Những "con đường tắc" ở TP.HCM: Loay hoay tìm lời giải


Thứ 4, 21/01/2015 | 12:38


(ĐSPL) - Để giải quyết vấn nạn, được coi là "đặc sản" ở các đô thị lớn, TP.HCM tiếp tục "lấy tiền" để thực hiện các công trình giao thông.

(ĐSPL) - Để giải quyết vấn nạn, được coi là "đặc sản" ở các đô thị lớn, TP.HCM tiếp tục "lấy tiền" để thực hiện các công trình giao thông. Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm 2013, TP có 16 công trình giao thông trọng điểm mới, 12 công trình được chuyển tiếp từ năm 2012.

Từ nay đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng của TP.HCM vẫn phụ thuộc vào xe buýt là chủ yếu. Thế nhưng, người dân lại chưa mấy mặn mà với loại phương tiện này.

Trong số này có sáu công trình sử dụng nguồn vốn ODA và sáu công trình sử dụng ngân sách. Tổng số vốn dành cho xây dựng cơ bản là khoảng gần 17 ngàn tỉ đồng. Và tổng số vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, kể cả vốn ngoài ngân sách và vốn ODA năm 2013 mà TP.HCM cần là hơn 145.000 tỉ đồng.

Cũng theo Sở GTVT, trong năm 2014, TP cần khoảng 17 ngàn tỉ đồng, dành cho đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, vốn ngân sách đáp ứng khoảng hơn 7 ngàn tỉ đồng, hơn 2,3 ngàn tỉ đồng là vốn ODA và các nguồn khác là trên 3,6 ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng cần khoảng 4 ngàn tỉ đồng nữa. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan đề xuất vay gần 1,2 tỉ USD từ nguồn vốn của ngân hàng Phát triển Châu Á nhằm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

Một lãnh đạo sở GTVT cho biết, năm 2015, tổng nhu cầu vốn dành cho giao thông là trên 71 ngàn tỉ đồng và đến năm 2020 sẽ là gần 330 ngàn tỉ đồng. Nguồn vốn cho giao thông chủ yếu lấy từ ba nguồn: Ngân sách TP, vốn ODA và các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo vận tải hành khách công cộng giai đoạn 2016 - 2025, sở GTVT cho biết, phải cần tới gần 260 ngàn tỉ đồng. Riêng 5 năm, từ 2016 - 2020 đã cần tới gần 152 ngàn tỉ đồng. Số vốn khủng này đa phần sẽ dành cho đầu tư vào hệ thống METRO và xe buýt nhanh, ước khoảng 233 ngàn tỉ đồng.

Còn xe buýt thường chiếm khoảng gần 26 ngàn tỉ đồng. Theo kế hoạch giảm ùn tắc giao thông của TP, thì năm 2015 sẽ đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách công cộng lên đến 15\% và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Để đạt được con số này vẫn chờ đợi vào năng lực vận chuyển của xe buýt là chủ yếu. Vì METRO phải đến năm 2020 mới đưa vào khai thác nhiều tuyến. Sau đầu tư, với cơ sở hạ tầng hiện có, TP.HCM vẫn loay hoay với bài toán quản lý, tổ chức vận hành giao thông. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu quả giao thông của TP vẫn còn kém. Ví như, hệ thống biển báo và hệ thống điều hành giao thông là một điển hình.

Hơn 5 năm nay, TP đã triển khai cả chục dự án điều hành giao thông với kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng lại mỗi nơi một kiểu. Cuối năm 2012, sở GTVT lắp đặt 14 bảng quang báo điện tử với số vốn đầu tư trên 14 tỉ đồng. Cuối năm 2010, Đài Tiếng nói TP cũng đã lắp 200 camera quan sát giao thông tại các giao lộ thường ùn tắc với kinh phí ước hơn 40 tỉ đồng từ ngân sách. Trước đó nữa, vào đầu năm 2009, TP đã đầu tư xây dựng trung tâm Điều khiển chiếu sáng công cộng với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỉ đồng nhằm kiểm soát, điều khiển từ xa hệ thống đèn đường, đèn tín hiệu giao thông...

Tuy nhiên, ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông số 1, sở GTVT cho biết, các hệ thống trên hoạt động độc lập, không thể kết nối với nhau... gây khó khăn cho việc điều hành. TS. Phạm Xuân Mai, giảng viên trường đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM cho rằng, lẽ ra TP nên chỉ lắp đặt các bảng quang báo ở những tuyến đường cửa ngõ của TP, để người tham gia giao thông biết và chọn hướng đi vào khu vực trung tâm cho phù hợp, và hướng ngược lại. Mặt khác, các bảng này phải thông báo tình hình giao thông ở khu vực xa, chứ không chỉ vài tuyến đường như hiện nay.

Thế nhưng, trên thực tế có nhiều bảng lại đặt ở những chỗ bất hợp lý. Ví như qua cầu Công Lý, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có một bảng. Tuy nhiên, do lúc này, người tham gia giao thông chỉ chú ý tới việc đổ xuống cầu nên không thể nhìn được thông tin. Đó là chưa kể, hàng năm vấn nạn kẹt xe, ùn ứ cũng ngốn một khoản tiền khổng lồ.

Lỗi của ai?

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương MTTQVN, nguyên Đại biểu HĐND TP cho rằng, để xảy ra tình trạng giao thông yếu kém như hiện nay, thì các phương tiện cá nhân không có lỗi gì cả. Lỗi ở đây chính là sự chậm trễ trong quản lý đô thị, trong phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-con-duong-tac-o-tphcm-loay-hoay-tim-loi-giai-a80260.html