Nghiên cứu giải quyết triệt để thực trạng tranh chấp đất đai, bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên


Thứ 6, 17/07/2020 | 05:14


Ngày 16/7, tại trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học về đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai

Ngày 16/7, tại trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học về đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay” (đề tài TN18/X07)

Đây là đề tài khoa học nằm trong khuôn khổ chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” được giao cho trường Đại học Luật Hà Nội nghiên cứu, thực hiện.

Chủ trì Hội thảo có TS. Trần Quang Huy - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Kỳ - Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên, PGS.TS. Tô Văn Hòa - Chủ nhiệm đề tài TN18/X07. Ngoài ra tham gia chương trình Hội thảo, còn có sự góp mặt của các vị khách quý, các chuyên gia: TS. Nguyễn Văn Tiến - Ban Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, TS. Triệu Văn Bình - Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, ThS. Phan Văn Vượng - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Bồng - Hội Khoa học Đất; TS. Cao Thị Lý - Đại học Tây Nguyên, TS. Trương Thị Hạnh - Viện Khoa học xã hội Tây Nguyên, Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Và Các chuyên gia khoa học pháp lý: GS.TS. Lê Hồng Hạnh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến

Hiện đề tài đang đi vào giai đoạn hoàn thiện các sản phẩm để nghiệm thu báo cáo Chương trình Tây nguyên 2016 – 2020.

Để hoàn thiện và nâng tầm giá trị thực tiễn của đề tài, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trình bày tham luận, ý kiến đóng góp, quan điểm thảo luận. Để từ đó có cơ sở đề xuất những giải pháp vĩ mô và vi mô giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

TS. Trần Quang Huy - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu chào mừng 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội, cũng là chủ nhiệm đề tài cho biết: “Tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai là vấn đề nóng của các tỉnh Tây Nguyên trong suốt 2 thập kỷ qua. Các loại hình tranh chấp đất đai ở 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra phức tạp, bao gồm: Tranh chấp giữa người dân với người dân, giữa người dân với cộng đồng; Tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty nông nghiệp… Nguyên nhân gây ra tranh chấp, ngoài những nguyên nhân chung còn có sự đặc thù như văn hóa, phong tục tập quán, sự bất cập trong cơ chế chính sách, cơ chế quản lý pháp luật hiện hành

PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội, phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo rất vui mừng nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học có hoạt động thực tiễn ở Tây Nguyên, với 28 bài tham luận tham gia đóng góp”

Trong 8 bài tham luận được lựa chon đưa ra trong chương trình hội thảo đã đề cập một cách toàn diện các vấn đề: tình hình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp; tranh chấp sử dụng đất; thực trạng quản lý sử dụng đất; lấn chiếm tranh chấp đất đai, các phương hướng biện pháp giải quyết tranh chấp và giải pháp ổn định đời sống đồng bào dân tộc... góp phần đảm bảo phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Ẩn chứa trong những hình thức tranh chấp đất đai nêu trên là những thực tiễn, những vụ việc tranh chấp đất đai phức tạp mà việc giải quyết không thấu đáo, không dứt điểm có thể dẫn tới những tác động xấu đối với xã hội, với tình hình trật tự an ninh, chính trị trên địa bàn, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bền vững của các tỉnh Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Đình Kỳ - Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên, trình bày quan điểm

Đưa ra quan điểm, PGS.TS Tô Văn Hòa nhấn mạnh “Từ những vấn đề đã phân tích, chúng tôi nhận thấy để giải quyết được tình trạng tranh chấp đất đai, cần đề ra các biện pháp vừa bảo đảm được quyền tiếp cận đất đai của một số đối tượng chủ thể đặc thù của Tây Nguyên ví dụ đồng bào dân tộc tại chỗ, người di cư lên Tây Nguyên theo kế hoạch, những người nông dân đã sinh sống và canh tác đổn định…, kết hợp với những biện pháp quản lý rõ ràng và chặt chẽ trên cơ sở áp dụng pháp luật một cách nghiêm minh, bình đẳng.

Cần kết hợp các biện pháp mang tính chất pháp lý với các biện pháp kinh tế, xã hội, văn hóa trên cơ sở tôn trọng yếu tố lịch sử, phong tụng tập quán”

TS. Cao Thị Lý - Đại học Tây Nguyên, trình bày bài tham luận

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các cơ quan hoạt động thực tiễn của Tây Nguyên như Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy ban dân tộc, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội… để cùng trao đề ra những quan điểm, giải pháp giải quyết tình hình tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên, trong đó chú trọng cách tiếp cận tổng hợp và đa chiều.

Quang cảnh Chương trình hội thảo

Tài liệu Hội thảo và các ý kiến tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia... sẽ là kiến thức, tài liệu quý báu cho công tác giảng dạy, học tập cũng như công tác thực tiễn, hoạch định chính sách, pháp luật, từng bước hiện thực hoá các giải pháp giải quyết vấn đề phức tạp về đất đai tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành trên phương diện quốc gia và quốc tế, mở rộng khả năng công bố các công trình nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như của các cán bộ, giảng viên.

Huyền Ly

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghien-cuu-giai-quyet-triet-de-thuc-trang-tranh-chap-dat-dai-bao-dam-phat-trien-ben-vung-vung-tay-nguyen-a331149.html