Tình yêu chiến thắng nỗi đau sau ngày dũng cảm bước qua lời nguyền


Chủ nhật, 12/08/2018 | 07:11


Cùng sự kiện

Từ bao đời nay, người dân truyền nhau rằng, trai gái hai làng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) không được lấy nhau.

Từ bao đời nay, người dân truyền nhau rằng, trai gái hai làng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) không được lấy nhau. Thế nhưng, một đôi trai gái vẫn quyết định bước qua lời nguyền. Chẳng ngờ, khi rượu cưới còn chưa nhạt thì hai ông thông gia bỗng dưng tìm đến cái chết. Sau tang thương, đôi vợ chồng trẻ đắp vun hạnh phúc trên lời nguyền thương đau.

“Ra đi” vì bực chuyện nhà bẩn

Đến xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), hỏi chuyện hai ông thông gia tự tử xảy ra vào năm 2002 hầu hết người dân đều biết rõ. Đó là trường hợp của ông Huỳnh Nguyên (SN 1940, ở làng Tà Điêk, xã Vĩnh Hảo) và ông Đinh Văn Xao (SN 1939, ở làng K93, xã Vĩnh Kim). Theo lời chị Đinh Thị Sương (SN 1983, con gái ông Nguyên), cha chị trước tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau đó làm cán bộ ở xã, rồi đến tuổi về hưu.

 Từ thời còn tham gia cách mạng, ông Nguyên đã quen thân với ông Xao, khi đó cũng tham gia cách mạng ở địa phương. Khi bắt đầu học lớp 10, chị Sương được gia đình cho xuống TP.Quy Nhơn theo học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định. Tại đây, chị quen biết anh Đinh Ngo (SN 1980, con trai ông Xao) khi ấy đang học lớp 9. Chị Sương cho biết: “Anh Ngo lớn tuổi hơn nhưng đi học muộn nên học lớp dưới tôi.

Ngày ấy, khi đến với nhau, hai đứa cũng hoang mang bởi nghĩ tới lời nguyền trai gái hai làng không được lấy nhau mà người ta vẫn đồn thổi. Tuy nhiên, bởi yêu nên cả hai quyết bước qua lời nguyền”. Khi biết hai con có ý với nhau, ông Nguyên và ông Xao vốn là đồng chí đồng đội cũ nên cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, quyết tâm vun đắp cho con trẻ. Được gia đình vun vén, tình cảm của đôi lứa cứ lớn dần lên theo năm tháng.

Chị Sương kể lại sự việc đau lòng của gia đình. 

Đôi trẻ được gia đình hứa hẹn chờ đến ngày cả hai tốt nghiệp phổ thông thì sẽ tính chuyện cưới hỏi. Theo lời chị Sương, đám cưới của vợ chồng chị được tổ chức theo phong tục truyền thống, sau đó chú rể về ở rể nhà cô dâu. Sáng ngày hôm sau, khi việc cưới hỏi xong xuôi, phía gia đình nhà anh Ngo đến thăm nhà thông gia. Gia đình nhà gái khi đó mở thiết đãi phía nhà trai, hai bên uống rượu trò chuyện vui vẻ. Buổi tiệc kéo dài từ sáng đến giữa giờ chiều mới xong, sau đó nhà trai ra về. Thế nhưng khi vừa đặt chân về đến ngõ, thấy nhà cửa bề bộn, ông Xao bực cái bụng không chịu được. “Chuyện là ngày hôm trước, khi tổ chức xong đám cưới, nhà cửa chẳng khác gì bãi chiến trường, nhưng tối hôm đó ai cũng mệt, đành phải để sáng hôm sau mới quét dọn.

Buổi sáng, trước khi đi qua nhà tôi, cha chồng gọi con gái lớn ra căn dặn dọn dẹp nhà cửa, thế mà suốt cả ngày hôm ấy nhà vẫn bề bộn như cũ. Bực mình, cha rầy con gái, người có hơi men nên sinh ra gắt gỏng. Sau đó, hai cha con lời qua tiếng lại”, chị Sương kể. Chuyện tưởng đến đó là xong, chẳng ngờ ông Xao lại để bụng, suy nghĩ thế nào lại đâm ra bế tắc. “Gia đình thấy chuyện cũng không có gì, cũng không để ý đến những biểu hiện của cha. Không ngờ ông lẳng lặng lên chòi rẫy của gia đình, lấy dây thép treo cổ tự tử. Tối đó, khi người thân phát hiện sự việc, cha chồng tôi đã mất rồi”, chị Sương buồn rầu kể lại.

Tự tử vì không được viếng anh sui

Sáng ngày hôm sau, ông Nguyên cùng gia đình nhận được tin dữ, ai nấy bàng hoàng thương xót. Anh Ngo sau đám cưới thì về ở nhà vợ, nghe tin cha mất nên đau đớn vô cùng. Ông Nguyên cũng đau buồn không kém, bởi người đồng chí đồng đội lại mới kết thông gia, vừa mới uống rượu hàn huyên với mình hôm trước mà giờ đã về với ông bà tổ tiên.

Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình ông Nguyên vội vã chuẩn bị can rượu, cây thuốc lá với vài bó nhang để lên viếng người thông gia xấu số. Ấy thế nhưng, khi vừa đặt chân đến làng thì đoàn người bị dân làng ngăn cản. Già làng khi đó bảo rằng, lệ làng đã có quy định, hai bên gia đình vừa mới cưới hỏi mà đã có người chết thì gia đình sui gia không được phép vào nhà. Lệ làng đã quy định vậy rồi, không làm trái được, bởi nếu phạm vào những điều kiêng kị, gia đình người chết và dân làng sẽ gặp phải điều xui rủi.

Ông Nguyên vốn trước làm cách mạng, sau lại làm cán bộ, đâu có thấy cái luật nào lạ lùng như vậy. Nhưng cả làng lại cho vậy là đúng, nhất quyết không cho vào, ông có nói thế nào cũng vô ích. Chẳng có cách nào khác, ông Nguyên đành phải gửi cho dân làng can rượu, cây thuốc với mấy bó nhang cùng lời chia buồn, nhờ chuyển giúp đến gia đình ông thông gia, xong xuôi đâu đó rồi mới đi về. Theo lời anh Ngo, hôm đó anh cũng không được vào nhà viếng tang cha, vừa đau đớn vừa uất ức.

Già làng bảo anh lấy vợ, ở rể là người của gia đình nhà vợ nên không được vào nhà. Do vậy, anh đành phải theo cha vợ đi về. Lúc về đến nhà, hai cha con có ngồi uống rượu với nhau, thế nhưng rượu càng uống thì lòng càng đau nên anh uống vài ly rồi thôi. Đến sẩm tối, cha vợ anh bảo mẹ vợ đi ra ruộng đốt rạ, dọn bờ để chuẩn bị gieo trồng. Còn vợ chồng anh thì lên rẫy canh giữ hoa màu để tránh bị heo rừng ăn phá. Khoảng 19h tối hôm đó, vợ chồng anh đang ở trên rẫy thì có người chạy đến báo tin cha vợ anh đã treo cổ tự tử. “Lúc vợ chồng tôi về thì chuyện đã rồi. Nghe mọi người kể lại, khi mẹ và vợ chồng tôi đi vắng, cha bảo mấy đứa cháu ra ngoài chơi rồi đóng cửa cài then. Khoảng một giờ đồng hồ sau, không thấy cha mở cửa ra, mọi người thấy lạ, phá cửa xông vào thì thấy ông đã treo cổ tự tử, chết từ lúc nào. Cha vợ mất sau cha ruột tôi đúng một ngày”, anh Ngo buồn bã kể.

Dìu nhau qua nỗi đau

Theo lời chị Sương, dù chuyện đau lòng trên đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng vợ chồng chị vẫn chưa thể quên được những ngày tháng tang thương khi đó. Bởi ngày hôm trước anh Ngo chịu nỗi đau mất đi cha ruột thì ngày hôm sau chị cũng chịu nỗi đau tương tự. Hai vợ chồng chị mới cưới nhau, lẽ ra phải hạnh phúc thì lại sống trong nước mắt.

Càng đau đớn hơn khi vợ chồng chị nghĩ rằng vì chuyện mình lấy nhau mà dẫn đến cái chết của hai người cha. Nhiều lúc nghĩ lại, vợ chồng chị chẳng hiểu được vì sao mình có thể trụ được những ngày tháng đầy giông bão đó. “Nhà tôi hồi đó nghèo lắm nên cha phải vay mượn tiền khắp nơi để làm đám cưới. Ấy vậy mà, sau khi cha mất, theo lệ làng, căn nhà bị đập bỏ đi chứ không được ở nữa. Thế là vừa mất cha, vợ chồng tôi lại chịu cảnh mất cả nơi ăn chốn ở. Để có chỗ che nắng trú mưa, vợ chồng tôi phải căng tấm bạt giữa mấy gốc cây ngoài vườn. Sau đó một thời gian, bà con dân làng giúp đỡ hai vợ chồng dựng ngôi nhà vách đất để sống tạm qua ngày.

Mãi đến năm 2015, hai vợ chồng mới chạy vạy xây được căn nhà cấp 4 như bây giờ”, chị Sương cho biết. Chuyện gia đình vốn đã quá nhiều bi kịch, vợ chồng chị Sương lại phải sống trong bao nhiêu điều tiếng, dị nghị. Chuyện là sau ngày mất của hai cha, dân làng đồn đoán lung tung. Nhiều người bảo rằng hai làng trước đây đã thề là sẽ không cho con cháu lấy nhau, nếu phạm thì sẽ bị trừng phạt. Và vì vi phạm lời thề mà hai người đàn ông phải chết oan uổng. Bao lời đồn đoán có lúc khiến tình cảm của vợ chồng chị bị lung lay.

HÀ AN
Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật số 94 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-yeu-chien-thang-noi-dau-sau-ngay-dung-cam-buoc-qua-loi-nguyen-a239816.html