+Aa-
    Zalo

    Vụ dân chặn xe: Đã kiến nghị xây cầu vượt nhưng chưa được chấp thuận

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Từ năm 2011 đến 2013, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản kiến nghị với UBND thành phố về việc triển khai đầu tư xây dựng cầu vượt....

    (ĐSPL) – Từ năm 2011 đến 2013, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản kiến nghị với UBND thành phvề việc triển khai đầu tư xây dựng cầu vượt đoạn đi qua xã Nam Hồng nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. 

    Liên quan đến vụ việc người dân xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) chặn không cho các phương tiện lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt trong sáng ngày 8/11, UBND huyện Đông Anh đã có báo cáo nhanh gửi UBND TP. Hà Nội.

    Theo đó, khi tuyến đường Thăng Long – Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt) được xây dựng đã chia cắt thôn Đoài ở phía Tây với các thôn ở phía Đông và khu vực trung tâm xã (có trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, các trường học). Đồng thời, tuyến đường này cũng chia cắt nhà máy Cơ khí Nam Hồng thành 2 phần (phần bên phía Tây và phần bên phía Đông tuyến đường) ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khu vực.

    Người dân xã Nam Hồng cản đường xe lưu thông hướng đi Nội Bài. (Ảnh: Dân trí)

    Trước đó, tại vị trí này vẫn mở lối đi lại nhỏ hẹp cho người dân khu vực đi qua. Tuy nhiên, do nhu cầu, mật độ đi lại qua đường ngày càng lớn nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm gây ảnh hưởng đến hướng đi chính của tuyến đường. Mặt khác, đường Võ Văn Kiệt là tuyến giao thông quan trọng nối Thủ đô Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài, thường đón tiếp các đoàn ngoại giao quan trọng.

    Báo cáo của UBND huyện Đông Anh cho hay, xuất phát từ các nguyên nhân trên, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và giảm ùn tắc giao thông, UBND huyện phối hợp với Sở giao thông, UBND xã Nam Hồng và các đơn vị liên quan lên phương án tổ chức giao thông tạm thời là bịt lối đi lại đã tồn tại từ lâu của nhân dân. Yêu cầu người dân phải đi sang đường bằng cầu vượt Nam Hồng đã được đầu tư xây dựng (cách vị trí có lối tắt sang khoảng 1km) trong thời gian kiến nghị xây dựng cây cầu vượt đường bộ qua đường.

    Tuy nhiên kiến nghị chưa được đáp ứng và tại vị trí này đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thêm vào đó, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm xảy ra gây bức xúc trong nhân dân. Chính từ lý do trên, một số công dân đã có hành động tập trung đông người và mang theo các vật dụng gây cản trở giao thông trên đường Võ Văn Kiệt trong ngày 8/11.

    Để giải quyết vấn đề này, đảm bảo ổn định tình hình địa phương, UBND huyện đã có chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Pháp luật và không để tình trạng trên xảy ra. Đồng  thời, giao Công an huyện Đông Anh chủ động nắm chắc tình hình, có phương án đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Huyện.

    Về lâu dài, UBND Huyện đã giao các phòng, ban, đơn vị chức năng của Huyện phối hợp với UBND xã Nam Hồng kiểm tra. Trước đó, từ năm 2011 đến 2013, UBND huyện đã có các văn bản kiến nghị với UBND thành phố, Sở giao thông vận tải Hà Nội, Sở Kế hoạch & Đầu tư về việc triển khai đầu tư xây dựng cây cầu vượt tại vị trí trên cụ thể. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được chấp thuận.

    Sau sự việc vừa qua, lãnh đạo UBND huyện tiếp tục đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan xem xét sớm đầu tư dự án tuyến cầu vượt cho người dân qua đường tại vị trí này.

    Hành vi Cản trở giao thông đường bộ bị xử lý như thế nào?

    1. Tội cản trở giao thông đường bộ được quy định, hướng dẫn tại Điều 261 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

    a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

    c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

    b) Làm chết 02 người;

    c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

    d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    a) Làm chết 03 người trở lên;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

    c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

    Nhân Văn

    Video đang được xem nhiều nhất:

    [mecloud]ZMZVhc7kF7[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-dan-chan-xe-da-kien-nghi-xay-cau-vuot-nhung-chua-duoc-chap-thuan-a169861.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.