+Aa-
    Zalo

    Phận người sau 'bão đất'

    ĐS&PL Giá đất Thạch Thất hiện đang lên từng ngày và đang được nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra các lời cảnh báo

    Giá đất Thạch Thất hiện đang lên từng ngày và đang được nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra các lời cảnh báo. Câu chuyện này lại làm chúng tôi nhớ lại thời “sốt đất” cùng hệ lụy đã xảy ra với “huyện bạn” Ba Vì trong nhiều năm về trước cùng những ghi nhận để đem đến cho các bạn thêm thông tin cho mình.

    Hết “sốt” là… “rét”!  

    Đầu tháng 3 vừa qua, một tập đoàn lớn có văn bản gửi gửi UBND huyện Thạch Thất đề xuất tham gia thực hiện 2 khu đô thị dự kiến là 200 ha nằm giáp Khu công nghệ cao Hòa Lạc và 300 ha nằm giáp với huyện Quốc Oai, cách đường đại lộ Thăng Long 500 mét…

    Sau khi văn bản này được công khai, truyền thông loan tin rộng rãi, giá đất tại huyện Thạch Thất bắt đầu tăng, nhất là ở những vị trí gần với các khu đô thị mà tập đoàn trên đề xuất thực hiện. 

    Tuy đây mới là đề xuất nhưng vì lợi nhuận, vì sự “đi trước đón đầu”, thổi giá, kiếm lợi nhuận mà nghìn người, trăm nẻo đã đổ về đây. Giá đất lên từng ngày và đang được nhiều chuyên gia bất động sản đưa ra các lời cảnh báo. Câu chuyện này lại làm chúng tôi nhớ lại vụ “sốt đất” cùng hệ lụy đã xảy ra với “huyện bạn” Ba Vì trong những năm về trước.

    Đến thời điểm này, tuy Thạch Thất đất lên giá từng ngày nhưng thị trường bất động sản Ba Vì dường như vẫn đang ngủ vùi. Các văn phòng giao dịch nở “như hoa” một thời nay chỉ lác đác còn tồn tại, người dân đã hết thời “toàn dân làm cò đất”, thay vào đó là những nỗi buồn đang ủ trong các xóm thôn.

    Đó là nỗi buồn mất đi đất canh tác. Đó là nỗi buồn của tan nát về tình cảm gia đình, xóm thôn. Đó là nỗi buồn của không ít người dân chót “đánh bạc” với “cơn sốt” đất để nay mang một gánh nợ chẳng đáng có trên đầu, không biết đến bao giờ mới trả được.

    Ngã ba Khoang Xanh – Thiên Sơn – Suối Ngà, một thờ được coi là tâm điểm của “sốt đất”, tìm mãi chúng tôi mới kiếm được một văn phòng môi giới, giới thiệu nhà đất. Đập vào mắt chúng tôi là một ông cụ quắc thước đang ngồi vá và sửa lại chiếc xe đạp cũ cho khách. Nhìn lại, hóa ra dưới cái biển văn phòng môi giới, giới thiệu nhà đất ngả mầu sơn kia đã được đính thêm cái biển: Bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy. Thấy chúng tôi vào, ông cụ không biểu hiện sự xăng xái nào cả.

    Đìu hiu những dịch vụ mua bán nhà đất sau hậu “sốt đất”

    Cậu bạn tôi cất giọng chào chúng tôi đã bị ông cụ xa xả: Nó bỏ đi rồi. Các anh làm ăn với nhau, hậu họa tự chịu lấy. Bao giờ nó về thì đến mà tiền nong. Đất này là đất của tôi, không lấy được đâu. Lấy là tôi băm cho nát xác đấy.

    Bị “đánh đòn” bất ngờ, chả hiểu nguồn cơn ra sao, cậu bạn định bỏ đi, tôi kéo cậu nán lại. Sao cụ lại chửi cháu?! Thế các anh không phải là cái toán người hôm nọ à? Toán nào, tôi hỏi? Biết không phải người gây khó cho mình, cụ có vẻ đỡ bực, rồi bộc bạch: Hôm trước, có cái toán buôn bán đất đai nào đó với thằng con tôi kéo lên. Chúng nó bảo con tôi nợ tiền chúng nó. Không có tiền trả chúng nó lên dỡ nhà, lấy đất để bán chia nhau.

    Thú thực với các anh, trước đây, thấy người ta bảo Thủ đô Hà Nội sắp chuyển lên đây – ông cụ tiếp. Thế là người ta ở đâu đấy kéo lên, đông lắm, tìm đất để mua. Thằng con tôi trước cũng nông dân thôi, có biết đất đai, bán mua gì đâu. Nhưng nhà có cái quán, người ta lên đây hay tìm vào uống nước. Rỗi việc đồng ruộng, nó ra ngồi hóng hít. Thế là thấy người ta nhờ việc. Nào là tăm tia chỗ nọ, chỗ kia xem đất đai thế nào rồi điện cho họ. Mua được, người ta trả thù lao.

    Vì dân thổ cư, ai nhiều đất, ai ít đất thằng con tôi đều biết cả. Thế là từ đó, tối đến nó không cám bã lợn gà giúp vợ con nữa. Đồng áng cũng chả thèm làm. Nó lượn khắp xã để tăm tia đất. Rồi điện thoại, có hôm người ta điện cho nó, nó điện cho người ta đến 21 – 22 giờ vẫn không ngớt. Vợ chồng tôi mất cả ngủ, sụt cả cân vì cái việc điện thoại của nó.

    Thế rồi nó cũng giới thiệu cho người ta được 1 số miếng đất. Người ta lên, nó đưa đi rồi lại kéo nhau về nhà, bia mở bôm bốp để khao nhau và cho tiền nó. Thế rồi tôi thấy nó bàn với vợ. Làm cái khoản này hời lắm. Thế nhưng mình chỉ môi giới thì chả bõ bèn gì. Theo nó tính, nó sẽ xuống mấy đứa bạn thân, đang làm ăn được để hùn vốn. Nó sẽ đứng lên mua, rồi thành chủ đất, rồi có khách thì làm giá bán thẳng kiếm lời chứ không làm theo cái kiểu nối cầu này.

    Rồi nó đi, gặp bạn, chẳng hiểu nó nói ngang nói dọc gì mà bọn kia góp tiền thật. Có lần nó ôm về cả bọc tiền, trông xanh hết cả mắt. Đời tôi chưa bao giờ thấy được số tiền lớn đến như vậy. Thấy tiền nhiều quá, tôi chỉ bảo nó, làm gì thì làm, mình nông dân cả đời nó quen rồi, nhưng như thế nó lành. Không cẩn thận là công an đến bắt đấy con ạ.

    Thằng con tôi nó cười, nó bảo bố cẩn thận toàn chuyện không đáng có. Giờ là thời của bọn con. “Có chí làm quan, có gan làm giầu”. Nếu mua bán cứ thuận như thế này, chả lâu nữa con đưa bố mẹ xuống hồ Hoàn Kiếm ở.

    Nó cứ bán cứ mua đơn thuần thì không phải bỏ đi mà lánh nạn như hiện nay. Đây nó tham quá, mua rồi gom để đấy, cứ nghĩ rằng đất còn lên nữa. Ai ngờ, soạch một cái, đất tụt. Bán trả ai mua nữa. Mà có bán thì cũng không bù được giá gốc mình đã bỏ ra. Tụi bạn góp vốn nó thấy giá đất ở Ba Vì hạ, lợi nhuận không có cho sự hùn vốn. Thế là đòi. Đất có bán được đâu mà đòi. Mà nếu có bán được cũng không đủ trả cơ. Thế là thằng con tôi sợ quá đi đâu đó, chắc đi để trốn nợ tụi bạn thôi.

    Hôm nọ mấy thằng bạn nó lên. Rất căng thẳng bảo tôi: Nếu con bác không trả tiền chúng cháu thì chúng cháu đành phải lấy nhà đất này để bán. Chúng cháu đâu có tiền, toàn tiền đi vay cả thôi. Giờ lãi mẹ đẻ lãi con, chúng cháu cũng sắp phá sản bởi thằng con bác. Tôi bảo, chúng mày tự làm tự chịu. Nhà này của tao, đứa nào lấy tao băm cũng vô tội. Cứ thỉnh thoảng chúng nó lại lên để dọa. Khổ thế đấy.

    Sứt mẻ tình làng, thiếu đất mưu sinh

    Lên Ba Vì khi cơn “sốt đất” vào kỳ lắng dịu, tôi nghe đủ chuyện buồn. Ngoài các đại gia, cò đất chịu những quả đau về hậu “sốt đất” ở đây thì thương nhất của tôi vẫn là những người nông dân.

    Với những giọt nước mắt ngậm ngùi, ứa ra từ khóe mắt già nua, bà Cấn Thị Thành sụt sùi: Chả biết giầu có gì nhưng “sốt đất” một thời ở đây đã làm tan tác cả xóm làng các anh ạ. Làng tôi ngày xưa, khi chưa có cơn “sốt đất” người ta mặn mà với nhau lắm. Thế nhưng từ ngày “sốt đất”, đất đai có giá trị, tấc đất tấc vàng, nên người ta tranh nhau từng mét vuông đất bờ rào. Đâu đâu cũng thấy đất nhà tôi đến đây, đất nhà ông đến kia. Rồi chửi nhau. Rồi từ mặt nhau.

    Ngày xưa ở cái xã đá sỏi của tôi có bao giờ như vậy đâu. Bờ rào nhà này cách bờ rào nhà kia đôi khi chỉ là luống rau ngót. Đất lên giá, họ huỳnh huỵch mua gạch cát về xây. Xâm lấn, chửi bới, cãi lộn suốt tháng ròng. Cũng vì cái tệ này mà nhiều người già đi chợ, thay cho ngày xưa chao tát, mời nhau khẩu trầu, đĩa bánh đúc thì nay cứ nhìn thấy nhau là nhổ nước miếng phì phì.

    Trong việc rạn nứt tình làng, nghĩa xóm, tình thâm giao vốn có của làng quê Việt Nam thì cũng do cơn “sốt đất” không đáng có này mà nhiều gia đình cũng lâm cảnh khốn cùng về nghĩa cha con, vợ chồng.

    Đợt lên này, tôi cũng nghe một chuyện khá mủi lòng của gia đình bà V. Vợ chồng bà này xưa nghèo khó lắm. Cái mảnh đất dưới chân núi Tản Lĩnh của nhà bà vốn là đất hoa mầu, trồng cây sắn là chủ yếu. Quê bà cũng đã nổi tiếng với nghề này, sắn đã cứu dân khỏi những bữa đói no. Thế nhưng trồng sắn, lại do quỹ đất hạn chế nên gia đình bà cứ đói kém mãi.

    Cách đây 4 năm, không thể chịu đựng nổi với một nền kinh tế theo kiểu “chân giẫm, chân xóa” do cây sắn mang lại nên đứa con lớn của ông bà đã “Nam tiến”, vào Bình Dương mưu sinh bằng nghề may vá. Nó đi, sau khi đã “ấm chân” ở quê mới, nó đã đưa nốt 3 đứa em còn lại cùng vợ con nó vào trong. Hai vợ chồng bà đành côi cút dưỡng già dưới chân núi Chàng Rể.

    Không có “sốt đất” thì chả sao. Quy hoạch được đưa ra, lấy ý kiến, bao cơ quan ban ngành đắn đo thì tung tóe ra cái chuyện “sốt đất”. Thông tin này được loan qua các phương tiện thông tin đại chúng, các con bà biết được. Thế là thằng con đùng đùng thuê xe chạy ra tận quê rồi bắt ông bà chia để bán, kiếm chút vốn vào trong xây dựng quê mới.

    Ban đầu ông bà cũng lên tiếng khuyên can, rằng đất có lên, nhưng còn đất là còn nhà, còn cuộc sống, có cái để mưu sinh lâu dài. Thương thảo lên xuống, vì lợi ích và vì cái tệ “sốt đất”, đầu tiên mấy đứa con còn gọi ông bà là bố mẹ. Tuần sau, căng thẳng được dồn lên, không ngại ngần chúng đã xưng ông tôi với bố mẹ. Rồi lạnh nhạt, rồi chửi nhau, để an toàn cho cái tuổi già, ông bà đã đành phải xuống nước, nhường quyền cho chúng nó.

    Thế là mảnh đất, cả đất ở đến đất canh tác liền kề hơn nghìn m2 đã được chia làm 6 phần. Để có tiền, chúng nó đều dành phần đất ở mặt giáp con đường liên thôn cả. Ông bà do yếu thế, lại để yên thân nên đành “rút quân” vào miếng đất lép phía trong.

    Thế là chúng gọi người đến bán rồi gói tiền vào người “Nam tiến” tiếp. Giờ còn 2 ông bà, đất canh tác chẳng còn bao nhiêu đang quắt quay với cuộc sống. Tệ nhất bây giờ là chuyện đi lại. Vì nhà nằm phía trong, phía ngoài đất đai của mình đã bị con cái hóa giá nên ông bà đành phải đi nhờ trên mảnh đất nhà mình (giờ đã của người ta) với một lối dẫn tin hin, lọt vừa 2 bờ vai gầy.

    Vì “sốt đất”, vì lợi nhuận trước mắt nên dân ở Ba Vì nhiều nhà đã bán đổi bán tháo đất. Bà Thắm, nhà ở Yên Bài ngậm ngùi: Chết dở đấy anh ạ. Dân tôi đây thuần nông, sống chỉ nhờ đất rộng. Do “sốt đất”, nhiều nhà trong xã bán đổ bán tháo. Giờ đất chẳng ai mua, để không đấy hoang hóa mà dân cũng chẳng có đất để mưu sinh.

    Do “sốt đất”, nhiều diện tích đất mưu sinh của người dân đã được hóa giá, xây tường bao, tạo ra ảnh hưởng lớn đến quỹ đất sản xuất sau này.

    Đi trong nhiều xã của huyện Ba Vì tôi thấy dân ở đây đang đối diện với một nguy cơ là thiếu đất sản xuất. Ngay như nhà bà Thắm, gia đình có 5 người, trông chờ vào 7 sào đất. Bị cơn “sốt đất” kéo vào, nhà bà đã bán đi 5 sào. Nay chỉ còn 2 sào kể cả đất ở và canh tác.

    Tiền bán đất, xây được cái nhà, mua sắm vài thứ vật dụng, số còn lại để hàng ngày lại “véo” vào cho chuyện gạo cháo của 5 cái miệng. Bà bảo, cứ cái độ này, chả mấy nữa chúng tôi lại đi làm thuê. Lại giống cảnh nông dân bán đất ở mấy vùng nông thôn dưới Hà Nội cũ thôi.

    Con đường từ Tản Lĩnh của tôi trở về chợt dài thượt. Những mảnh đời nông dân sau hậu “sốt đất” cứ đeo đẳng suốt hành trình.

    Đơn Thương/Sức khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-nguoi-sau-bao-dat-a317149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.