Ô nhiễm nguồn nước với phát triển bền vững ở Việt Nam


Thứ 5, 08/08/2019 | 07:56


(ĐS&PL) Nước là sự sống. Những gì xoay quanh sự sống đều phức tạp và nước cũng như vậy. An ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào việc giải quyết

(ĐS&PL) Nước là sự sống. Những gì xoay quanh sự sống đều phức tạp và nước cũng như vậy. An ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề liên quan đến căng thẳng về nước và những rủi ro thiên tai. Trong bối cảnh chất lượng suy giảm và cạnh tranh sử dụng gia tăng, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho thách thức về nước trở nên nghiêm trọng, đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm nhằm quản lý tài nguyên này một cách hiệu quả.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước là nối đe dọa lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế. Hiểm họa này dẫn đến tổn thất 3,5 % GDP hàng năm ở Việt Nam. Thông điệp của Ngân hàng Thế giới (W.B) về an ninh nước nhấn mạnh “....tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước,” (W.B 2019).

Từ thực tiễn diễn ra trên những lưu vực sông và các vùng kinh tế, bài viết đề cập đến nguy cơ ô nhiễm, thực trạng quản lý và giải pháp giảm thiểu dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu và quản lý.

Tổng quan về tài nguyên nước của Việt Nam

Tài nguyên nước là nhân tố quan trọng giúp cho việc định hình và phát triển nền kinh tế. Là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, có mùa đông lạnh; nguồn nước dồi dào cùng với chính sách phát triển hợp lý, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trong vòng 2 thập kỷ.

Nhờ lượng nước có khả năng tái tạo tính theo đầu người hàng năm lên tới 10.200 m3, tài nguyên nước của Việt Nam được đánh giá cao so với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Với 3.500 con sông có độ dài trên 10Km, hình thành 16 lưu vực sông có lượng mưa trung bình trên 2.000mm/ năm , được hỗ trợ bởi gần 7.500 đập trữ và chuyển nước, tài nguyên nước đã góp phần đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia xuât khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Xã hội - Ô nhiễm nguồn nước với phát triển bền vững ở Việt Nam

Với đặc điểm 2/3 tổng lượng nước mặn bắt nguồn bên ngoài lãnh thổ, cùng với mưa, bão bất thường, hơn 70% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi bởi thiên tai liên quan tới nước. Trong quá trình phát triển, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, đất nước vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi tăng trưởng bị kìm hãm do khan hiếm nước, nông dân nghèo vì năng suất dùng nước thấp, lũ lụt và hạn hán phá hủy sinh kế và sức khỏe con người thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm.

Tình trạng căng thẳng về nước được ghi nhận theo mùa với sự bất cân đối giữa cung và cầu. 92% tổng lượng nước khai thác dùng vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp, giao thông và đô thị gia tăng dẫn đến nguy cơ cạnh tranh sử dụng ngày càng lớn. Nếu tiếp tục phát triển đất nước theo hướng hiện hành, căng thẳng về nước sẽ tập trung vào những vùng đang tạo ra tổng thu nhập lớn nhất.

Theo nhiều dự báo, trong 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước đô thị sẽ tăng gấp đôi. Gia tăng nhanh nhu cầu gây áp lực rất lớn cho nguồn nước của các lưu vực sông chính; đặc biệt là ở khu vực Hồng Hà-Thái Bình, ĐB sông Cửu Long và Đồng Nai, nơi gần 2/3 dân số sinh sống và đóng góp tới 80% GDP của cả nước .

Phân tích hiệu quả sử dụng nước cho thấy, mỗi m3 nước ở Việt Nam tạo ra khoảng 2,37 USD giá trị sản phẩm, chỉ bằng 1/10 mức bình quân trên thế giới. Tạo ra nhiều giá trị hơn trên một đơn vị nước sử dụng đang là thách thức rất lớn đặt ra.

Tài nguyên nước đang phải đối mặt với những đe dọa cả về số lượng và chất lượng. Sự phát triển đất nước kết hợp cùng BĐKH đang tạo ra những thách thức to lớn, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước. Theo nhiều tính toán, những thách thức này có thể làm tổn thất tới 6% GDP hàng năm (W.B 2019-2)

Nghịch lý nguồn nước ở Việt Nam là quá nhiều, quá ít và quá bẩn. Nắng nóng, mưa nhiều và tập trung vào những tháng mùa mưa dẫn đến lũ lụt, gây nhiều tổn hại trước hết và nhiều nhất đối với người nghèo. Hạn hán thiếu nước ở nhiều vùng trở nên thường xuyên, đặc biệt khan hiếm nước ngày càng trầm trọng vào những tháng mùa khô. Mặt khác, tình trạng quá nhiều nước thải chưa được thu gom, xử lý đã làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm nước đang nổi lên và trở thành những mối đe dọa. Trong đó, nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Tác động ô nhiễm nước đến sức khỏe con người được dự báo đến năm 2035 sẽ làm suy giảm đến 3,5% GDP hàng năm (W.B 2019-2).

Cho đến nay, khoảng 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước. Trong 326 khu công nghiệp cả nước, có 220 khu xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Đáng lưu ý là, ở 587 cụm công nghiệp, chỉ có 9,4% có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn nước thải của các hộ trong hơn 5.000 làng nghề chưa được xử lý, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được xả thẳng vào hệ thống thóat nước mặt.

Cùng với ô nhiễm nước công nghiệp, vấn đề đáng quan ngại là ngành nông nghiêp đang đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và hóa chất dùng vào sản xuất. Trên 67,6 triệu tấn chất thải chăn nuôi được thải vào môi trường không qua xử lý là nguồn gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Ngoài ra, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất với việc lạm dụng phân hóa hoc và thuốc trừ sâu độc hại càng khiến tình trạng ô nhiễm nông nghiệp ngày một thêm nặng nề.

Đi cùng ô nhiễm nước tràn lan, quản lý dòng chảy từ bên ngoài biên giới vào đất nước đang là một trở ngại không nhỏ với gần 95% lượng nước của sông Mekong và trên 40%của lưu vực sông Hồng có nguồn gốc từ các quốc gia láng giềng.

Là một trong những nước hứng chịu thiên tai lớn nhất khu vực Đông Á -Thái Bình Dương, nhiều dự báo cho rằng, sau năm 2040, lượng mưa toàn quốc vào mùa khô sẽ giảm, ngược lại trong mùa mưa lại đạt mức cực đại và ngành dễ bị tổn thương nhất là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do bất cập về cơ sở hạ tầng và khả năng chống chịu, thiệt hại về kinh tế hàng năm được xác định khoảng 1,5% GDP, sẽ tăng lên 3% vào năm 2050 và lên tới 7% GDP trong năm 2100. Rủi ro thiên tai gánh chịu còn do tình trạng bảo dưỡng kém và nhất là ô nhiễm nguồn nước ngày càng thêm nặng nề (W.B 2019-2).

Diễn biến ô nhiễm nguồn nước với hiểm họa ngày một gia tăng

Ô nhiễm nguồn nước đang nổi lên và trở thành mối đe dọa kinh tế lớn nhất. Phân tích xu thế phát triển toàn cầu nhiều năm qua cho thấy, ít có tác động nào mang lại lợi ích phát triển nhanh và tức thời như cung cấp nước sạch. Trong nửa cuối thế kỷ XIX, tại nước Anh, mặc dù thu nhập trung bình tăng gấp đôi, điều kiện dinh dưỡng và nhà ở tốt hơn, nhưng tỷ lệ tử vong trẻ em tiếp tục gia tăng. Chỉ khi quốc gia này cải thiện đáng kể về chất lượng cấp nước và vệ sinh thì tuổi thọ trung bình và tỷ lệ sống sót của trẻ em mới tăng lên. Xu hướng này cũng đã diễn ra phổ biến ở nhiều nước những năm gần đây (W.B 2019-2).

Ngày nay, Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng phát triển kép do vấn đề chất lượng nước nội tại. Nhiều chất ô nhiễm phát sinh do công nghiệp hóa làm phát sinh dịch bệnh, dẫn đến những rủi ro mới cho năng suất và tăng trưởng. Chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng sợ với dấu hiệu của độc tính phát sinh và tăng mạnh từ các thành phố, khu công nghiệp và trong nông nghiệp. Hiện nay, không còn lưu vực sông nào đáp ứng được tiêu chuẩn ô nhiễm hữu cơ đối với nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới. Dòng chảy của các con sông qua những thành phố lớn bị ô nhiễm nặng. Nước trong lòng đất bị khai thác quá mức dẫn đến gia tăng độ mặn và nồng độ các chất độc hại. Tình trạng này diễn ra cùng với xâm nhập mặn dẫn đến những tổn thất rất nặng nề.

Xã hội - Ô nhiễm nguồn nước với phát triển bền vững ở Việt Nam (Hình 2).

Ô nhiễm nguồn nước trở thành mối đe dọa kinh tế lớn nhất

Nước thải đô thị Việt Nam đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Cùng với nước thải, chất thải rắn phát sinh cũng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với nguồn nước do chôn lấp thiếu vệ sinh và nằm gần các nguồn nước. Trong số 660 bãi rác hoạt động, chỉ có 30,7% hợp vệ sinh; những bãi còn lại không thu gom và xử lý nước thải rác gây ô nhiễm mạnh cả đất và nguồn nước. Số liệu ước tính của Bộ Xây dựng về tỷ lệ thu gom chất thải ở khu vực đô thị năm 2018 đạt 86%; cũng theo Bộ này, khoảng 70% chất thải rắn đô thị được thu gom và chôn lấp, tỷ lệ này đối với khu vực nông thôn còn thấp hơn nhiều (Bộ Xây dựng 2019)

Với nhịp độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu nước công nghiệp gia tăng mạnh đồng thời với mức độ ô nhiễm cao. Độc tính cùng độ phức tạp của chất gây ô nhiễm làm phát sinh nhiều loại nước thải khó xử lý, trong khi hệ thống xử lý nước thải tập trung cả nước mới đáp ứng được 71% nhu cầu nước thải công nghiệp .

Ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tiêu thụ tới 92% tổng lượng nước, hàng năm sử dụng 11 triệu tấn phân bón (90% là phân vô cơ) với mức sử dụng trung bình từ 195kg đến 200kg NPK/ ha. Đáng chú ý là chỉ có 45%-50% lượng phân bón sử dụng hiệu quả, từ 50% đến 55% bị rửa trội. Cùng với phân vô cơ, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu đã lên khoảng 100.000 tấn/năm với các loại thuốc độc tính cao, để lại trong đất và nước nhiều tồn dư hủy hoại môi trường. Phân vô cơ và dư lượng hóa chất để lại thấm sâu vào lòng đất và trên sông ngòi, kênh rạch gây ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, lượng tồn dư trong nông sản cũng tạo nguy cơ độc hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Xã hội - Ô nhiễm nguồn nước với phát triển bền vững ở Việt Nam (Hình 3).

Hình ảnh ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam

Lạm dụng phân bón vô cơ là tác nhân chính làm gia tăng nhanh ô nhiễm ni tơ và phot pho ở những vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm sử dụng tràn lan dẫn đến hiệu quả kiểm soát thấp, đồng thời gây hại cho động vật hoang dã và sức khỏe con người. Thực tế diễn ra còn cho thấy, trồng trọt là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 ở Việt Nam. Điều chỉnh việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm và tạo thu nhập cao hơn trong sản xuất nông nghiệp (W.B 2019-2 Tr.46)

Phân tích những hoạt động liên quan đến nguồn nước gây hại cho nền kinh tế và môi trường, giới nghiên cứu nhận thấy, các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học đang bị đe dọa do phá rừng và sử dụng đất ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn của nước. Tình trạng này đã đẩy môi trường Việt Nam tới ngưỡng giới hạn chịu đựng, đòi hỏi chiến lược quốc gia phải tập trung vào sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bền vững, thích ứng với BĐKH thông qua chính sách các bon thấp, quản lý rủi ro thiên tai và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước hiện là một trong những thách thức lớn nhất. Tổn hại cho nền kinh tế của nước thải chưa được xử lý rất cao và theo chiều hướng gia tăng. Do nước thải công nghiệp không qua xử lý đổ vào, tại Cần Thơ (thuộc ĐB sông Cửu Long), sản lượng lúa đã giảm tới 12% vào cuối thập niên 2010. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới còn cho thấy, với sản lượng chiếm tới 30% lượng gạo làm ra của mười tỉnh bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ sụt giảm 3,6% giá trị sản lượng và GDP toàn vùng hàng năm giảm khoảng 0,8%. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng nông nghiệp, nước thải không qua xử lý còn gây hại cho sức khỏe con người, làm giảm năng lực làm việc và tỉ lệ tử vong cao, kéo theo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế (W.B 2019-2 tr. 47).

Tác động của suy giảm năng suất lao động và gia tăng chi phí y tế đã được W.B đánh giá qua mô hình tính cân bẳng tổng thể. Phân tích đã chỉ ra, sự khác biệt giữa các kịch bản không có hành động (với 12,5% lượng nước thải đô thị được xử lý) và có hành động điều chỉnh ( 100% nước thải đô thị được xử lý). Theo kịch bản không hành động, GDP năm 2035 ở mức -3,5% so với phát triển bình thường. Ngược lại ở kịch bản hành động GDP đạt cao hơn 2,3%. Kết quả phân tích còn cho thấy, khi tính đến toàn bộ chi phí xử lý nước thải, tác động tích cực đến nền kinh tế là rất đáng kể, đạt chênh lệch 5,8%GDP và trong ngành nông nghiệp lên tới 9,5% (W.B 2019-2 Tr.48).

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước từ góc nhìn nghiên cứu và quản lý

Chương trình cải cách toàn diện về xử lý nước thải đô thị và khu công nghiêp đã được Chính phủ phê duyệt trong Nghị định 88/2007/NĐ-CP ban hành năm 2007 và được thay thế bằng Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải ngày 06 thang 8 năm 2014. Tuy nhiên, trong thực thi, tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn theo chiều hướng gia tăng. Những hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước được thể hiện rõ trên các mặt về nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và ở các làng nghề; ô nhiễm do hóa chất và phân bón dùng trong nông nghiệp; kết nối thấp trong mạng lưới thoát nước; bỏ qua khả năng tái sử dụng nước thải; hệ thống pháp lý kém hiệu lực thực thi...

Từ góc nhìn nghiên cứu, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Viêt Nam cho rằng, lĩnh vực quan trọng cần nghiên cứu là phải xác định vì sao cấu trúc pháp lý và khuyến khích lại chưa hiệu quả? nhằm làm rõ hành động có tác động lớn đến tình trạng ô nhiễm.

Theo giới phân tích, dịch vụ xử lý nước thải là loại dịch vụ công, phần lớn được cung cấp và chi trả từ các cơ quan chức năng nhà nước, có rất ít nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm bỏ vốn vào thị trường mang lại lợi nhuận còn hạn chế này.

Xã hội - Ô nhiễm nguồn nước với phát triển bền vững ở Việt Nam (Hình 4).

Các nhà nghiên cứu nhận xét, mức độ thương mại hóa thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải công nghiệp được đánh gia đúng sẽ mang lại một phần thu nhập đáng kể. Đánh giá đúng mức vấn đề này sẽ giúp tìm ra mô hình kinh doanh có thể sử dụng và những cải cách pháp lý cần thiết để củng cố và huy động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thỏa thuận đầu tư công. Theo đó, tái sử dụng nước trong công nghiệp có thể biến nước thải thành cơ hội kinh doanh thương mại dưới các hình thức đầu tư của các tổ chức công-tư theo thỏa thuận PPP.

Nhằm ứng phó với xu thế ô nhiễm nguồn nước ngày càng mở rộng ở đô thị và nông thôn trong quá trình phát triển, kinh nghiệm học hỏi rút ra từ nhiều quốc gia cho thấy cần có những cải cách để thực thi khung pháp lý, cải thiện giáó dục và áp dụng những ưu đãi cần thiết.

Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, tập trung vào cung cấp các lựa chọn kỹ thuật tốt hơn với những sửa đổi cơ chế khuyến khích hành vi không xả thải. Các chương trình của chính phủ nhằm vào thúc đẩy thực hành tốt, nhưng vẫn cần có những giám sát và cưỡng chế, hỗ trợ hợp tác liên ngành để nhân rộng những mô hình tốt, giảm thiểu ô nhiễm.

Học hỏi cách tiếp cận sáng tạo để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước từ các quốc gia phải đối mặt với những thách thức tương tự là việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả quản lý. Hướng tiếp cận này tập trung vào những nội dung giám sát và trách nhiệm giải trình, các thể chế tài chính hỗ trợ đầu tư và giảm thiểu nguồn thải phi tập trung.

Để nâng cao khả năng sáng tạo trong hoạt động giám sát và trách nhiệm giải trình, cần phát triển chỉ số sức khỏe nguồn nước (SKNN). Chỉ số SKNN cho phép theo rõi dễ dàng mức độ thay đổi chất lượng nước. Kết hợp cùng các yêu cầu về nước cho hệ sinh thái, chỉ số này được dùng để giám sát chất lượng nước theo yêu cầu bảo vệ môi trường. Điều cốt lõi trong xem xét tác động chất lượng nước đến hệ sinh thái là việc quản lý chất thải rắn. Cần coi quản lý chất thải rắn như một phần của quản lý bền vững tài nguyên nước để; phân loại, xử lý chất thải thành năng lượng hoặc nhiên liệu .

Về trách nhiệm giải trình, chính quyền địa phương trong các lưu vực sông có vai trò quan trọng, Chính quyền tỉnh và UBND các cấp có trách nhiệm quản lý ô nhiễm và xử phạt cần tăng cường trách nhiệm giải trình với việc giao cho kiểm soát trưởng sông ngòi địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước.

Hiện nay, trách nhiệm thực thi quy định luật pháp đều nằm ở các cơ quan hành pháp, Kinh nghiệm rút ra ở nhiều nước cho thấy, xã hội dân sự, thậm chí là công dân được quyền khởi kiện là nhân tố quan trọng để thúc đẩy thực thi luật pháp bảo vệ môi trường. Do vậy, cần bổ sung một số điều khoản cụ thể vào khung pháp lý để khuyến khích, cho phép xã hội dân sự thực thi các quy định đối với ô nhiễm nước.

Ở một số quốc gia, giao dịch chất lượng nước đã có những thành công trong giảm ô nhiễm từ nguồn nước không tập trung với việc giảm chi phí thủ tục hành chính. Cơ chế tài chính sáng tạo hỗ trợ đầu tư giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước phi tập trung là vấn đề nổi bật. Tại Hoa Kỳ nguồn thải phi tập trung chiếm từ 68% đến 73% tổng tải lượng ô nhiễm. Song ô nhiễm từ nguồn thải này lại rất khó kiểm soát nếu chỉ dựa vào công cụ luật pháp. Các phương pháp định hướng thị trường tạo thuận lợi cho việc chi trả giữa nhà cung cấp dịch vụ và người hưởng lợi. Tiếp cận thị trường bao gồm những giao dịch chất lượng nước, chi trả dịch vụ hệ sinh thái và quỹ nước có thể giúp đạt chất lượng cao và giảm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái có thể điều chỉnh ưu đãi trong quản lý tài nguyên thiên nhiên; cách tiếp cận này đã được thử nghiệm ở Việt Nam khi người thụ hưởng hoặc sử dụng một dịch vụ của hệ sinh thái thanh toán trực tiếp hoặc gián tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong ngành nước, dịch vụ hệ sinh thái được thực hiện khi người sử dụng nước hạ nguồn trả tiền cho cho các cộng đồng ở thượng lưu để quản lý và kiểm soát ô nhiễm đầu nguồn nhằm duy trì chất lượng nước tốt.

Quỹ nước cung cấp phương tiện tài trợ đầu tư vào khu vực môi trường nhạy cảm nhằm thay đổi hoạt động của nguồn nước. Quỹ nước được hình thành xung quanh một loạt cơ chế chi trả, bao gồm phí hoặc các khoản người sử dụng nước được hưởng lợi phải đóng góp. Bằng cách đặt trách nhiệm tài chính cho ngươì được thụ hưởng dịch vụ mong muốn, các quỹ nước sẽ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Theo hướng tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ quan quản lý nhà nước phải ký hợp đồng với các công ty môi trường để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nước. Hợp đồng quản lý đảm bảo chất lượng môi trường của các lưu vực sộng với nhiều lựa chọn giúp doanh nghiệp ở nhiều quốc gia tuân thủ tốt tiêu chuẩn chất lượng. Cơ chế này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành tiêu chuẩn nước đồng thời giảm được gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp.

Thay lời kết luận

An ninh tài nguyên nước trong phát triển bền vững phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tình trạng căng thẳng về nước, suy giảm nhanh chất lượng nước, những rủi ro thiên tai và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Về những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng“Cùng với áp lực gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt” . Ông nhấn mạnh “Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển, nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.”( W.B 2019)

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, cần nhận thức rõ nước là nguồn tài nguyên quý giá duy trì sự sống, thúc đẩy thịnh vượng và tăng cường tiện nghi cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Bằng cách cân nhắc những đánh đổi, coi trọng giá trị của nước có thể cân bằng được nhiều mục đích sử dụng và dịch vụ do nước cung cấp một cách bền vững và công bằng.

Ô nhiễm nguồn nước là một rủi ro to lớn, việc quản lý tài nguyên nước hiệu quả có thể mang lại cơ hội để biến rủi ro thành khả năng thích ứng, thành phúc lợi và hệ sinh thái đang suy thoái trở nên bền vững hơn. Hy vọng những nhìn nhận khách quan của W.B, một đinh chế tài chính toàn cầu, về ô nhiễm nguồn nước đối với phát triển bền vững sẽ là tài liệu tham khảo có ích đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển nước nhà./.

TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/o-nhiem-nguon-nuoc-voi-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-a287797.html