Sẽ sửa đổi mức hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi


Thứ 7, 02/03/2019 | 02:02


Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cung cấp thêm thông tin liên quan tới diễn biến dịch tả lợn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cung cấp thêm thông tin liên quan tới diễn biến dịch tả lợn châu Phi. 

Xã hội - Sẽ sửa đổi mức hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2018 cả nước sản xuất tăng 5,3 triệu tấn thịt các loại, về trứng tăng 3,9 lần, sữa tươi tăng 16,5 lần so với năm 2005. Nhưng chăn nuôi nước ta đối diện nhiều khó khăn, chăn nuôi nhỏ lẻ, khó khăn.

Về tình hình dịch tả lợn châu Phi trên thế giới, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, hiện có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị dịch tả lợn châu Phi, trong đó Trung Quốc có 110 ổ dịch, 28 tỉnh, thành phố có gần 1 triệu con lợn bị tiêu huỷ. Nhiều nước chăn nuôi ở châu Âu cũng có, Nga thiệt hại gần 1 tỷ USD, Mông Cổ có 10 ổ dịch tại 6 tỉnh.

Tại Việt Nam, theo ông Phùng Đức Tiến, việc ngăn chặn dịch bệnh, xử lý gặp khó khăn do hệ thống biên giới dài, đường mòn lối mở nhiều, kiểm soát khó. Hơn nữa lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam lớn. Đặc biệt, thời gian qua đúng dịp Tết cổ truyền nên hoạt động thương mại gia tăng, hoạt động giết mổ vận chuyển tăng, giá lợn cao, do đó không ít người dân không tự giác, khi lợn ốm chết vẫn đem bán tận dụng.

Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không lây trên người nên nhiều hộ dân “bán chạy, bán chui”; trong khi dịch lây qua nhiều hình thức như vận chuyển, tiếp xúc, thức ăn, nước uống, vật tư, động vật trung gian…

Ví dụ như ngày 1/2, dịch xảy ra tại Trung Nghĩa, Hưng Yên, nhưng chỉ đến ngày 27/2, dịch xảy ra ở 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Nam.

Tổng lợn mắc bệnh hơn 2.400 con, tổng trọng lượng trên 172 tấn, gây hậu quả nghiêm trọng cho các hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh…

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ kịp thời có Công điện, triển khai Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh và đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể để ngăn chặn dịch bùng phát.

Về giải pháp khắc phục, khu trú, giảm thiệt thại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, trong Chỉ thị 04 của Thủ tướng vừa qua đã có các kế hoạch hành động chi tiết, trong đó Bộ NN&PTNT phải kiểm tra thực tế tận cơ sở ở 6 tỉnh thành, trực tiếp kiểm tra quyết liệt cùng các địa phương thực hiện các phương án.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc phòng chống dịch đang có 2 bất cập. Thứ nhất là việc sát nhập các đồn thú ý tại các huyện với các đơn vị bảo vệ thực vật thành một trung tâm dịch vụ đã khiến lực lượng giám sát dịch bệnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức phòng chống dịch nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng…

Ngoài ra, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì mức đền bù là 38.000 đồng/kg, nhưng ở nhiều địa phương lại thực hiện đền bù thấp hơn, trong khi đó thủ tục tương đối phức tạp nên nhiều tháng sau mới thu được tiền, khiến nhiều hộ gia đình bán chui.

Nói thêm về vấn đề giá hỗ trợ người dân bị thiệt hại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ sửa Nghị định 02/2017/NĐ-CP theo hướng đền bù giá bằng 70% giá trị trường.

“Nhưng điều quan trọng là phải cải cách thủ tục hành chính, tính giá đền bù sao cho cho người dân tự giác, tự báo tiêu huỷ, nếu rẻ quá thì sẽ không hỗ trợ thiệt hại được cho dân”, người phát ngôn Chính phủ nói.

Hương Dịu/Báo Hải quan

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/se-sua-doi-muc-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-lon-bi-thiet-hai-do-dich-ta-lon-chau-phi-a264876.html