Xôn xao chuyện thưởng Tết năm COVID


Thứ 6, 01/01/2021 | 04:37


Cùng sự kiện

Do tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 nên trong năm 2020, mức lương bình quân của người lao động đã giảm.

Do tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 nên trong năm 2020, mức lương bình quân của người lao động đã giảm. Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, mức lương, thưởng Tết năm nay chỉ bằng, thậm chí thấp hơn năm trước.

Phấp phỏng lo có hay không

Thu nhập giảm, nhiều người cũng hiểu rằng thưởng Tết sẽ thấp hơn năm trước, thậm chí là không biết có hay không. Trên thực tế thì với không ít người, việc giữ được việc làm trong năm đã là may mắn. Chị Nguyễn Thu Hòa, một công nhân tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ: "Năm nay dịch bệnh liên miên suốt từ đầu năm đến bây giờ, tình hình sản xuất của công ty tôi đã sụt giảm mạnh. Thu nhập của công nhân thì hoàn toàn phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty. Sản lượng sản phẩm của công ty không đạt được thì phúc lợi với công nhân như tôi chắc cũng khó đảm bảo. Giờ chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi".

Thưởng Tết 2021 có thể thấp hơn năm trước.

Chị Tâm (27 tuổi, quê Thanh Hoá) – công nhân một công ty trong khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cùng chồng thuê một căn phòng trọ rộng khoảng 10m2 ở thôn Bầu. Nơi ở của chị chỉ cách chỗ làm vài trăm mét. Hiện, chị Tâm đang mang bầu con thứ hai được hơn 5 tháng. Cậu con trai lớn được vợ chồng chị gửi về quê để bà nội trông nom giúp. Ở công ty chị Tâm làm việc, lao động nữ bầu 6 tháng đã có thể nghỉ thai sản vì công nhân ở đây thường phải đứng làm việc liên tục trong nhiều giờ. Vậy nên, tính ra, chị Tâm chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa chị sẽ nghỉ thai sản. Không đi làm đồng nghĩa với không có lương hàng tháng. Vì vậy, đối với chị Tâm thì khoản tiền thưởng Tết năm nay sẽ rất quan trọng. Chị nói: "Năm nay, tuy dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty nhưng ai cũng mong được thưởng Tết như năm ngoái. Còn với tôi, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu tiền thưởng Tết như mọi năm, tôi sẽ có thêm khoản tiền rất cần thiết để chuẩn bị cho việc sinh con".

Được biết, công ty chị Tâm chấm thưởng Tết phụ thuộc khá nhiều vào tình hình sản xuất kinh doanh. Những năm trước, việc sản xuất ổn định, dịp Tết đến, chị Tâm cũng được thưởng hơn 12 triệu đồng. Còn năm nay, khó khăn hơn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến chị Tâm khá lo lắng. Tới thời điểm hiện tại chị vẫn chưa nghe thấy thông báo thưởng Tết nên có phần sốt ruột.

Những tín hiệu mừng

Được biết, các doanh nghiệp lớn và hoạt động ổn định trong năm nay sẽ công bố lương, thưởng Tết vào giữa tháng 1/2021 tới. Các chuyên gia nhận định phần lớn doanh nghiệp đều có thưởng Tết, bởi sản xuất đang dần phục hồi, nếu không thưởng sẽ rất khó giữ chân lao động sau Tết. Mức thưởng tùy theo doanh nghiệp nhưng phần lớn sẽ ở mức tương đương một tháng lương.

Những khó khăn vẫn còn đó, nhiều doanh nghiệp do suy giảm lợi nhuận có thể phải thương lượng, thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật. Năm nay sẽ có một khoảng trống lương thưởng Tết bất khả kháng do dịch, đó là hàng trăm nghìn lao động ngành du lịch đến nay chưa có việc làm. Một số địa phương đã có báo cáo về lương, thưởng Tết như: Đồng Nai có mức thưởng Tết cao nhất là 600 triệu đồng/lao động tại một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thấp nhất là một tháng lương; hoặc như Đà Nẵng, cao nhất là 127 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng...

Năm nay cũng là lần đầu tiên áp dụng quy định thưởng bằng hiện vật theo luật Lao động 2019. Như vậy, doanh nghiệp có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật với sự thỏa thuận từ người lao động. Nếu doanh nghiệp cố tình ép lao động nhận hiện vật mà không có sự đồng thuận là sai quy định.

Nhiều doanh nghiệp chưa thể chốt kế hoạch thưởng Tết cho công nhân. Ảnh: ĐỘC LẬP.

Theo thông tin từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, thu nhập của người lao động bình quân 6,7 triệu đồng một người, giảm 8,6% so với năm ngoái. Có khoảng 31 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập. Tuy nhiên, mức thưởng Tết năm nay lại là tín hiệu đáng mừng.

Hầu hết các doanh nghiệp duy trì được việc làm đều cam kết trả thưởng cho người lao động ít nhất là một tháng tiền lương, còn một số doanh nghiệp khó khăn cũng cam kết tìm mọi cách có phần thưởng nhất định để động viên người lao động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin với báo chí đã khẳng định: "Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định thưởng không những bằng tiền, mà bằng tài sản và có hình thức khác. Phần thưởng là của người sử dụng lao động căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng hiệu quả làm việc, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để người sử dụng lao động thưởng. Với quy định mới này, hiện có nhiều người lao động cũng băn khoăn rằng quy định như thế này doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định của pháp luật để thưởng cho người lao động bằng các sản phẩm của doanh nghiệp mà ngoài mong muốn của người lao động".

Cũng theo ông Quảng, muốn thưởng người sử dụng lao động phải xây dựng được quy chế thưởng và công bố công khai tại nơi làm việc. Quy chế thưởng phải được có ý kiến của tổ chức công đoàn - người bảo vệ người lao động sẽ tham gia với người sử dụng lao động để có hình thức thưởng sao cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho người lao động tốt nhất.   

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho hay sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thanh toán ở các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng nợ tiền lương, thưởng của người lao động trong tháng giáp Tết Nguyên đán 2021. Sở sẽ phối hợp các bên yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động.

D.Thu

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (209)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xon-xao-chuyen-thuong-tet-nam-covid-a351235.html