Vụ sạt lở ở Quảng Nam: Lên phương án tiếp tế gấp rút cho hơn 3.000 hộ dân bị cô lập


Thứ 7, 31/10/2020 | 08:54


Cùng sự kiện

Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn đã họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho hơn 3.000 hộ dân xã Phước Thành và Phước Lộc.

Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn đã họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho hơn 3.000 hộ dân xã Phước Thành và Phước Lộc.

Đường vào hai xã Phước Lộc và Phước Thành bị sạt lở, di chuyển khó khăn. Ảnh: Vnexpress

Do bị sạt lở núi trên địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nên đã chia cắt giao thông, gây cô lập khoảng 3.000 hộ dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành từ ngày 28/10 đến nay.

Hiện nay, xã Phước Lộc còn chưa tới 4 tấn gạo, mì tôm cũng trôi hết xuống hồ; xã Phước Thành còn vài tạ gạo, khả năng thiếu cả muối, 41 hộ mất nhà đất, người chỉ còn 1 bộ đồ, phải trú tại trụ sở xã. Lương thực, thực phầm sắp cạn kiệt, nguy cơ thiếu đói, thiếu muối, thiếu áo quần mặc.

Do đó, sáng 31/10, Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, khẳng định việc tiếp tế lương thực cho những người dân 2 xã vô cùng quan trọng.

Theo đó, dù hiện tuyến đường từ Phước Sơn lên Phước Kim đã thông, nhưng từ Phước Kim lên xã Phước Thành sạt lở rất nặng, không thể đi được, cần 2-3 tháng mới khắc phục xong. Vì vậy, ông Hà đề nghị Sở GTVT tỉnh Quảng Nam tập trung lực lượng, phương tiện thông đường ĐH2 từ xã Phước Công lên xã Phước Lộc, sau đó tập trung thông về xã Phước Thành để đưa lương thực, thực phẩm cứu trợ người dân xã này.

Còn đối với vận chuyển hàng cứu trợ người dân xã Phước Lộc, ông Hà yêu cầu xây dựng 3 tổ đội dân quân tự vệ, xung kích. Hàng vận chuyển từ xã Phước Công vào đoạn chia cắt trên sông Đắk Mi, sau đó dùng ròng rọc tời qua sông và cõng vòng sau xã Phước Lộc. Tiếp đó, theo con đường mòn đi tầm 2,5 tiếng để đến thôn 6 - nơi có vụ sạt lở khiến 11 người chết và mất tích.

Ông Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án chuyển lương thực cho người dân bị cô lập. Ảnh: Vietnamnet

Cũng tại cuộc họp, đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng Phòng Quân huấn, Sư đoàn Không quân 372 cho biết, sư đoàn đã cử cán bộ lên khảo sát, song do thời tiết mây mù chưa thể sử dụng trực thăng tiếp tế, vẫn phải tiếp tục chờ thời tiết thuận lợi.

Ông Hùng khẳng định, trong điều kiện thời tiết cho phép, bay từ 7h đến 17h, chở 1-1,2 tấn hàng bay tầm 1 tiếng từ sân bay Đà Nẵng lên tiếp tế cho người dân ở các xã bị cô lập.

Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện ở sân bay Đà Nẵng đã tập kết 20 tấn gạo, 10 tấn nhu yếu phẩm và đề nghị lực lượng không quân vận chuyển bằng máy bay vào hết cứu trợ cho người dân.

Trong một diễn biến khác, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng nay đoàn chuyên gia địa chất (Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên) đã vào hiện trường vụ sạt lở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Ông Bửu cho biết thêm, từ 6h sáng nay, lực lượng chức năng gồm 500 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-sat-lo-o-quang-nam-len-phuong-an-tiep-te-gap-rut-cho-hon-3000-ho-dan-bi-co-lap-a344525.html