+Aa-
    Zalo

    “Vòng kim cô” nào giúp kiểm soát người nghiện hiệu quả?

    • DSPL
    ĐS&PL Thời gian qua, hàng loạt thảm án xảy ra có liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma tuý.

    Thời gian qua, hàng loạt thảm án xảy ra có liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma tuý. Thực tế đã xảy ra không ít vụ “ngáo đá” sát hại người thân. Sau những vụ đặc biệt nghiêm trọng như thế, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc tái “bổ sung” tội Sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự để ngăn chặn hành vi tội ác do hậu quả của việc nghiện ngập gây ra.

    Buông lỏng người nghiện, “thảm họa” lớn

    Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng trước vụ án em Trần Thúy H. (18 tuổi, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín), sinh viên năm thứ nhất học viện Ngân hàng, bị 2 đối tượng nghiện sát hại để cướp điện thoại và xe đạp điện để lấy tiền nhằm thỏa mãn “cơn khát” ma túy của mình.

    Theo nhận định của Công an TP.Hà Nội, đây là vụ án giết người, cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật.

    Dẫn lại lời Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng “ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân của các loại tội phạm khác”, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn với người nghiện để hạn chế các loại tội phạm khác.

    Đại tá Tùng thông tin thêm, theo thống kê thấy lượng ma túy nhập lậu vào Việt Nam rất lớn, nếu chúng ta không có sự thay đổi sẽ có khó khăn trong phòng chống ma túy. Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ, bộ Công an đang nỗ lực đề nghị Quốc hội các chế tài, biện pháp và phương pháp quyết liệt hơn đối với nhóm đối tượng này để hạn chế thấp nhất việc gây ra “thảm họa” cho xã hội.

    Cần có cơ chế giám sát người nghiện không gây “thảm họa” trong cộng đồng.

    Các chuyên gia tội phạm học nhận định, các đối tượng là người nghiện ma tuý, đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực, như sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển. Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ..), đã tác động trực tiếp đến người đã có sẵn trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, hình thành nên ý định phạm tội.

    Liên quan đến vụ việc đau lòng trên, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa người nghiện ma tuý gây án tại cộng đồng? Trước đây, tại Bộ luật Hình sự 1999, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý hình sự theo Điều 199 - tội Sử dụng trái phép chất ma tuý. Xử lý hình sự với hành vi này có tác dụng răn đe tốt.

    Từ năm 2009, Bộ luật Hình sự mới đã bỏ tội này. Từ đó, người nghiện chỉ được coi là người bệnh. Tuy nhiên biện pháp quản lý người nghiện, xử lý vi phạm... đều có những bất cập, hạn chế. Cộng đồng đang sống trong nỗi lo âu, người nghiện được “thả rông” đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho xã hội. Cần phải có một cơ chế quản lý hiệu quả, mang tính răn đe, trừng trị, giáo dục, nên chăng tái “bổ sung” tội danh Dử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự.

    Trong tình hình đặc biệt thì phải có biện pháp đặc biệt

    Tháng 6/2019, trả lời chất vấn tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, lãnh đạo bộ Công an đánh giá, ma tuý là “tội phạm của các loại tội phạm”, bình quân cứ mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì có đến 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ thảm án xảy ra có liên quan đến mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý đối tượng nghiện, đồng thời cần có chế tài mạnh đối với người nghiện.

    Trao đổi với PV, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) nhận định, qua những nỗ lực của bộ Công an, đối với tội phạm về ma tuý, các lực lượng chức năng đã áp dụng rất nhiều hình phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Số bị cáo phạm tội về ma tuý bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

    Tuy nhiên, theo ông Phương, việc loại bỏ tội danh Sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi Bộ luật Hình sự có thể được xem như sự “mở cửa” cho hành vi sử dụng chất ma tuý, bởi người nghiện sẽ nhận thức rằng dù họ có nghiện hút, xã hội vẫn chăm lo và đưa họ đi cai nghiện bằng ngân sách của Nhà nước. Ðồng thời, việc bỏ tội danh này không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Mặc dù quan điểm nhìn nhận người nghiện là bệnh nhân cũng có tính nhân văn nhưng trước những hiểm hoạ mà người nghiện đã và đang gây ra thì có lẽ phải tội phạm hoá trở lại hành vi này...

    Ảnh minh họa

    “Trong tình hình đặc biệt thì phải có biện pháp đặc biệt”-  Với tình trạng tội phạm liên quan đến ma tuý như hiện nay, tôi đồng thuận với ý kiến của Bộ trưởng Tô Lâm là đề nghị sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống tội phạm ma tuý, trong đó có việc cân nhắc khôi phục lại Ðiều 199 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội Sử dụng trái phép chất ma tuý.

    “Tội phạm muốn tiêu thụ ma tuý thì phải tăng người nghiện, vì vậy công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hoá việc sử dụng ma tuý là điều cần thiết. Dù sao đi nữa cũng cần phải đặt lợi ích của cộng đồng, của số đông lên hàng đầu”, ông Phương nêu quan điểm.

    Theo nhận định của lực lượng chức năng, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma tuý mới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện hiệu quả. Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tác hại của ma tuý tổng hợp, cho rằng ma tuý tổng hợp không gây nghiện, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng số người sử dụng loại ma tuý này.

    Ngoài ra, việc người nghiện được coi là người bệnh, được quản lý và áp dụng các hình thức cai nghiện khác nhau, trong đó phần lớn quản lý, cai nghiện tại cộng đồng, không thể cách ly người nghiện sau cai (hoặc sau khi đã bị xử lý hành chính) ra khỏi môi trường còn ma tuý... cũng là một vấn đề. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở nhiều tỉnh từng lên tiếng, hiệu quả cai nghiện ở gia đình, cộng đồng đạt kết quả thấp, có nhiều trường hợp “con nghiện” bỏ giữa chừng… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những mối nguy hại tiềm ẩn trong cộng đồng cũng gia tăng.

    ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc coi người nghiện là một dạng bệnh lý - Sự thay đổi về chính sách, pháp luật mang tính nhân văn. Trước đây khi thông qua vấn đề này, Quốc hội đã cân nhắc rất nhiều và coi người nghiện là nạn nhân chứ không phải tội nhân. Tuy nhiên, đây lại là một bệnh lý đặc biệt, rất khó bỏ. Khi trong trạng thái nghiện, người nghiện không ý thức được sẽ có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do vậy cần phải chữa trị. Hiện, người nghiện sẽ phải cai nghiện tại cộng đồng hoặc vào các trại cai nghiện bắt buộc và có ý kiến cho là hiệu quả chưa cao, nên áp dụng hình phạt tù để cai nghiện tốt hơn, ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội.

    Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) kiến nghị khi sửa đổi bổ sung luật Phòng, chống ma túy phải có quy định cụ thể khắc phục tình trạng khi Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 không coi việc sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm hình sự mà chỉ xử phạt hành chính.

    Đảm bảo an toàn tuyệt đối của đại đa số người dân phải đặt cao hơn cá nhân

    Tiếp tục chương trình kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an cho biết tình hình hoạt động tội phạm ma tuý ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp, xâm nhập vào giới trẻ khiến người dân lo lắng; công tác đấu tranh, phòng chống gặp nhiều khó khăn, trong khi luật Phòng, chống ma tuý sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số bất cập.

    Đối với Việt Nam, chúng ta cũng coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, từng coi người sử dụng ma tuý là không vi phạm pháp luật... Quan điểm này làm tăng số lượng người nghiện ma tuý, khi nguồn “cầu” lớn mà chúng ta không khống chế được sẽ dẫn đến Việt Nam trở thành địa bàn sử dụng ma tuý, trong khi nguồn cung ma tuý trên thế giới là vô tận, các đối tượng buôn bán luôn tìm mọi cách tuồn hàng vào Việt Nam bán, nhắm đến giới trẻ.

    Theo các luật cũ hoặc Bộ luật Hình sự hiện hành, xử lý về tội phạm ma tuý rất khó khăn khi đòi hỏi tang vật ma tuý phải là tinh chất. Tội phạm nước ngoài lợi dụng việc Việt Nam quy định một số tiền chất chưa phải ma tuý đã mang cả chục tấn tiền chất vào công khai sản xuất, khi bắt được cũng không thể xử lý được.

    Bên cạnh đó, dự thảo luật có những biện pháp cai nghiện, điều trị hợp lý, tính đến quyền con người. Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối của đại đa số người dân quan trọng và phải đặt cao hơn cá nhân. Trong việc xử lý tội phạm, người sử dụng trái phép ma tuý, dự luật cũng rất tôn trọng, xem xét thấu đáo về quyền con người.

    Không để bị ảnh hưởng xu hướng "hợp pháp hóa" ma túy

    Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết: Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” trong đó xác định “sớm sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy...”.

    "Quan điểm là không để bị ảnh hưởng xu hướng hợp pháp hoá ma tuý. Chúng ta không chấp nhận có ma tuý, các hành vi liên quan đến ma tuý đều phải xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết lần này sửa luật Phòng, chống ma tuý đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng chế tài xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36 Bộ Chính trị.

    Cần có chế tài ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội

    Trao đổi với PV, ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện tình hình tội phạm ma tuý rất phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp trong quá trình điều tra, đấu tranh phòng chống ma tuý, bên cạnh công tác cai nghiện, điều trị người nghiện ma tuý.

    Nhiều ĐBQH cho rằng, quy định hiện hành về xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý từ 500 nghìn - 1 triệu đồng là không đủ răn đe, nhất thiết cần có chế tài ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội. Cần có chế tài ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội.

    Sát hại cả mẹ, dì và bà ngoại vì tưởng là robot

    TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Tín về tội giết người. Tuy nhiên, sau đó HĐXX đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vì bị cáo rút đơn kháng cáo. Trước đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Tín tử hình về tội danh trên.

    Theo hồ sơ, tối 2/5/2019, Tín sử dụng ma túy rồi đi làm. Đến hơn 22h cùng ngày, Tín về nhà, gây ồn ào thì bị bà Nguyễn Thị Ngọc Th. (mẹ bị cáo) la mắng. Tín cãi nhau với mẹ thì bà Nguyễn Thị Ngọc Ph. (dì ruột) mắng. Tín đập phá đồ đạc trong nhà rồi lấy ma túy ra dùng. Thấy vậy, cha Tín đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân trình báo.

    Tín chạy xuống bếp lấy 2 con dao đi lên lầu một, định mở cửa phòng dì thì bị mẹ ôm lại. Tín vùng ra, dùng dao tấn công liên tiếp vào người bà Nguyễn Thị Ngọc K. (cũng là dì ruột Tín) khiến nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó, Tín tiếp tục tấn công mẹ và bà ngoại khiến cả hai tử vong. Tại tòa, Tín khai do bị ảo giác, tưởng người thân là robot muốn hại mình nên đã xuống tay...


    Hương Lan

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (45)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vong-kim-co-nao-giup-kiem-soat-nguoi-nghien-hieu-qua-a345255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan