Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc!


Thứ 7, 27/07/2019 | 07:51


Tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày 27/7 hàng năm là dịp khơi dậy chủ nghĩa anh hùng, khát vọng dân tộc và phát huy những giá trị vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh.

(ĐS&PL) "Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Câu thơ ấy, gợi nhớ trong ta hành trình Nam tiến vĩ đại của tổ tiên. "Mang gươm đi mở cõi" không chỉ nói về những cuộc hành quân phải tuốt gươm, ngựa xéo mà còn nói về quá trình chinh phục thiên nhiên chốn hoang sơ nhiều mãnh thú buổi ban đầu. Đó là truyền thống anh hùng bất khuất, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong những cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nói như Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu thì đó là hành trình đỏ của lối sống hòa đồng và chinh phục thiên nhiên không biết mệt mỏi của bao thế hệ người Việt cho đất nở hoa; Là công cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước thấm đượm bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của đồng bào, chiến sĩ bao thế hệ; Là sự hi sinh anh dũng "vị quốc vong thân" của bao thế hệ anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho non sông thống nhất vẹn toàn. Sự hi sinh lớn lao đó đã khiến mỗi tấc đất này không chỉ là tấc vàng mà còn là tấc lòng của nhân dân ta mà con cháu muôn đời phải gìn giữ vẹn toàn! Tất cả làm nên hành trình "Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc!".

Một tác phẩm của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Ngày 3/11/2010, người viết bài vinh dự được thụ giáo Giáo sư Vũ Khiêu về cuốn sách mới hoàn thành nói về cuộc trường chinh vĩ đại trên với nhan đề: "Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc!". Cầm cuốn sách dày hơn 400 trang, Giáo sư đã đề tặng tôi rồi bắt đầu chia sẻ về tinh thần chính của cuốn sách mà ông đã gắng sức hoàn thành trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

"Hơn ba trăm năm cuộc hành trình vạn lí từ Bắc vào Nam không phải là một cuộc du ngoạn thong dong, một cuộc hành hương êm ả về một miền đất hứa mà ở đó sự phồn vinh đang chờ đón con người. Biết bao mồ hôi, biết bao xương máu và nước mắt nữa đã trải dài theo dãy Trường Sơn và đổ xuống trên mảnh đất này. Sự phát triển và luôn luôn đổi mới của cả thiên nhiên, xã hội và con người đã khiến nơi đây trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của đất nước, xứng đáng là một đầu tàu trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đó là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã biến mảnh đất hoang vu thành một vùng trù phú về mọi mặt. Chính nơi đây, biết bao nhiêu phẩm chất tinh thần cao quý đã kết tinh lại ở con người nơi đây, bổ sung thêm và làm rạng rỡ thêm nền văn hiến lâu đời của dân tộc...", Giáo sư Vũ Khiêu tâm sự.

Giải thích từ khởi nguồn của "Văn hiến Thăng Long", Giáo sư đồng tình với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khi cho rằng: Đất Ðồng Nai tiêu biểu cho cực nam nói chung, tất cả một vùng rộng lớn từ lưu vực sông Ðồng Nai qua lưu vực sông Vàm Cỏ và Cửu Long, đến tận sông rạch chi chít của Bạc Liêu, Cà Mau, không đâu là không ngày đêm "thương nhớ đất Thăng Long".

Từ xa xưa, dân lưu tán vào nam không chỉ xuất xứ từ Thăng Long mà họ đến từ vùng Ngũ Quảng, theo thời cuộc, tiến dần xuống phương nam và trong gia phả còn lưu giữ cho đến nay, số đông dân cư ở lưu vực sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn, sông Ba...Số người từ ven biển Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ vào nam không nhiều, bởi vượt biển đầy may rủi. Thế mà, định cư ở phương nam, tất cả đều hồi hướng về Thăng Long, Lâm Thao, Mê Linh, Hoa Lư như nhắc đến cội nguồn Đất Việt, mà Thăng Long là Trung tâm.

Trước Thăng Long, chế độ đô hộ của phương Bắc đã từng lấy Long Biên làm trị sự Giao Châu và gọi đó là Ðại La. Lý Thái Tổ, trong Chiếu dời đô viết, năm Canh Tuất (1010), đánh giá Thăng Long: "Ở vào nơi trung tâm đất trời; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Ðã đúng ngôi Nam Bắc Ðông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Ðịa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".

Giáo sư Vũ Khiêu chỉ ra rằng, không chỉ một lần chúng ta "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã làm nên lịch sử, mà sự thực Trường Sơn đã chứng kiến bao nhiêu lần những đoàn người từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Vào Nam để mở ra một lối đi cho cuộc sống của bản thân và cũng từ đó, khách quan mở ra một chân trời rộng lớn cho sự phát triển của dân tộc.

"Trường Sơn đã chứng kiến cuộc hành quân oanh liệt của Quang Trung cùng đồng bào miền Nam đi ngược ra Bắc để cùng toàn thể nhân dân đánh đuổi quân xâm lược và thống nhất non sông. Trường Sơn cũng chứng kiến sự ra đi của những đoàn quân Nam tiến để chiến đấu bên cạnh đồng bào miền Nam chống quân xâm lược Pháp những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám. Trường Sơn không chỉ tụ lại ở một nơi làm mảnh đất vạn đại dung thân cho chúa Nguyễn, mà là một bản trường ca về ý chí thống nhất, về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng Việt Nam...", Giáo sư phân tích.

Từ đó Giáo sư cho rằng, những giá trị của nền văn hiến dân tộc được hình thành từ thời dựng nước của vua Hùng mà tiêu biểu là đất Thăng Long là di sản quý báu nhất, là truyền thống bền vững nhất, là cơ sở cho những phẩm chất tinh thần tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Tất cả đã được kết đọng qua ngàn năm văn hiến Thăng Long.

Kiến giải về "Thành đồng Tổ Quốc", Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: Những truyền thống đã tạo nên nền văn hiến của dân tộc không bao giờ chỉ sinh ra một lần rồi trở thành bất biến. Sức mạnh của truyền thống là ở chỗ nó không chỉ được tiếp nối mà còn luôn luôn được nâng cao và đổi mới.

Những phẩm chất tinh thần ấy đã bộc lộ ở con người Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nét phong phú và độc đáo. Đó là ý chí kiên cường và bất khuất trong sản xuất và chiến đấu, là tình yêu thương và lòng nghĩa hiệp trong quan hệ giữa người và người, là tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm trước mọi khó khăn, là những ứng xử cao đẹp đầy ý nghĩa văn hóa. Sẽ là không đúng nếu coi đây là những phẩm chất riêng biệt của con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh mà không thấy đó là di sản tinh thần chung từ ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Tác giả bài viết lưu niệm bên Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Buổi nghe Giáo sư Vũ Khiêu thân mật tâm sự tiếp nối trong dòng cảm xúc sâu lắng khi Giáo sư nói về những truyền thống anh hùng bất khuất, những tấm gương trí thức tiêu biểu và sự hi sinh to lớn của bao thế hệ trong hành trình từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc!

Đó là cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"; Đặng Huy Trứ tấm gương sáng suốt và kiên cường trước nguy cơ xâm lược của đế quốc; Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu:Hai biểu tượng bất diệt của miền Nam trong lòng Hà Nội; Đỗ Quang: Tuần phủ Gia Định một ông quan miền Bắc đã chiến đấu kiên trì và gắn bó máu thịt với đồng báo miền Nam; Thiện Chiếu: Một Phật tử bất khuất trong phong trào chống giặc cứu nước...

Đó là những tấm gương Nhà giáo liệt sĩ hy sinh trên chiến trường niềm Nam. Một thời sống mãi với quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 3.000 nhà giáo miền Bắc được điều động vào công tác giáo dục ở miền Nam, hàng trăm nhà giáo đã hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người chưa đến tuổi 30, có những cặp vợ chồng Nhà giáo tham gia chống Mỹ đã hy sinh, một số hy sinh trong nhà lao của giặc như: Huỳnh Thành Phổ, Lê Ưng...rất cảm động về cái chết của cô giáo Dương Lệ Chi hy sinh trong khi lấy thân mình che cửa hầm tránh pháo cho học sinh, Nhà giáo Trần Thế Lộc cùng du kích và nhân dân bám trụ đánh địch cũng đã hy sinh cùng du kích địa phương:

"Ào ào khí thế, quân dân từ hậu tuyến: xung phong
Rạo rực tinh thần, giáo giới hướng tiền phương: thượng lộ
Ba ngàn đồng nghiệp: lớp lớp xông pha
Vạn dặm trường đồ: trùng trùng hiểm trở".

Đó là Đường 20 - Quyết Thắng, con đường huyền thoại. Một đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường “huyết mạch” nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thắng lợi to lớn trên mặt trận giao thông - vận tải.

Với chiều dài 125 km, Đường 20 - Quyết Thắng đã in dấu bao chiến công của quân và dân ta với những khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng” đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh vô biên, đã làm nên chiến công như là huyền thoại của một thời: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, lập nên những kỳ tích oanh liệt, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Chính nơi đây bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, khúc bi hùng làm nên Đường 20 - Quyết Thắng huyền thoại: 

“Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Tỏa sáng mười phương gương dũng kiệt…
Đường 20: Một Miếu khang trang 
Đỉnh Quyết Thắng: Trăm cờ khánh tiết
Tưởng niệm những anh hùng
Xót thương bao nghĩa liệt
Tuổi chẳng thọ, nhưng huân công mãi trường tồn
Thân dù tan, mà khí phách đời đời bất diệt…”.

Tượng đài chiến thắng tại di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Đó là những hồi chuông ngân linh thiêng bất diệt của hàng vạn anh linh hương hồn liệt sĩ cho đất Việt trường tồn vang vọng từ Ngã ba Đồng Lộc trên đường số 9, đường Trường Sơn huyền thoại và nơi Côn Đảo anh hùng. Tiếng chuông ấy vang vọng từ lịch sử cha ông dựng nước đến truyền thống anh hùng giữ nước của nhân dân ta. Tiếng chuông ấy, lay động chủ nghĩa anh hùng, thức tỉnh triệu triệu con tim mang trong mình dòng máu Lạc Hồng quyết giữ vững từng tấc đất ông cha đã trao truyền bao thế hệ đến những cương vực, bầu trời và cả lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc...!

Tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân Ngày 27/7 hàng năm là dịp khơi dậy chủ nghĩa anh hùng, khát vọng dân tộc chân chính, phát huy những giá trị vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh, mỗi người Việt chúng ta nguyện chung sức đồng lòng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ra sức kiến tạo hòa bình, gìn giữ tương lai tiền đồ của dân tộc "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững" như tổ tiên chúng ta đã làm qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước!

Vương Xuân Nguyên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Theo Văn Hiến

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-van-hien-thang-long-den-hao-khi-dong-nai-va-thanh-dong-to-quoc-a286106.html