+Aa-
    Zalo

    Bí quyết quản lý tiền bạc khôn ngoan

    ĐS&PL Chỉ làm công việc văn phòng "làng nhàng", nhưng với một số bí kíp quản lý tiền bạc khôn ngoan mà tôi có thể sẵn sàng tiết kiệm cho tương lai.

    Chỉ làm công việc văn phòng "làng nhàng", nhưng với một số bí kíp quản lý tiền bạc khôn ngoan mà tôi có thể  sẵn sàng tiết kiệm cho tương lai.

    The Money Wizard là một blogger nổi tiếng với bút danh Sean. Anh từng làm việc như một nhà phân tích tài chính và đã tiết kiệm được gần 200.000 USD thông qua tài khoản tiết kiệm hưu trí và đầu tư vào các quỹ chỉ số thấp. Anh hi vọng sẽ nghỉ hưu vào cuối năm 30 tuổi. Dưới đây là bài viết của chính Sean trên Business Insider, về cách anh đã kiếm ra bộn tiền ngay cả khi chỉ làm công việc văn phòng “làng nhàng”.

    Ngay từ khi 16, tôi đã tự kiếm ra những đồng tiền đầu tiên khi làm việc cật lực dưới ánh nắng gay gắt ở Texas. Tôi nhớ rõ ngày đặc biệt đó, vì đó là ngày tôi được trả lương và tài khoản ngân hàng của tôi chính thức vượt qua con số 500USD.

    Đến năm tôi 18, khoản tiền 500USD đó đã tăng lên đáng kể, đủ để tôi bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán.

    Khi tôi 25 tuổi, tôi đã có 100.000USD trong tài khoản; con số đó tăng lên 150.000USD ở tuổi 26. Hiện nay, tôi 27 tuổi, và tôi đang có gần 200.000USD.

    Bạn có thể nghĩ tôi là một thiên tài chứng khoán hay một siêu sao đầu tư, nhưng sự thật là khác biệt hoàn toàn. Những khoản đầu tư chứng khoán của tôi chủ yếu không hiệu quả so với tiêu chuẩn, và thậm chí cho đến gần đây, tiền lương của tôi cũng không cao hơn mức thu nhập trung bình trong thành phố. Tôi làm công việc văn phòng bình thường, với một mức lương cơ bản nhưng tôi may mắn hơn nhiều người là được nhận nhiều lời khuyên tiền bạc từ rất sớm. Có 7 điều mà tôi nghĩ chính là mấu chốt tôi muốn chia sẻ với bạn:

    1. Tấm bằng ĐH phải thực sự mang lại thu nhập

    Bạn có đang tạo ra thu nhập từ tấm bằng ĐH? 

    Cho đến hiện tại, vẫn còn nhiều tranh cãi về vai trò thực sự của một tấm bằng ĐH. Tôi đồng ý việc học phí đang tăng vọt là một điều đáng quan ngại nhưng tôi đồng tình với ý kiến của tỷ phú Warren Buffett về vấn đề này – rằng đầu tư vào chính bản thân là khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể thực hiện trong đời.

    Trước khi quyết định học ĐH, bạn nên xem xét kỹ việc học ĐH thực chất là gì? Đó là giao dịch 4 năm để bạn mua lấy một công việc, đặc biệt khi bạn phải vay tiền đi học. Bạn cần phải xem xét đến các yếu tố như lãi suất, thế chấp nhà để vay tiền, những trường nào có triển vọng trả lương cao, nghiên cứu thống kê về tiền lương, hỏi ý kiến của những người đi trước và tham dự các hội chợ việc làm.

    Với chuyên ngành kinh tế và tài chính, tôi đã nhanh chóng tìm được một công việc phân tích tài chính thậm chí ngay cả khi thị trường lao động đang đầy bất ổn. Đến bây giờ tôi hy vọng tấm bằng chiến lược tôi đã chọn sẽ tiếp tục giúp tôi xây dựng nền tảng để kiếm được mức thu nhập ổn định cả đời.

    2. Tránh nợ tiêu dùng

    Khi đã ra trường và bắt đầu kiếm tiền, bạn cần tỉnh táo để tránh các bẫy nợ tiêu dùng. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ không thể tích lũy tài sản nếu tiền bạc cứ rò rỉ mỗi tháng qua các khoản vay tự động và nợ tính dụng.

    Benjamin Franklin – một trong những người nghỉ hưu từ khi còn rất trẻ, nổi tiếng với câu nói "Chỉ một vết nứt nhỏ cũng có thể làm đắm một con thuyền". Và ông nói đúng, việc cố gắng làm giàu trong khi vẫn phải trả lãi vay giống như chèo thuyền chống lại dòng nước lũ và nhất là con thuyền đó đang bị thủng.

    Để tránh mang nợ, tôi đã mua chiếc xe giá 13.000USD mà không vay mượn; và mặc dù dùng thẻ tín dụng để tích điểm thưởng, tôi cũng chưa bao giờ phải trả 1 xu lãi suất nào. Việc này giúp tôi tận dụng lợi thế lãi suất kép, thay vì phải bơi ngược dòng nước lũ.

    3. Đầu tư vào các quỹ chỉ số

    Cũng giống như hầu hết các nhà đầu tư khác, khi mới đặt chân vào thị trường cổ phiếu, tôi tưởng tượng mình sẽ trở thành một Warren Buffett tiếp theo. Và mỗi cổ phiếu tôi đầu tư vào đều sẽ sinh lời, tôi sẽ “phá đảo” và thống lĩnh thị trường sắp tới.

    Việc đầu tư cũng cần được tính toán kĩ càng.

    Thế nhưng, thực tế lại ngược lại hoàn toàn. Các cổ phiếu tôi chọn tụt hậu so với các chỉ số, cuối cùng khiến tôi mất hàng nghìn đô la. Sau dần tôi nhận ra, điều này không quá ngạc nhiên bởi rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng tương tự - những nhà đầu tư và thương nhân lựa chọn cổ phiếu cá nhân không thể cạnh tranh được so với hiệu quả của các quỹ chỉ số.

    Thế nên đừng bao giờ cố tỏ ra thông minh hơn thị trường, bạn đang cầm chắc phần thua đấy. Thay vào đó, hãy tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng cách đầu tư vào các quỹ chỉ số thấp.

    4. Xem xét các khoản chi thực sự đem lại hạnh phúc

    Các cuộc khảo sát của Chính phủ cho thấy, 52% ngân sách trung bình của người dân Mỹ là dành cho nhà cửa, xe cộ và các chi tiêu vật chất khác. Nhưng có khi nào bạn nghĩ, một ngôi nhà lớn với rất nhiều phòng thực sự khiến mình hạnh phúc? Hay nó chỉ tạo thêm nhiều việc, nhiều mối bận tâm?

    Đâu là khoản chi cho hạnh phúc? 

    Đối với tôi, những món đồ gia dụng bằng inox và tấm lợp granite không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình, vì vậy tôi đã chọn một căn hộ rẻ hơn để tiết kiệm hàng trăm đô la tiền thuê mỗi tháng. Tôi cũng nhận ra rằng việc đi đến chỗ làm mỗi sáng của mình không có gì khác nhau khi tôi lái một chiếc xe 30.000USD hay một chiếc xe 13.000USD, vì thế tôi chọn chiếc rẻ hơn mà mình có thể mua bằng tiền mặt.

    Hãy tìm cách nào để giảm chi tiêu mà không ảnh hưởng đến những lựa chọn trong cuộc sống của bạn. Khi bạn đã biết điều gì thực sự mang lại hạnh phúc cho mình, bạn sẽ dễ dàng sống dưới mức thu nhập thực tế.

    5. Tận dụng lợi thế của tài khoản tiết kiệm hưu trí

    Hãy bắt đầu tiết kiệm hưu trí.

    Có thể bạn chưa quan tâm nhưng có một tài khoản tiết kiệm hưu trí mang lại rất nhiều lợi ích, nó cho phép bạn miễn trừ một số loại thuế và tăng phần trăm lãi suất. Tôi vẫn nhớ quyết định sáng suốt nhất của mình là click chuột quyết định tiết kiệm 25% tiền lương thay vì 5% thông thường. Và nhìn thấy số tiền trong tài khoản tăng liên tục đã chứng minh tôi làm đúng.

    6. Tránh lối sống "lạm phát"

    Chúng ta có xu hướng ngưỡng mộ cuộc sống của người khác và muốn theo đuổi một lối sống tương tự, bắt đầu từ việc chi tiêu nhiều hơn vào những món đồ xa xỉ. Việc này vô hình làm con người cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra một vòng luẩn quẩn. Giống như một bong bóng khổng lồ, lối sống này sẽ phát triển mà không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta phải dồn hết thời gian và tiền bạc để chạy theo "bong bóng" chi tiêu mà không có bất cứ lựa chọn nào khác.

    Tôi cho rằng hội chứng "đuổi kịp Joneses" là một mớ hỗn độn về tài chính và rút cuộc bạn chẳng mua được thứ gì thực sự đáng giá. Thay vào đó, hãy xem xét điều gì có ý nghĩa trong cuộc sống của bạn và cố gắng theo đuổi nó thì hơn.

    7. Tính nhất quán tạo nên sự giàu có, đừng chạy theo đám đông

    Một trong những sai lầm phổ biến mà hầu hết các nhà đầu tư khi mới tham gia thị trường mắc phải là quá tham lam và đầu tư theo kiểu “vung tay quá trán”. Họ cho rằng cách duy nhất để làm giàu là chấp nhận rủi ro lớn nhưng cũng chính họ lại nhanh chóng cảm thấy chán nản khi thấy các khoản đầu tư bị hao hụt.

    Đối với tôi, việc đầu tư rất đơn giản. Tôi không trúng jackpot lần nào cả. Tôi cũng không tạo ra một công ty mang lại lợi nhuận khổng lồ. Tôi không làm giàu nhanh chóng từ cổ phiếu khủng. Tôi cũng không đầu tư vào vàng hay bất động sản mang lại lợi nhuận cao. Thay vào đó, hầu hết các khoản đầu tư của tôi đều khá nhàm chán.

    Tôi đầu tư vào các quỹ chỉ số, tận dụng lợi thế của tài khoản tiết kiệm hưu trí và luôn nhất quán trong việc tiết kiệm tiền. Tôi không dám đánh đu xung quanh hàng rào, tôi trung thành với những khoản đầu tư nhỏ và tích luỹ dần theo thời gian.

    Chúng ta đang sống trong một thời cơ đáng kinh ngạc, nơi những tài khoản tiết kiệm hưu trí được khuyến khích, thuế suất thấp nhất lịch sử và bất kỳ ai cũng có thể làm một nhà đầu tư qua chiếc điện thoại di động. Đó cũng chính là cách tôi kiếm được 200.000USD ở tuổi 27.

    Hoài Thu/Nhịp sống kinh tế/Business Insider.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-quyet-quan-ly-tien-bac-khon-ngoan-a236830.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan