Lòng tốt vẫn mênh mang


Thứ 2, 01/04/2019 | 12:00


Có ai đó đã phán rằng chỉ những kẻ vô công rồi nghề mới lên mạng xã hội. Không, mạng xã hội sẽ vô cùng hữu ích nếu những người dùng nó với mục đích tốt đẹp.

Có ai đó đã phán rằng chỉ những kẻ vô công rồi nghề mới lên mạng xã hội. Không, mạng xã hội sẽ vô cùng hữu ích nếu những người dùng nó với mục đích tốt đẹp.

Khi đó, mạng xã hội - như trong câu chuyện này - là một phương tiện mà khó có một phương tiện truyền thông nào hiện nay có thể thay thế.

Câu chuyện bác bảo vệ quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam ở quận 9, TP.HCM bị kẻ gian lừa lấy xe SH và sau đó nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng đã gây “sốt” trên mạng xã hội mấy ngày qua. Cũng là thông tin “sốt” nhưng đây là thông tin gây xúc động lòng người, làm cho mỗi chúng ta cay khóe mắt. Giữa những thông tin tiêu cực tràn ngập mặt báo gần đây, thông tin tốt lành này như dòng nước tưới mát cho tâm hồn mỗi người giữa những ngày trưa hè oi bức.

Bác bảo vệ gần 70 tuổi, quê miền Trung, có gia cảnh nghèo khó, là lao động chính của gia đình. Với thu nhập coi xe quán cà phê mỗi tháng 3 triệu đồng ấy, bác đã bị những kẻ táng tận lương tâm dàn cảnh, lừa lấy chiếc SH cũ của khách.

Giữa nhiều thông tin u ám, câu chuyện về bác bảo vệ cùng nhiều chuyện tốt khác đã tưới tắm tâm hồn ta... 

Bác bảo vệ đau khổ kể với một nhóm bạn trẻ đến uống cà phê ngày hôm đó về câu chuyện của mình, để rồi lòng tốt được viết nên và truyền đi nhanh chóng. Thông tin về hoàn cảnh éo le của bác bảo vệ đã được nhóm bạn này đưa lên mạng và cộng đồng đã chung tay đóng góp được hơn 100 triệu đồng.

Số tiền đủ để bác đền chiếc xe bị mất và còn có dư. Sau khi thương lượng, người mất xe nhận 38 triệu đồng. Số tiền còn lại, bác bảo vệ gửi tặng 10 triệu đồng cho một trường tình thương nơi có hai cháu ngoại của mình theo học; gửi trả lại cho hai người giúp mình, mỗi người 5 triệu đồng và nhờ họ gửi cho một em nhỏ mổ thận ở BV Nhi đồng 2; gửi 5 triệu đồng đóng góp xây dựng một tịnh xá.

Trả lời về việc vì sao gia cảnh khó khăn vậy mà không giữ lại số tiền cộng đồng giúp đỡ, bác trả lời: “Tôi gặp khó khăn được mọi người giúp đỡ là quá may mắn, là có phước lắm rồi. Tôi bất ngờ và biết ơn cộng đồng rất nhiều, đâu thể lợi dụng lòng tốt của mọi người được. Tôi còn có cái tâm, cái đạo của mình nữa. Ngoài kia còn nhiều cuộc đời khó khăn, gian nan hơn cần sự giúp đỡ...”.

Câu chuyện mà các bạn trẻ uống cà phê đã làm cho bác bảo vệ đẹp biết bao!

Hành xử của bác bảo vệ với tâm từ bi, trí tuệ thật đẹp biết bao!

Có ai đó đã phán rằng chỉ những kẻ vô công rồi nghề mới lên mạng xã hội. Không, mạng xã hội sẽ vô cùng hữu ích nếu những người dùng nó với mục đích tốt đẹp, để làm những điều tốt đẹp. Khi đó, mạng xã hội - như trong câu chuyện này - là một phương tiện mà khó có một phương tiện truyền thông nào hiện nay có thể thay thế.

Nodar Dumbadze, nhà văn Xô Viết nổi tiếng người Georgia, người đã được trao giải thưởng Văn học Lênin, trong tác phẩm Quy luật của muôn đời đã viết: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác… Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi… Bởi thế, người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử: Ông giúp cho tâm hồn tôi trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ như thế đến vô cùng”…

Câu chuyện đẹp trên chính là những trang viết tiếp để làm cho tâm hồn của con người trở nên bất tử. Và lòng tốt vẫn tràn đầy, tình thương vẫn mênh mang.

Nguồn: Pháp luật TP. HCM

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/long-tot-van-menh-mang-a268430.html