+Aa-
    Zalo

    Vụ án thiệt hại trăm tỷ tại VEAM: Đề nghị truy tố thêm 11 bị can

    • DSPL
    ĐS&PL Ông Trần Ngọc Hà và 16 người bị cáo buộc liên quan đến sai phạm tại VEAM, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

    Ngày 6/10, Cơ quan CSĐT- bộ Công an (C03) vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố thêm 11 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số doanh nghiệp liên quan.

    vu that thoat tram ty tai veam de nghi truy to them 11 nghi pham dspl
    Bị can Trần Ngọc Hà và Lâm Chí Quang. Ảnh: Bộ Công an.

    Cụ thể, C03 đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc (TGĐ) VEAM; Lâm Chí Quang - cựu TGĐ VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công - đều là cựu Phó TGĐ VEAM; Nguyễn Mạnh Chung - Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp…

    Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn 2011-2014, ông Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV rồi trở thành Tổng giám đốc từ năm 2015 đến 2019. Bị can là người giữ vai trò chính, quyết định các công việc điều hành của VEAM.

    Tuy nhiên, ông Hà đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.

    Từ năm 2007 đến 2013, TGĐ VEAM qua các thời kỳ đã có 7 lần bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng, ký hợp đồng thương mại và cho Vetranco vay tiền theo hạn mức trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.

    Tổng giá trị bảo lãnh được tính tại các văn bản là 193 tỷ đồng. Việc bảo lãnh cho công ty con vay ngân hàng trái quy định của VEAM đã gây thiệt hại hơn 75 tỷ đồng.

    Ngoài hành vi trên, bị can Trần Ngọc Hà còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung. Ông Hà ký chấp thuận mua bản quyền sản xuất và thông số kỹ thuật của máy kéo với chi phí đầu tư hơn 1.400 tỷ dù bộ Công Thương chưa phê duyệt.

    Quá trình thỏa thuận, VEAM đã chuyển hơn 56 tỷ đồng để thanh toán cho đối tác. Bộ Công an đánh giá đây là thiệt hại của vụ án.

    Trước đó, ngày 27/3, Cơ quan CSĐT- bộ Công an (C03) đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án sai phạm tại VEAM, Vetranco và một số đơn vị liên quan; đồng thời chuyển hồ sơ đến viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can có liên quan về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219, bộ luật Hình sự.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-thiet-hai-tram-ty-tai-veam-de-nghi-truy-to-them-11-bi-can-a515435.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan