Chế tạo thành công tàu lặn điều khiển từ xa


Thứ 3, 27/01/2015 | 12:41


(ĐSPL) - Với niềm đam mê của mình, ông Ngà (trú P. Tây Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên Huế) đã bỏ ra gần hai năm ròng rã để nghiên cứu chế tạo một chiếc tàu lặn mô hình.

(ĐSPL) - Với tình yêu biển đảo và niềm đam mê nghiên cứu, ông Lê Ngà (50 tuổi) là công nhân kỹ thuật của nhà máy bia thuộc Công ty TNHH bia Huế đã chế tạo thành công một chiếc tàu lặn mô hình mang tên Hoàng Sa.
Theo tin tức trên Thanh niên, ông Ngà là thành viên của Câu lạc bộ Máy bay mô hình Huế, với niềm đam mê của mình, ông Ngà (trú P.Tây Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên Huế) đã bỏ ra gần hai năm ròng rã để nghiên cứu chế tạo một chiếc tàu lặn mô hình.
Bắt đầu từ năm 2013, với những nguyên vật liệu tự có, tranh thủ những ngày nghỉ và thời gian ban đêm, ông Ngà đã mày mò tìm hiểu tài liệu về thiết kế tàu lặn, tự tìm kiếm vật liệu rồi gò hàn, lắp ráp.

Tàu Hoàng Sa chạy thử nghiệm ở bể bơi. (Ảnh: Thanh niên). 

Chiếc tàu lặn hoàn thành vào cuối năm 2014, có kích thước dài 2,7 m, cao 1 m, đường kính thân tàu 0,4 m, nặng 120 kg, thân tàu được làm từ vỏ của bình gas công nghiệp dày 5 cm nên khi xuống độ sâu có thể chịu áp lực cao của nước. Phần máy và bộ điều khiển của tàu được lắp ráp từ loại máy điện và thiết bị của máy bay mô hình.
Tàu hoạt động theo nguyên lý hút nước vào khoang chứa để lặn xuống và bơm nước ra để nổi lên. Phần đuôi gồm có hệ thống chân vịt với tốc độ quay 10.000 vòng/phút để tạo lực đẩy cho tàu. Hệ thống lái và cân bằng được chế tạo bằng 3 lá chắn tự động ở đuôi, cùng với tháp điều khiển. Trên tàu có hệ thống đèn pha cùng với camera gắn phía trước.
Sau nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa, cuối năm 2014, nhân đầy tháng của con trai mình, ông đã đưa tàu ra sông Hương để chạy trình diễn. Sau khi chiếc tàu nặng 120 kg được thả xuống nước, ông Ngà khởi động máy và tàu đã di chuyển trên sông Hương trong sự thán phục của mọi người. Trước đó, trong các lần thử nghiệm tại bể bơi ngoài trời, ông cũng đã cho tàu lặn sâu xuống khoảng 3 m, di chuyển rồi nổi lên rất nhẹ nhàng.

Tàu Hoàng Sa thử nghiệm thành công trên sông Hương. (Ảnh: PLO). 

Điểm độc đáo của tàu lặn Hoàng Sa so với các loại tàu lặn do một số cá nhân ở các địa phương khác chế tạo là vận hành bằng thiết bị điều khiển từ xa và không cần người lái.
Chia sẻ với PV Pháp luật TP.HCM về mô hình chế tạo này, ông Ngà cho biết: "Trước khi tôi sáng chế tàu ngầm Hoàng Sa điều khiển bằng bộ điều khiển thì ở Việt Nam không có ai chế tạo thành công, nên gặp khó khăn khi muốn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của tàu. Hơn 10 năm tham gia CLB máy bay mô hình đã cho tôi hiểu về cách vận hành điều khiển từ xa, thế là tôi áp dụng điều khiển từ xa của máy bay vào tàu ngầm. Muốn làm được thì phải thông thạo về nguyên lý hoạt động của điện và cơ khí”.

Ông Lê Ngà bên chiếc tàu ngầm Hoàng Sa. (Ảnh: Thanh niên). 

Chủ nhân chiếc tàu ngầm điều khiển từ xa cho biết thêm: "Khi thấy trên truyền hình Nhà nước ta bắt đầu tiến hành thương thảo mua tàu ngầm từ Nga về trang bị cho hải quân, khi đó ở Thái Bình có người sáng tạo thành công tàu ngầm tự lái mang tên quần đảo Trường Sa. Bản thân tôi là một người dân Việt Nam yêu nước, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của đất nước. Chính tình yêu biển đảo là lý do chính thôi thúc bản thân tôi nghiên cứu và chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa, mặc dù công việc này tốn nhiều thời gian và tiền bạc”.
Trước khi chế tạo thành công tàu ngầm mô hình Hoàng Sa, ông Ngà đã sáng chế thành công xe tăng mô hình. Với kích thước 40 cm với động cơ nổ, xe tăng có thể di chuyển lên, xuống cùng với nòng pháo xoay tròn. Bên cạnh đó ông Ngà đang ấp ủ trong thời gian tới sẽ chế tạo một máy bay mô hình lên thẳng kiểu máy bay F135 của Hoa Kỳ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/che-tao-thanh-cong-tau-lan-dieu-khien-tu-xa-a81275.html