Xử lý nghiêm người đứng đầu, ngăn chặn cán bộ tham nhũng “chui sâu, trèo cao”


Chủ nhật, 27/09/2020 | 08:30


Xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực, ngăn chặn “sâu tham nhũng”, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp

Nhiều cán bộ bị tạm đình chỉ để điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như ông Nguyễn Đức Chung-Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM... cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) không “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực, ngăn chặn “sâu tham nhũng”, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà.

Tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật

PV: Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 cho thấy, cơ quan công an đã khởi tố 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về kết quả PCTN trong thời gian vừa qua?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đặc biệt, các cấp các ngành đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai ngay các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỉ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.

Tuy nhiên, xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm. Đặc biệt, vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình, trường hợp bị can Vũ Đình Duy bị truy nã đặc biệt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng...

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng như vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TAND quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội; vụ nhận hối lộ xảy ra ở Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre... làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

PV: Cũng theo báo cáo, có 62 người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị xử lý để xảy ra tham nhũng. Cử tri cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng vẫn chưa tương xứng với sai phạm. Ông nghĩ sao về phản ánh này?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Đúng như vậy, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Đặc biệt là đến nay vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng nên hiệu quả chưa cao.

Cần có cơ chế giám sát quyền lực

Vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung được đưa vào báo cáo PCTN của Chính phủ.

PV: Theo ông, việc xử lý nghiêm người đứng đầu có khiến những cán bộ có ý định “thao túng quyền lực” phải dè chừng? Nên chăng, chúng ta cần có cơ chế giám sát quyền lực, thưa ông?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Theo tôi, cần có cơ chế giám sát quyền lực, trước hết nhằm bảo đảm chất lượng công tác xây dựng pháp luật nói chung, trong đó có việc bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp nói riêng, có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế - là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (NQ 48-NQ/TW), trong đó đề ra một số giải pháp về xây dựng pháp luật liên quan trực tiếp tới nội dung này. Trong bối cảnh hiện nay, những giải pháp được nêu trong NQ 48-NQ/TW cần phải được tiếp tục thực hiện và bổ sung thêm về nội dung nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, trong đó các cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng; xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm...

Hồ sơ dự án phải được gửi cho Quốc hội theo đúng thời hạn; tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các bộ trưởng trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Mỗi dự án luật trước khi trình sang Quốc hội phải được thẩm định kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phải được Chính phủ dành thời gian thỏa đáng, thảo luận kỹ về các nội dung của dự án, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau, qua đó không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng.

Tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như: Hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật. Qua giám sát, nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong văn bản quy phạm pháp luật thì yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát quyền lực; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và nhân dân...

Bổ nhiệm “thần tốc”, “sân sau” cũng là một dạng tham nhũng

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức gia tăng?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Trên thực tế, việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực còn chưa thực sự chuyển biến. Công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp.

Nếu thực trạng tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức gia tăng thì cần làm rõ nguyên nhân, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngăn chặn thực trạng này. Bởi lẽ, phạm tội kinh tế, tham nhũng có tổ chức giúp người phạm tội dễ thực hiện tội phạm trong thời gian dài, trên phạm vi rộng; dễ che giấu tội phạm và lại có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về mọi mặt cho xã hội và nguy hiểm nhất là làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

PV: Phải chăng những hiện tượng bổ nhiệm “thần tốc”,“lợi ích nhóm”,“sân sau” cũng chính là một dạng tham nhũng, thưa ông?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng, bổ nhiệm “thần tốc”, “lợi ích nhóm”, “sân sau” có dấu hiệu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi cũng chính là một dạng tham nhũng.

PV: Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ông có kiến nghị gì với Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng?

ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Để ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, theo quan điểm của tôi, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ, trách nhiệm của mọi công dân trong phòng chống tham nhũng. Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phòng chống tham nhũng. Tổ chức thi hành nghiêm Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là luật Phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục đổi mới phương thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và giám sát công tác phòng chống tham nhũng, quản lý kinh tế - xã hội để phòng chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật. Đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện, giám sát để qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xử nghiêm án tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt tăng

Theo báo cáo của Chính phủ, với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong 2.584 việc (chiếm gần 62% tổng số việc có điều kiện thi hành, tăng 222% so với 9 tháng năm 2019), với số tiền hơn 11.300 tỷ đồng.

Những vụ án diện ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết ngày 31/7/2020, các cơ quan THADS địa phương đã tổ chức thi hành 58 vụ việc.

Trong đó, 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong với số tiền gần hơn 19.200 tỷ đồng. Hiện 43 vụ việc thuộc ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với tổng số tiền phải thi hành hơn 55.200 tỷ đồng đang được tổ chức thi hành án.

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (38)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-nghiem-nguoi-dung-dau-ngan-chan-can-bo-tham-nhung-chui-sau-treo-cao-a340309.html