Xử lý những hộ dân nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt ra sao?


Chủ nhật, 03/11/2019 | 00:30


Cùng sự kiện

Đây là bài toán chưa tìm được lời đáp đối với các nhà chức trách trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đây chính là bài toán nan giải chưa tìm được lời đáp đối với những nhà chức trách trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Liệu các hộ gia đình này có bị “giải tán” như trường hợp của “phố cà phê đường tàu” mới đây?

Xử lý thế nào với những hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường sắt vẫn đang là bài toán nan giải đối với nhà chức trách.

Rất đông hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường sắt

Mới đây, bộ Giao thông Vận tải, TP.Hà Nội và các đơn vị chức năng kiên quyết xóa bỏ, xử lý dứt điểm “phố cà phê đường tàu” mặc dù các hộ dân sinh sống tại khu vực này có đơn thư gửi lãnh đạo Chính phủ, bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương mong muốn được kinh doanh trở lại. Câu hỏi về công tác xử lý như thế nào về đời sống dân sinh của các hộ dân sinh sống trong khu vực hành lang ATGT đường sắt trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý của cơ quan chức năng trong việc xử lý các điểm kinh doanh tại khu vực đường sắt là quá cứng nhắc, thay vì xóa bỏ thì nên tìm ra hướng xử lý sao cho hài hòa.

Theo Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đã mô tả chi tiết cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hành lang ATGT đường sắt, chiều rộng hành lang ATGT đường sắt trong khu vực đô thị được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. Điều này đồng nghĩa với việc rất đông hộ dân đang nằm trong khu vực phải xóa bỏ, giải tán theo quy định.

Nhiều người tự đặt ra câu hỏi phải chăng đơn vị quản lý không đủ khả năng quản lý được nữa nên đành phải cấm? Liệu rằng các hộ dân đang sinh sống trong khu vực hành lang ATGT đường sắt có bị “xóa bỏ” như “phố cà phê đường tàu”?

Chưa có phương án cụ thể

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, đại diện bộ GTVT cho biết: “Về việc xử lý các hộ kinh doanh “cà phê đường tàu” vi phạm hành lang ATGT đường sắt, bộ GTVT luôn nhất quán với quan điểm xóa bỏ tụ điểm này. Tránh để thực trạng này gây ra hệ lụy xấu đối với nhiều địa phương khác có đường sắt chạy qua”.

Về việc xử lý đối với các hộ dân sinh sống nằm trong hành lang ATGT đường sắt, bộ GTVT trước đây cũng đã nhiều lần đưa ra xin ý kiến để xử lý. Tuy nhiên, do vấp phải một số khó khăn trong việc giải tỏa, quy hoạch các công trình liên quan... Nhiều trường hợp các hộ đã sinh sống tại đây trước khi đường tàu xuất hiện, một số khác do sự quản lý còn lỏng lẻo của chính quyền sở tại, cố tình lấn chiếm vào hành lang ATGT đường sắt nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đưa ra phương án cụ thể”.

Vị này cũng cho rằng, dẫu biết việc xử lý những trường hợp gặp rất nhiều khó khăn nhưng về lâu dài, để đảm bảo an toàn hành lang ATGT đường sắt cũng như an toàn của người dân thì chắc chắn sẽ phải di dời, giải tỏa các trường hợp này.

Trao đổi về những giải pháp để đảm bảo an toàn cho những hộ dân sinh sống trong khu vực này, vị đại diện bộ GTVT cho biết: “Trước mắt, bộ GTVT cùng các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tăng cường công tác kiểm giới, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm ATGT đường sắt đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”.
Tiếp tục triển khai cắm mốc giới

Đánh giá về thực trạng này, luật gia Nguyễn Ánh Hồng (Thạc sĩ khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Theo luật định, trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ ATGT hành lang đường sắt thuộc về chính quyền địa phương. Phía cơ quan chức năng cần giải pháp vừa giải quyết được bài toán về an toàn giao thông đường sắt, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, dân sinh”.

Vị luật gia chỉ rõ, tại Quyết định 994/QĐ-TTG phê duyệt thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014- 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành nêu rõ, từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ tiến hành thực hiện việc thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở trên tất cả các tuyến quốc lộ còn lại.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ. Phần đất của đường bộ bàn giao cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ; phần đất hành lang an toàn đường bộ bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ.

Nguyễn Lâm

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 174

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-nhung-ho-dan-nam-trong-hanh-lang-an-toan-giao-thong-duong-sat-ra-sao-a299215.html