Tổng thống Biden đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị mới do biến thể Omicron


Thứ 3, 30/11/2021 | 10:14


Cùng sự kiện

Nhà Trắng hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới nhất và nghiêm trọng nhất liên quan tới cam kết "đẩy lùi dịch COVID-19" của Tổng thống Joe Biden.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều chuyên gia y tế trên thế giới lo ngại. Trong khi các nhà khoa học nhấn mạnh vẫn còn nhiều điều chưa rõ về biến thể này, nhiều quốc gia đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại đối với một số nước ở phía Nam châu Phi để làm chậm quá trình lây nhiễm của virus. Chính phủ Mỹ ngày 29/11 (theo giờ địa phương) đã lên tiếng kêu gọi người dân trưởng thành đi tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.

The Hill nhận xét, với Tổng thống Joe Biden, người vốn đang có mức tín nhiệm sụt giảm liên tục trong những cuộc thăm dò gần đây, biến thể Omicron đã gia tăng khó khăn với nửa đầu nhiệm kỳ của ông. Hiện nay, ông Biden đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng trong nước liên quan tới vấn đề lạm phát và thiếu hàng hoá trầm trọng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19.

Tin thế giới - Tổng thống Biden đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị mới do biến thể Omicron
Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân không nên hoảng loạn trước biến thể Omicron. Ảnh: EPA

Đảng Cộng hoà đã đem biến thể Omicron này làm mục tiêu mới cho các cuộc công kích nhằm vào tổng thống đương nhiệm của đảng Dân chủ. Theo đó, đảng Cộng hoà nói rằng ông Biden đã không thực hiện được cam kết "đẩy lùi đại dịch COVID-19". 

Tuy nhiên, mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã trấn an người dân về biến thể Omicron. Cụ thể, Tổng thống Biden cho biết: "Biến thể này đáng lo ngại, chứ không phải biến thể đáng hoảng sợ. Chúng ta đang có vaccine tốt nhất thế giới, các loại thuốc tốt nhất, các nhà khoa học giỏi nhất và chúng ta vẫn đang tìm hiểu thêm mỗi ngày. Chúng ta sẽ chống lại biến thể này bằng các hành động khoa học, hiểu biết và tốc độ chứ không phải sự hỗn loạn và nhầm tưởng". 

Trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đã có cách xử lý đại dịch dứt khoát và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vào mùa hè năm nay, sau dịp Quốc khánh 4/7, Mỹ lại tiếp tục chao đảo vì số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng đột biến dù nhiều người đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Với việc số ca tử vong do COVID-19 trong năm nay tại Mỹ cao hơn so với năm ngoái, một phần do biến thể Delta nguy hiểm hơn, ông Joe Biden đã gặp không ít khó khăn trước những lời công kích của đảng đối lập.

Giờ đây, trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, người phát ngôn của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Emma Vaughn ngày 29/11 nhận định: "Tổng thống Biden đã không thể ngăn chặn đại dịch như ông ấy từng cam kết".

Cần lưu ý, phần lớn những trường hợp tử vong do COVID-19 tại Mỹ là những người chưa tiêm và những người từ chối tiêm vaccine phòng bệnh dù được kêu gọi nhiều lần. Ngoài ra, phía đảng Dân chủ cũng lên tiếng chỉ trích đảng Cộng hoà, nói rằng đảng Cộng hoà đã phá huỷ các thành tựu phòng dịch khi gây nghi ngờ về vaccine ngừa COVID-19. 

Các chuyên gia y tế thừa nhận vaccine là một trong những "vũ khí" tốt nhất đối với cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19. Tuy nhiên, các quy định tiêm chủng bắt buộc, một nỗ lực nâng tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ, của Tổng thống Joe Biden đối với các doanh nghiệp hiện đang bị đưa ra toà án và đối mặt với tương lai không chắc chắn. 

Ngày 29/11, một tòa án liên bang đã tạm thời dừng quyền hạn của ông Biden đối với các nhân viên y tế tại các bệnh viện nhận tài trợ của liên bang ở 10 tiểu bang, những người đã đệ kiện nhằm ngăn chặn quy định tiêm vaccine bắt buộc của chính quyền. Theo đó, toà án cho rằng việc quy định này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên tại các cơ sở y tế.

Tin thế giới - Tổng thống Biden đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị mới do biến thể Omicron (Hình 2).
Sự xuất hiện của biến thể Omicron gây lo ngại sẽ làm đảo ngược thành tựu phòng chống dịch COVID-19 của thế giới. Ảnh: EPA

Bên cạnh những vấn đề trực tiếp liên quan tới cách ứng phó với đại dịch, những ảnh hưởng mà COVID-19 đã gây ra trong 2 năm qua cũng gây ra không ít thách thức đối với người đứng đầu đất nước. 

Ông Basil Smikle, chiến lược gia đảng Dân chủ và giám đốc chương trình chính sách công của Đại học Hunter cho biết: "Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này trong một thời gian và tôi nghĩ ông Biden phải nói với người Mỹ rằng sẽ không có kết thúc dứt khoát. Mọi thứ sẽ diễn ra theo từng giai đoạn".

Các quan chức Nhà Trắng cho biết tỷ lệ tín nhiệm thấp của ông Biden một phần là do người dân cảm thấy mệt mỏi do đại dịch. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh tình hình dưới thời ông Biden đã tốt hơn so với thời người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump. 

Phần lớn người Mỹ hiện nay đã được tiêm vaccine phòng bệnh và đã có nhiều tiến bộ được ghi nhận trong quá trình phát triển thuốc điều trị COVID-19. Về mặt kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể và nền kinh tế đang tạo ra việc làm bất chấp những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng và lạm phát.

Một phần của thách thức đối với ông Biden là sự kỳ vọng, có thể đã trở nên tồi tệ hơn bởi quyết định mở cửa đất nước dịp Quốc khánh 4/6 và sự bùng phát của biến thể Delta. Biến thể Omicron hiện đang được coi là mối đe dọa mới đối với kỳ vọng từ cử tri về việc Tổng thống Biden đưa đất nước thoát khỏi COVID-19.

Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown, nhận xét: "Đó là cách tiếp thiển cận khi làm tăng kỳ vọng về kết thúc của đại dịch. Biến thể Omicron cho thấy chúng ta vẫn còn cả một chặng đường dài trước khi COVID-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu".

Ông Gostin cho rằng Tổng thống Biden cần đặt ra những kỳ vọng với một thông điệp đơn giản hơn. Ông nói: "Nước Mỹ còn cả một chặng đường dài và cách duy nhất mà chúng ta có thể tự bảo vệ mình là tiêm phòng cho tất cả mọi người ở Mỹ và tất cả mọi người ở nước ngoài, trước hết hãy bắt đầu với nước Mỹ".

Minh Hạnh (Theo The Hill)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thong-biden-doi-mat-voi-nguy-co-khung-hoang-chinh-tri-moi-do-bien-the-omicron-a520759.html