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk).

Được biết, con voi này được anh K. chăm sóc 4 năm nay. Voi có cặp ngà sắc nhọn, nặng 4-5 tấn và đang trong thời gian động đực. Sự việc hi hữu trên đang khiến nhiều người lo ngại, bức xúc về việc sử dụng động vật hoang dã cho mục đích thương mại, cụ thể hơn là du lịch.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để phát triển du lịch của Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực cho thiên nhiên, đặc biệt là sự suy giảm các loài động vật hoang dã?

Luật Bảo vệ động vật hoang dã còn lỏng lẻo

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, chúng ta luôn tuyên truyền tích cực về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống tự nhiên vốn có của chúng.

Tuy vậy, theo ông việc sử dụng voi vào hoạt động thương mại lại đang đi ngược lại những gì ta đã và đang làm: “Về mặt kỹ thuật, tôi không dám chắc là họ thuần chủng đúng cách. Nhưng về mặt đạo đức, họ đang vi phạm những gì từ trước đến nay chúng ta đang hướng đến. Cụ thể là săn bắt động vật hoang dã, ngược đãi chúng nhằm phục vụ mục đích thương mại của họ là trái với đạo đức, cũng như đang vi phạm pháp luật”.

Như vụ việc trên, theo TS. Trần Văn Miều, mặc dù nạn nhân đã chăm sóc con voi 4 năm, nhưng voi rừng dù đã được thuần chủng trong chúng vẫn còn bản năng hoang dã, cũng như voi đực trong thời gian động đực thì lại càng hung dữ. Việc bắt voi đực phục vụ khách du lịch thời gian này khiến chúng không có thời gian, không gian “yêu” dẫn đến sự việc đau lòng xảy ra.

“Có thể, mỗi năm một con voi mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho chủ voi. Chính vì thế, chủ voi bất chấp không quan tâm đến cảm xúc của chúng mà ép chúng làm việc hết công suất, khiến chúng dường như “bị ép đến mức đường cùng”, TS. Miều cho biết.

Hiện nay, luật Bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta vẫn chưa quy định rõ, nhưng với đạo đức con người đối với động vật. Theo quan điểm của TS. Miều cần phải đối xử với những loài động vật hoang dã một cách thân thiện, nên trả chúng về tự nhiên để vừa đảm bảo an toàn cho con người, vừa không mất đi cân bằng sinh thái và làm giảm số lượng những loài động vật hoang dã.

Đồng quan điểm, ông Phạm Kim Cương, hiện đang công tác tại trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã tỉnh Quảng Bình cho rằng, cá nhân ông và các chuyên gia bảo vệ động vật trong và ngoài nước luôn lên án mạnh mẽ những hành vi sử dụng động vật hoang dã cho mục đích du lịch, như vậy sẽ gây hại, nguy hiểm cho con người và mục đích bảo tồn.

“Luật Bảo vệ động vật hoang dã cho mục đích thương mại ở nước ta đang rất lỏng lẻo, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần sửa đổi luật để việc cứu giúp những loài động vật hoang dã khỏi những hoạt động phi lợi nhuận được dễ dàng hơn”- ông Cương bày tỏ quan ngại.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, voi châu Á được xếp vào danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm, nhóm IA được ghi nhận tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ. Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP đều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với loài voi. Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận.

Việc sử dụng voi vào mục đích thương mại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 hoặc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

“Tuy nhiên việc khai thác sử dụng voi vào hoạt động du lịch, có nhiều yếu tố lịch sử tồn tại từ phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên. Đồng bào còn thuần hóa voi rừng phục vụ các nhu cầu sức kéo cho hoạt động sản xuất. Đây là nét văn hóa bản địa đặc trưng tồn tại trước khi các quy định pháp luật Bảo vệ động vật hoang dã được thực thi tại Việt Nam”, luật sư Lực chia sẻ khó khăn trong việc áp dụng Luật trên thực tế.

“Từ những sự việc voi húc chết người như vừa xảy ra, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt việc áp các quy định pháp luật trong lĩnh vực sử dụng voi nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung trong hoạt động du lịch để tiến tới loại bỏ hoạt động không phù hợp quy định pháp luật hiện hành”, ông nhấn mạnh.

Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (84)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/voi-huc-chet-nguoi-cham-soc-da-den-luc-dung-su-dung-dong-vat-hoang-da-phuc-vu-thuong-mai-a325321.html