+Aa-
    Zalo

    Vốn là dân văn chính hiệu nhưng tôi “say” làm báo

    • DSPL
    ĐS&PL Một tối Hà Nội trở gió, khi lạch cạch gõ những dòng tản mạn này, tôi đã nghĩ đến nhiều điều.

    Một tối Hà Nội trở gió, khi lạch cạch gõ những dòng tản mạn này, tôi đã nghĩ đến nhiều điều. Những gì mà tôi đã trải qua, đã cảm nhận và cả những vấp ngã sau gần 4 năm "làm báo". Nhưng rồi, tôi lại chỉ muốn hướng mình đến điều giản dị từ sâu trong đáy lòng ...

    Tôi đến với Đời sống& Pháp luật vì một chữ "Duyên" kỳ lạ.

    Còn nhớ như in những ngày đầu khi bước chân vào làng báo, tôi chẳng khác nào một cánh chim lạc đàn. Quá quen với môi trường "ăn như sư, ở như phạm", tôi đã từng rơi nước mắt vì cảm giác lạc lõng, lúng túng giữa những con người xa lạ, giữa công việc xa lạ và cả những áp lực mà tôi chưa từng quen.

    Không được đào tạo chuyên ngành bài bản, tôi từng ngơ ngác và trăn trở thậm chí là lo sợ chỉ vì một tin vắn mà không biết bắt đầu từ đâu, đặt title, cách đặt vấn đề như thế nào cho hợp với phong cách của tờ báo... Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực.

    Thế nhưng, tôi cũng chẳng cho mình được phép ủy mị quá lâu. Tôi đăng ký thêm các buổi học nghiệp vụ để không bị ngơ ngác mỗi khi đồng nghiệp trao đổi về SEO, Content, Keyword,…

    "Học thày không tày học bạn", trong tay tôi chẳng bao giờ rời cuốn sổ nhỏ và cây bút, góp nhặt từng chút những kinh nghiệm khi đi tác nghiệp mà các anh chị đi trước chỉ dạy- những kiến thức có lẽ kể cả học chính quy trên giảng đường cũng không thầy cô nào chỉ bảo.

    Rồi chẳng biết từ khi nào lòng “say” nghề đã ăn sâu vào máu thịt tôi, những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi thêm tự tin. Tôi mê cái cảm giác bất chợt xách ba lô lên, đi và... cảm nhận!

    Những chuyến đi dù ngắn hay dài, hành trang là chiếc balo nặng trĩu hay chỉ đơn giản là một cuốn sổ nhỏ cũng đều cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Tôi cứ thế trưởng thành, "hiểu mình, hiểu đời”, học cách cảm thông và sẻ chia như thế.

    Tôi cũng từng nhận được vô số câu hỏi: "Sao lại bỏ nghề giáo mà chạy theo nghề báo chi cho cực?", “Còn nhiều nghề khác có thể làm, sao ấy lại chọn cái nghề vất vả này?”… Nhiều khi chính tôi cũng tự hỏi mình như thế và cũng tự trả lời: Vì say.

    Tôi "say" cảm giác rong ruổi một mình khi đi tác nghiệp, có chút cô độc nhưng kiêu hãnh.

    Tôi "say" cảm giác được hòa mình vào tập thể, sẻ chia, động viên nhau khi làm án nóng.

    Tôi "say" cảm giác được lắng nghe những trải lòng chân thật của nhân vật, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhiều mảnh đời trong xã hội xô bồ này.

    Vì thế, tôi luôn thầm biết ơn “mảnh đất” Đời sống& Pháp luật đã cho tôi những trải nghiệm đó, rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ. Hơn hết, là một PV, tôi hiểu rằng, đằng sau bút danh mà tôi ký cuối bài, là công sức của cả tòa soạn, cả một “cỗ máy” đang vận hành, từ khâu thu thập tin tức, viết bài, biên tập, lên trang...

    ư

    Muốn có bài viết gần gũi với người đọc, PV cần lựa chọn những đề tài bám sát hơi thở cuộc sống. Đam mê công việc, người làm báo không ngại khó, ngại khổ, gắn bó với nghề mà mình lựa chọn. Có PV ngày đi hàng trăm cây số để tiếp cận thông tin, ngay cả khi đã mệt mỏi rã rời vì cả một hành trình dài cũng phải hoàn thành tin, bài cho kịp lên trang, chạy nhật trình sớm nhất.

    Nhiều trường hợp muốn có được thông tin đắt giá, PV phải tự mình dấn thân, xâm nhập thực tế, trải nghiệm để có được thông tin sống động. Tôi đã từng chứng kiến các anh chị, bạn bè tôi làm xe ôm, đóng vai "lơ xe" đường dài lân la, làm quen với nhân vật, tiếp cận vụ việc để ít bị để ý, nghi ngờ. Thậm chí có bạn còn đóng giả làm "gái" để thâm nhập vào đường dây buôn bán "cái ngàn vàng" cho đại gia "giải đen", lật tẩy những mánh khóe, lừa đảo của những "tú bà online" trên các trang mạng xã hội.

    Có trường hợp lúc PV phục kích quay phim, bị đối tượng phát hiện truy sát, nếu không được đồng nghiệp, người dân hay cơ quan chức năng giải cứu kịp thời, thì hậu quả như thế nào, khó mà tưởng tượng nổi.

    Nhiều khi tôi tự hỏi, những người đồng nghiệp của tôi lấy đâu ra động lực, sự can đảm và kiên trì đến vậy.

    Chỉ đến khi chính mình trải nghiệm, bị cản trở khi tác nghiệp, bị vu khống, bôi nhọ danh dự và thậm chí những "anh A…chị B" đe dọa, uy hiếp đến tính mạng, sự an toàn của người thân, gia đình, tôi mới hiểu, động lực của PV là ở tinh thần quyết đấu tranh, không thỏa hiệp với tiêu cực. Những sự giúp đỡ, động viên từ ban biên tập, đồng nghiệp cũng giúp PV thêm động lực để "đưa" cái xấu ra ngoài ánh sáng.

    Vất vả và nguy hiểm như thế để có tin bài lên trang, nhưng trách nhiệm với bài viết của PV đâu phải chỉ dừng lại ở đó. Ngoài vấn đề về nội dung, làm sao để bài viết được "viral", tiếp cận đến với nhiều độc giả, PV lại trở thành những "thánh nằm vùng" trong các hội nhóm, chia sẻ link bài của mình trên các trang fapage, group phù hợp cùng những dòng content đắt giá.

    Bởi thế hệ của chúng tôi là thế hệ của những cú click chuột. Phải viết làm sao cho hay, hấp dẫn, đặt tít giật gân nhưng không thô tục, để người đọc phải click vào link bài, tăng view. "View" là tương tác, là minh chứng cho sự thành công của bài viết và cũng là "cơm áo gạo tiền" của mỗi PV, mà "cơm áo" thì nào có đùa với "khách thơ".

    Những khó khăn, vấp ngã, non trẻ buổi đầu vào nghề đã qua, tôi vẫn ở đây với bao cảm xúc, sẽ tiếp tục gắn bó với Đời sống& Pháp luật cùng những người đồng nghiệp chung hoài bão, cùng chí hướng và ngày một trưởng thành.

    Nghề báo vất vả lại lắm hiểm nguy, thế nhưng, vẫn cảm ơn "nghề" vì đã cho tôi những điều đẹp đẽ, ấm áp đến thế.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/von-la-dan-van-chinh-hieu-nhung-toi-say-lam-bao-a357392.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan