Cùng Bác sĩ Dược Sài Gòn tìm hiểu về bệnh bại não ở trẻ sơ sinh


Thứ 5, 01/10/2020 | 09:19


Bệnh bại não bẩm sinh là một tổn thương não xảy ra ở khoảng 2/1000 trẻ sinh ra, chiếm khoảng 30 - 40% tổng số trẻ em bị khuyết tật

Bệnh bại não bẩm sinh là một tổn thương não xảy ra ở khoảng 2/1000 trẻ sinh ra, chiếm khoảng 30 - 40% tổng số trẻ em bị khuyết tật.

Bại não ở trẻ sơ sinh thường gặp ở bé trai nhiều hơn so với bé gái, xảy ra vào giai đoạn trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh đến 5 tuổi. Bại não biểu hiện bằng các bất thường về vận động và tư thế thân mình. Cùng Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu các dấu hiệu chẩn đoán bệnh bại não xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bại não ở trẻ sơ sinh

Trước khi tìm hiểu cách nhận biết bệnh bại não, chúng ta cần phân biệt trẻ thuộc nhóm trong 3 nhóm sau đây:

  • Trẻ có yếu tố nguy cơ trước sinh.
  • Trẻ có yếu tố nguy cơ trong sinh.
  • Trẻ có yếu tố nguy cơ sau sinh.

Yếu tố nguy cơ trước sinh

  • Bệnh của mẹ: mẹ bị sảy thai trước đó, dị tật bẩm sinh, ngộ độc thai nghén, chậm phát triển trí tuệ, mẹ tiếp xúc hóa chất - thuốc trừ sâu, nhiễm virus trong 3 tháng đầu mang thai, bị chấn thương, dùng thuốc khi mang thai, mẹ bị bệnh tuyến giáp trạng, bị tiểu đường thai kỳ, ... có nguy cơ sinh con mắc bại não.
  • Bệnh của con: thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật não, vòng rau cuốn cổ, tư thế thai bất thường.

Yếu tố nguy cơ trong sinh

  • Đẻ non (dưới 37 tuần).
  • Cân nặng khi sinh thấp (dưới 2500 gram).
  • Ngạt hoặc thiếu oxy não khi sinh: trẻ đẻ ra không khóc ngay, tím tái hoặc trắng bệch phải cấp cứu.
  • Thực hiện một số can thiệp sản khoa như kẹp thai, hút thai, …
  • Vàng da nhân não sơ sinh: trẻ bị vàng da sơ sinh ngay từ ngày thứ 2 sau sinh, vàng đậm không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể xuất hiện bỏ bú, tím tái và duỗi cứng chi (dấu hiệu tổn thương não).

Yếu tố nguy cơ sau sinh

  • Chảy máu não - màng não sơ sinh.
  • Nhiễm khuẩn thần kinh: viêm não, viêm màng não.
  • Thiếu oxy não do suy hô hấp nặng: suy hô hấp nặng phải thở oxy, thở máy.
  • Chấn thương sọ não: do ngã, tai nạn, đánh đập.
  • Các nguyên nhân khác gây tổn thương não: co giật do sốt cao đơn thuần, tiêu chảy mất nước nặng, ...

Chẩn đoán sớm bệnh bại não khi trẻ 6 tháng tuổi

Theo Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết một trẻ bị bị bệnh bại não khi có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ nói trên và khi được 6 tháng tuổi, trẻ có các dấu hiệu sau:

Bốn dấu hiệu chính của bệnh bại não bẩm sinh

  • Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt trẻ đứng.
  • Trẻ không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp không thể ngẩng đầu lên được.
  • Hai tay của trẻ luôn nắm chặt lại.
  • Hai tay trẻ không biết với để cầm đồ vật.

Bốn dấu hiệu phụ

  • Trẻ không nhận ra khuôn mặt mẹ.
  • Trẻ ăn uống khó khăn.
  • Không đáp ứng khi gọi hỏi.
  • Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.

Một số dấu hiệu khác

  • Trẻ mềm nhẽo sau sinh.
  • Trẻ không nhìn theo đồ vật.
  • Không quay đầu theo tiếng động.
  • Trẻ bị co giật.

Khi trẻ có yếu tố nguy cơ kèm theo các dấu hiệu của bệnh bại não ở trẻ sơ sinh nêu trên, phụ huynh cần đưa con đến khám bác sĩ nhi, thần kinh, Kỹ thuật vật lý trị liệu - phục hồi chức năng ngay lập tức để chẩn đoán xác định bại não.

Các thể bệnh bại não

Trẻ bại não có thể thuộc 1 trong các thể lâm sàng sau đây: Bại não thể co cứng; Bại não thể múa vờn; Bại não thể thất điều; Bại não thể nhẽo; Bại não thể phối hợp.

Bệnh bại não là một bệnh lý phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây nên, thể bệnh đa dạng, việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh giúp chúng ta có các biện pháp phòng ngừa chủ động, đồng thời phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.

Liệu pháp tế bào gốc là phương pháp điều trị bại não còn rất mới trên thế giới. Tế bào gốc được tách chiết từ máu ngoại vi trong môi trường vô trùng tuyệt đối. Sau đó, được chuyển vào cơ thể bệnh nhân qua tủy sống. Tế bào gốc sẽ theo tuần hoàn của dịch não tủy đi lên não bộ. Tại đây, tế bào gốc giúp tăng sinh mạch máu, hình thành các chất có chức năng kháng viêm, đồng thời kích thích nhưng tế bào gốc thần kinh tại khu vực biệt hóa, tăng sinh. Tế bào gốc được cấy ghép vào cơ thể còn có tác dụng dẫn truyền thần kinh tốt hơn. Từ đó phục hồi vùng não bị tổn thương.

Trẻ bại não thường ngủ kém do tổn thương não kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cần tạo môi trường yên tĩnh và thoải mái để giúp trẻ ngủ dễ dàng hơn. Việc tập luyện phục hồi chức năng, vận động hàng ngày cũng giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn, sâu hơn vào buổi tối. Cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen ngủ và thức có giờ giấc, tạo phản xạ tốt cho trẻ. Với những trẻ khó ngủ, kích thích nhiều, cần tư vấn bác sĩ bệnh chuyên khoa để kê đơn thuốc giúp trẻ ngủ tốt hơn. Tránh tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm trẻ kích thích, gồng nhiều hơn, sút cân, dễ ốm hơn, dễ khởi phát cơn động kinh.

Hà Nhi

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cung-bac-si-duoc-sai-gon-tim-hieu-ve-benh-bai-nao-o-tre-so-sinh-a340942.html