+Aa-
    Zalo

    Chuyện kỳ bí ở phế tích chùa Vạn Yên và quả chuông bị đánh cắp

    ĐS&PL (ĐSPL) - Chùa cổ Vạn Yên nằm ở trung tâm khu Vạn Yên, phường Việt Hưng (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) từng được coi là nơi lưu giữ nhiều dấu vết của lịch sử.

    (ĐSPL) - Chùa cổ Vạn Yên nằm ở trung tâm khu Vạn Yên, phường Việt Hưng (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) từng được coi là nơi lưu giữ nhiều dấu vết của lịch sử. Dù ngôi chùa cổ chỉ còn là phế tích nhưng những câu chuyện kỳ bí xung quanh ngôi chùa ấy vẫn được người đời truyền từ đời này sang đời khác.

    Chuyện lạ về con khỉ đực

    Cụ Lương Cao Lộ, năm nay đã 80 tuổi, là người biết rất nhiều câu chuyện liên quan đến ngôi chùa cổ. Cụ Lộ bảo rằng, ngày xưa, tên ngôi chùa cổ là Vạn Thánh. Ngày trước là ngôi chùa đẹp bậc nhất vùng Đông Bắc này. Do ý thức của con người và sự tàn phá của chiến tranh, cũng như sự bào mòn của thời gian nên ngôi chùa chỉ còn phế tích.

    (bgiay)Giải mã chuyện kỳ bí ở phế tích chùa Vạn Yên và chuyện quả

    Những phiến đá tảng kê chân cột còn sót lại.

    Theo lời cụ Lộ, dù chùa cổ chỉ còn là phế tích nhưng những câu chuyện kỳ bí vẫn được người dân truyền tụng rất nhiều. "Vào năm 1945, vùng đất này còn hoang sơ. Thú rừng thường xuyên đến phá hoại mùa màng của người dân. Hồi đó, có một con khỉ đực rất hung dữ từ trên núi xuống quấy phá khắp làng. Nó phá hoại mùa màng và cắn, cào cấu người, làm nhiều người dân bị thương nặng. Dân làng kinh hãi, cho là ma quỷ trừng phạt nên đã rủ nhau chuyển đi nơi khác sinh sống. Thấy nhiều người bỏ đi, những người ở lại đã họp nhau để tìm cách đánh đuổi khỉ dữ. Dân làng đã cử nhiều thanh niên trai tráng mang gậy gộc, đòn gánh đuổi đánh. Khi chạy đến chùa, khỉ xé áo người trông coi chùa. Không hiểu vì lý do gì, sau đó, nó nhảy lên ngọn cây đa đứng im trên đó. Người làng căm tức chặt cành đa, khỉ rơi xuống đất, đập đầu vào đá mà chết. Từ đó, cái nạn khỉ hung dữ mới hết hoành hành, tác oai tác quái dân làng Vạn Yên", cụ Lộ nói.

    Câu chuyện trên đã được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác. Việc lưu truyền qua các thế hệ cũng đã tạo ra nhiều dị bản. Tuy nhiên, tất cả những câu chuyện ấy vẫn có đầy đủ cốt truyện người dân chống chọi với sự khắc nghiệt của tự nhiên.

    Thực hư tảng đá thiêng và người suýt phá sản

    Theo lời kể của các cụ trong làng, còn rất nhiều những câu chuyện kỳ lạ mà dân làng không thể nào lý giải được. Bất cứ ai dám động đến khu vực chùa cổ đều gặp những kết cục không hay.

    Theo sự chỉ dẫn của dân làng, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Hòa, làm nghề chăn vịt - người được xem là đã bị "trừng phạt" vì dám động đến đất thiêng. Anh Hòa xác nhận rằng, anh có mang ít đá kê chân cột chùa về chèn lưới, quây đàn vịt lại. "Không hiểu vì lý do gì mà cả đàn vịt của tôi bị què, con lành thì không chịu ăn uống gì cả. Bao vốn liếng dồn vào đàn vịt cũng đổ xuống sông, xuống biển. Cơ nghiệp có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản. Tôi nghĩ do thần linh quở phạt nên sau đó vội vàng bê đá mang trả và làm lễ tạ thì mọi việc lại bình thường. Từ đó trở đi, tôi không dám động chạm đến khu vực chùa thiêng nữa", anh Hòa nói.

    Anh Hòa bảo rằng, không chỉ ngày xưa mới lắm thú dữ, lợn rừng, động vật hoang dã mà hiện nay dân làng vẫn gặp rất nhiều các con vật lạ xuất hiện. Theo lời kể của anh Hòa, mấy lần anh chăn vịt ở ngoài đồng còn gặp rắn lạ chợt xuất hiện rồi biến mất. Kỳ lạ hơn nữa là có sự xuất hiện của một con thỏ trắng. Con thỏ này còn bơi qua mương nước và người dân ở đây coi là sự lạ. Hơn nữa, ở vùng xung quanh không có nhà nào nuôi thỏ cả.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khu này âm u, đình chùa miếu mạo rất nhiều. Người ta ví von rằng, đó là cụm công trình tâm linh với rất nhiều công trình thiêng liêng.

    Chuyện huyễn hoặc được ghi vào sổ sách

    Ngoài những câu chuyện ly kỳ được truyền miệng trong dân gian thì những huyền tích về ngôi chùa cổ còn được chép lại trong các sách cổ. Chúng tôi đã trao đổi với giáo sư Hoàng Giáp, nguyên Trưởng phòng Sưu tầm (viện Nghiên cứu Hán Nôm) về vấn đề này.

    Giáo sư Giáp cho biết, chùa có tên cổ là Vạn Thánh, thuộc làng Vạn Yên, tổng Vạn Yên, châu Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên. Chùa được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Theo giáo sư, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hương ước của làng được các cụ chánh tổng, lý trưởng cho chép lại vào khoảng những năm 1936 đến 1944. Vì nằm ở làng đầu tổng nên cùng với đình, nghè Vạn Yên, chùa Vạn Thánh có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người dân tổng Vạn Yên xưa.

    (bgiay)Giải mã chuyện kỳ bí ở phế tích chùa Vạn Yên và chuyện quả

    Giáo sư Hoàng Giáp phân tích thư tích cổ về ngôi chùa.

    Tài liệu này ghi chép rất cụ thể về làng xóm, thờ cúng, khuyến học và có ghi chép về ngôi chùa Vạn Thánh, tức chùa Vạn Yên sau này.

    Chùa Vạn Thánh có 4 mẫu ruộng giao cho nhà sư canh tác để lấy lợi tức chi tiêu cho các hoạt động của chùa. Nhà nghiên cứu giải nghĩa chữ "Thánh" trong tên chùa là chùa có vạn ông Thánh. Thánh là linh thiêng, chùa gắn với sự linh thiêng. "Tôi cho rằng, có thể chùa Vạn Thánh thờ cúng một Đức ông hay vị Thánh nào đó rất linh thiêng mà chúng ta còn chưa tìm thấy bia đá, tư liệu Hán Nôm để dịch ra mà biết được. Tôi ngờ rằng, cái tên đường xuống chùa các cụ vẫn gọi là đường Nhà Thánh có liên quan đến tên chùa và việc thờ tự trong chùa", giáo sư Hoàng Giáp nói.

    Trong ký ức của các cụ già của làng thì ngôi chùa cổ ngày xưa rất bề thế và trang nghiêm. Năm 1941, chùa tổ chức hội rất linh đình. Quan trên huyện cũng về dự. Lúc đó, chùa Vạn Yên vẫn còn nguyên vẹn lắm. Ngôi chùa có 4 gian, cột làm bằng gỗ to và trang trí mộc mạc, khuôn viên rộng khoảng 5.000m2. Xung quanh nhiều cây cổ thụ như đa, si, thị, mít... tạo sự cổ kính cho ngôi chùa. Phía trái chùa có một giếng nước và cây sung.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Toàn, Trưởng khu Vạn Yên xác nhận: "Ngôi chùa bị phá cũng bởi ý thức của con người. Việc ngôi chùa cổ bị phá vẫn còn nhiều lời đồn đại chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một điều cần nói đến là ý thức bảo vệ di tích lịch sử tâm linh. Không hiểu vì lý do gì mà vào những năm 1976-1977, ngôi chùa đã bị san gạt làm cánh đồng rau. Chuông chùa được đội Thủy lợi 202 mang về khu tập thể công nhân làm kẻng, sau đó bị trộm lấy. Nhưng kỳ lạ thế nào đó, tên trộm không thể tẩu tán và bán quả chuông này được. Khi hắn mang chuông lên đến cửa khẩu Lạng Sơn thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Sau đó, quả chuông được bàn giao cho Công an huyện Hoành Bồ (lúc đó Việt Hưng là xã của Hoành Bồ). Công an huyện Hoành Bồ lại giao cho Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, chuông chùa Vạn Yên là một hiện vật có giá trị về lịch sử và thẩm mỹ.

    Ông Toàn thay mặt bà con nhân dân trong vùng nói lên sự mong mỏi về một ngày ngôi chùa được phục dựng lại. Đã nhiều lần đề đạt ý kiến với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Khu Vạn Yên, phường Việt Hưng cũng đã tổ chức họp dân, toàn bộ đều đồng thuận xây lại chùa. Hiện tại, đã có vài hộ sẵn sàng hiến đất cúng dường và tiền tài, công sức để xây chùa trên nền đất cũ.

    Cần phục dựng lại chùa Vạn Yên

    Giáo sư Hoàng Giáp cho rằng, rất cần phục dựng lại chùa Vạn Yên và giữ nguyên tên cổ là Vạn Thánh để giữ tính chất linh thiêng của ngôi chùa cổ này. Nếu phục dựng được thì đó sẽ là một công trình tâm linh có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân địa phương.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ky-bi-o-phe-tich-chua-van-yen-va-qua-chuong-bi-danh-cap-a73667.html
    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền