Toàn nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử quan trọng


Thứ 3, 06/11/2018 | 02:44


Sáng nay (6/11), cử tri toàn nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Đây được xem là phép thử cho chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump.

Sáng nay (6/11), cử tri toàn nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Đây được xem là phép thử cho chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.

Theo AP, tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, cùng với việc bầu lại toàn bộ 435 thành viên của hạ viện và 35 thành viên của thượng viện, cử tri Mỹ cũng sẽ đi bỏ phiếu khoảng 6.000 thành viên trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc và 36 thống đốc bang.

Ông Trump vận động cho đảng Cộng hòa hôm 4/11 - Ảnh: Pháp luật VN

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ có ý nghĩa quan trọng bởi nó thường được xem như cuộc trưng cầu ý dân về thành tích trong 2 năm cầm quyền trước đó của Tổng thống đương nhiệm, gợi mở về khả năng tiếp tục đắc cử nếu lại tái ứng cử tại cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo đó. Ngoài ra, việc các đảng nắm được quyền kiểm soát tại Quốc hội Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng các quyết sách mà các đảng đưa ra được thông qua.

Trước "giờ G", chiến dịch vận động tranh cử đã được tăng tốc với nỗ lực vào giờ chót của cả 2 đảng, xoáy vào những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm hiện nay. Phe Cộng hòa tập trung nêu bật những thành tựu về kinh tế và việc làm kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, coi đây là “con át chủ bài” tranh cử nếu so với thành tích kinh tế nghèo nàn của các chính quyền Dân chủ tiền nhiệm.

Do vậy, mục tiêu của Đảng Cộng hòa và Tổng thống của đảng Donald Trump tại cuộc bầu cử này là bảo vệ được đa số trong cả hạ viện và thượng viện mà đảng này đã giành được tại cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 11/2016. Bởi, nếu mất đi thế đa số, khả năng tái đắc cử và việc những quyết sách do ông Trump đưa ra được thông qua tại Quốc hội Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn. Mục tiêu của đảng Dân chủ cũng tương tự và hướng tới việc tạo cơ hội để ứng viên của đảng giành chiến thắng tại cuộc bầu cử năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington DC. Ảnh: THX/ TTXVN

Bên kia chiến tuyến, đảng Dân chủ được hậu thuẫn bởi sự phản đối mạnh mẽ đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, hy vọng có thể giành lại quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện. Hiện đảng này tập trung vào 3 chủ đề chính gắn với khẩu hiệu tranh cử “Vì người dân”, bao gồm cắt giảm chi phí y tế, tăng lương và chống tham nhũng-những vấn đề tranh cử đã mang lại chiến thắng cho đảng tại hạ viện năm 2006.

Theo các nhà quan sát, có một “quy luật” thường xảy ra ở bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ là đảng của Tổng thống đang ở nhiệm kỳ đầu tiên thường có xu hướng bị mất ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đầu tiên. Một cuộc thăm dò do các hãng tin Washington Post-ABC News công bố hôm 4/11 cho thấy đảng Dân chủ có thể có được lợi thế trong cuộc bầu cử Hạ viện.

Cuộc thăm dò do các tờ NBC và The Wall Street Journal thực hiện cũng cho thấy đảng Dân chủ đang có lợi thế hơn 7 điểm so với đảng Cộng hòa ở viện này. Song, cũng không loại trừ khả năng đảng Cộng hòa sẽ tạo được bất ngờ nhờ những đánh giá tích cực về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và sự tập trung mạnh mẽ vào an ninh biên giới của ông Trump.

Quỳnh Chi  (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/toan-nuoc-my-buoc-vao-cuoc-bau-cu-quan-trong-a250233.html