+Aa-
    Zalo

    Vướng hệ số K, hàng ngàn hộ dân không thể làm sổ hồng

    ĐS&PL (ĐSPL) - Hàng ngàn hộ chung cư đang tiến thoái lưỡng nan, khi chưa thể đóng thuế trước bạ để làm sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở).

    (ĐSPL) - Hàng ngàn hộ chung cư đang tiến thoái lưỡng nan, khi chưa thể đóng thuế trước bạ để làm sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở).

    Bên cạnh đó, các giao dịch về mua bán, đặt cọc, vay ngân hàng... cũng bị ngưng đọng, khi chưa thể đóng thuế trước bạ. Tất cả tình trạng trên, là do vướng hệ số K (hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất) của TP.HCM, khi các cơ quan chưa thống nhất được mức giá áp dụng thu.

    Vì đâu nên nỗi?

    Mới đây, sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các cơ quan thuế phải ngưng các giao dịch thu phí trước bạ đối với các căn hộ chung cư để chờ hướng dẫn mới.

    Theo đó, từ ngày 31/12/2014 trở về trước, giao dịch liên quan đến nhà chung cư được tính theo công văn liên sở (số 7575) về hệ số tầng để tính thuế cho người dân. Tuy nhiên, do quy định trong bảng giá đất mới năm 2015 (áp dụng từ ngày 1/1) không quy định điều này nên phải chờ hướng dẫn thực hiện.

    Vướng hệ số K, các giao dịch căn hộ ngưng trệ. (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng).

    Theo dự thảo văn bản hướng dẫn thay thế văn bản 7575 của sở TN-MT, thì cách tính hệ số có khác so với trước và được chia theo hai trường hợp. Thứ nhất, đối với đất sử dụng nhà nhiều tầng, không có thang máy thì hệ số phân bổ theo các tầng khi di chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp thứ hai là đối với đất sử dụng xây dựng nhà nhiều tầng có thang máy, thì giữ nguyên quy định cũ theo văn bản 7575. Chính vì chờ văn bản hướng dẫn thay thế này mà hàng ngàn người chưa thể đóng phí trước bạ.

    Ông Phan Đình Hùng (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết, vừa mới mua một chung cư trên đường Trường Sa, nhưng khi đến đóng lệ phí trước bạ thì cán bộ thuế cho biết, chưa thể giải quyết được. Lý do là đang phải chờ hướng dẫn áp dụng bảng giá đất mới. Rơi vào tình cảnh này, nhiều người cũng phải “dở khóc, dở cười”. Đặc biệt, những người đang phải vay tiền ngân hàng như đứng ngồi trên đống lửa.

    Ông Trần Anh Tú (ngụ quận 12, TP.HCM), mua một chung cư tại quận Bình Tân cho biết, vì không đủ tiền trả một lần, phải vay nóng bên ngoài để trả dứt điểm tiền căn chung cư, dự định sau đó sẽ lấy sổ hồng rồi vay ngân hàng trả lại cho người ta. Tuy nhiên, đến nay, chưa thể đóng được phí trước bạ nên mấy tháng nay người ta cứ đòi tiền hoài mà chưa có để trả.

    Bên cạnh đó là tình trạng các căn hộ chung cư, phần diện tích vượt hạn mức sử dụng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đầu năm 2015, ông Nguyễn Văn Oanh (ngụ Q. Bình Tân) đi xin cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích của mình ở phường Tân Tạo A, nhưng khi đến chi cục Thuế của quận, thì được cán bộ cho biết chưa thể nộp được, do chưa có hướng dẫn nộp thuế cho phần diện tích vượt hạn mức theo bảng giá đất mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo chi cục Thuế Bình Tân, giá đất năm 2015 đã tăng so với năm 2014, vì thế, phải chờ để có con số cụ thể mới giải quyết cho người dân.

    Buộc phải tự cam kết

    Về hiện tượng “lạ” này, tại TP.HCM có nhiều hồ sơ đang bị “nghẽn” do chờ hướng dẫn nói trên. Điển hình như tại quận Gò Vấp có trên 70 hồ sơ, quận Tân Phú có trên 60 hồ sơ, quận 8 có hơn 40 hồ sơ, quận Bình Tân còn ách hơn 170 hồ sơ... Các quận, huyện khác thì con số hồ sơ lên cả ngàn.

    Sở dĩ có tình trạng này là bởi, sau khi UBND TP.HCM ban hành khung giá đất mới năm 2015 thì đến nay, sở TN-MT vẫn chưa thể đưa ra được bảng giá đất tính theo hệ số K để áp dụng tính thuế trước bạ cho người dân. Trong khi đó, ngành thuế vẫn phải thu thuế, tính thuế trước bạ và vẫn giữ mức tính thuế theo mức cũ, theo văn bản 7575.

    Xem thêm video: Kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư cao tầng.

    Trong khi đang áp dụng mức thu phí cũ, thì sở TN-MT TP.HCM lại “tuýt còi” bằng một văn bản mới, yêu cầu cơ quan thuế, không áp dụng cách tính thuế cũ để thu phí trước bạ, mà phải chờ sở này nghiên cứu hoàn chỉnh bảng giá đất mới, để áp dụng.

    Đại diện sở TN-MT cho biết, đang trình UBND TP.HCM nhưng vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo nên phải đợi. Với tình trạng này, nhiều người tỏ ra bức xúc, ông Nguyễn Văn Vân (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Trong lúc chưa có bảng giá mới thì phải áp dụng bảng giá cũ để tính thuế cho người dân, chứ ai lại đi ngưng như thế thì thiệt hại cho chúng tôi biết bao nhiêu. Không lẽ, cơ quan chức năng làm chậm trễ lại bắt người dân chúng tôi hứng chịu à?”.

    Trước tình cảnh không giống ai này, nhiều quận đã nghĩ ra những cách làm mới, nghĩa là vẫn cho người dân nộp phí trước bạ, kèm theo tờ cam kết. Ví như ở quận 2, chi cục Thuế đã cho người dân đóng phí trước bạ nhưng bắt “tự cam kết”, nếu sau này quy định mới được áp dụng cho thời điểm này, thì phải nộp bổ sung. Tương tự, cũng “xử” theo cách này, quận 9 giải quyết cho dân được gần 200 hồ sơ... Trong khi đó, một số quận vẫn e dè, vì nếu cho nộp thì sợ không thu hồi được, lúc đó lại phải gánh tránh nhiệm.

    Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước làm việc thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp đồng bộ, dẫn đến các thủ tục hành chính rườm rà, khiến người dân phải vất vả. Do đó, cần phải cải thiện ngay lập tức tình trạng này để khơi thông các thủ tục, tạo lòng tin hơn cho người dân vào chính quyền.

    Ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc một công ty xây dựng tại quận 12 cho rằng, nhiều người đã ký kết các hợp đồng mua bán nhà ở, nếu họ không thể đóng phí trước bạ thì đồng nghĩa với việc các giao dịch đó chưa thể hoàn tất.

    Cho nên, theo ông Tuấn, việc cần làm trước mắt là phải giải quyết cho dân, sau đó, các ngành phải ngồi lại tìm phương án giải quyết hữu hiệu và mang tính lâu dài. Chứ cứ mỗi năm thay bảng giá đất, lại phải chờ như thế này thì người dân còn vất vả dài dài. Về phía mình, cục Thuế TP.HCM cũng kiến nghị, vẫn áp dụng quy định cũ, để áp dụng tính thuế trước bạ cho người dân, tránh để tình trạng ách tắc xảy ra. Còn khi nào có quy định mới thì sẽ áp dụng phương án mới.

    Tuy nhiên, kiến nghị này lại vướng ở chỗ, bảng giá đất mới tăng hơn bảng giá đất năm 2014, đó là chưa kể cách tính vị trí đất cũng khác hơn so với năm trước đó. Do vậy, nếu áp dụng quy định cũ thì sau này số tiền thiếu hụt ai sẽ chịu trách nhiệm? Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng cục Thuế TP.HCM cho biết, đã kiến nghị lên UBND TP.HCM để xử lý vấn đề này. Nhưng trước mắt, cục Thuế vẫn cho dân cam kết thu tiền phí trước bạ. Nếu sau này có tăng hay giảm thì sẽ tính bổ sung hay trả lại tiền cho dân, chứ không để tình trạng ách hồ sơ tiếp tục diễn ra.  C.T

    Giá đất tăng gấp đôi ảnh hưởng đến hệ số K

    Theo bảng giá đất năm 2015, áp dụng từ ngày 1/1/2015, thì giá đất TP.HCM tăng khá nhiều so với năm trước đó. Ví như đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có giá là 64,6 triệu đồng/m2, trong khi đó, giá năm 2014 là 36,3 triệu đồng. Còn tại quận Bình Tân, giá đất trên đường Bình Long (đoạn từ Tân Kỳ Tân Quý đến ngã tư Bốn Xã) có giá là 7 triệu đồng. Trong năm 2014 chỉ là 4,1 triệu đồng. Giá đất tăng dẫn tới hệ số K tăng, đang là vấn đề khó khăn cho nhiều người dân TP.HCM. Nhất là khi chưa có văn bản hướng dẫn tính phí.

    CHÍ THANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vuong-he-so-k-hang-ngan-ho-dan-khong-the-lam-so-hong-a92220.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan