Trí tuệ nhân tạo và những vấn đề đặt ra với pháp luật và quyền con người


Thứ 3, 28/05/2019 | 11:11


(ĐS&PL) Ngày 28/5/2019 diễn ra hội thảo Trí tuệ nhân tạo và những vấn đề đặt ra với pháp luật và quyền con người.

(ĐS&PL) Ngày 28/5/2019, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAid), Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và những vấn đề đặt ra với pháp luật và quyền con người”.

Theo PGS TS Vũ Công Giao - Phó Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, ngành chế tạo robot và robot đã tạo ra những thách thức mới, chưa từng có tiền lệ liên quan đến những vấn đề đạo đức và pháp lý. Vì thế, yếu tố đạo đức phải trở thành một phần quan trọng trong quá trình thiết kế robot. Và quá trình đó cần được xây dựng dựa trên phương pháp thiết kế giá trị nhạy cảm.

Còn theo PGS TS Trịnh Tiến Việt – Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, về mặt tích cực trong công tác hình sự tại Việt Nam, nhờ có sự hỗ trợ hiệu quả của các phương tiện công nghệ, những hoạt động khảo sát, đánh giá đối tượng nghiên cứu, trình bày, lưu trữ kết quả nghiên cứu đã giúp nghiên cứu khoa học hình sự được tiến hành thuận lợi, hiệu quả và từ đó đưa ra chiến lược, kế hoạch toàn diện và chính xác.

Tuy nhiên, chính AI cũng có thể phát sinh chủ thể của tội phạm mới trong tương lai. Trong một tương lai không xa, có thể có những đột biến to lớn do sự phát triển của AI với những cỗ máy ngày càng có khả năng tư duy, trí tuệ, cảm xúc và hành động độc lập, toàn diện hơn con người, thậm chí đòi bình đẳng với con người. Bởi vậy, trong quá trình tiến hành khai thác thành tựu của CMCN 4.0 và AI, chúng ta phải nỗ lực ứng phó với những thách thức, mối đe dọa đặt ra, trong đó có phương diện chính sách hình sự.

Các báo cáo viên Trương Thế Nguyễn và Phạm Vân Anh (Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng) lại đề cập là thể chế, chính sách về phát triển và ứng dụng AI ở Việt Nam hiện chưa đầy đủ. Vì thế, vấn đề hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển và ứng dụng AI trong hoạt động hành chính nhà nước sẽ đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Trong tương lai, vấn đề phải đặt ra là cần quy định một cách tường minh mức độ ứng dụng AI vào hoạt động quản lý của các cơ quan công quyền. Bởi sẽ dễ xuất hiện khả năng lạm dụng AI trong quá trình quản lý của các cơ quan hành chính. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến quyền con người, quyền công dân, đơn cử như quyền riêng tư.

Thêm nữa là hạ tầng công nghệ còn kém thì không thể có một chính phủ số hay chính phủ ứng dụng AI. Vì vậy, muốn ứng dụng AI vào hoạt động hành chính thì hạ tầng kỹ thuật phải được tập trung một cách mạnh mẽ song đây đang là trở ngại lớn của các cơ quan hành chính tại Việt Nam.

Một thực tế nữa phải đề cập là một bộ phận công chức ở Việt Nam chưa theo kịp với xu thế phát triển công nghệ. Sự thiếu hụt này sẽ đặt ra nhiều cản trở về năng lực hoạch định và thực thi chính sách ứng dụng AI trong hoạt động hành chính.

Cũng phải kể đến một yếu tố nữa là tội phạm công nghệ cao vì đây là một nguy cơ tiềm ẩn khắp nơi và Việt Nam không là ngoại lệ. Nếu tội phạm công nghệ cao tấn công vào hệ thống AI, vào hệ thống dữ liệu trong các cơ quan nhà nước thì hậu sẽ khôn lường.

Vì thế, cần phải xây dựng thể chế, chính sách về phát triển và ứng dụng AI vào hoạt động hành chính nhà nước. Đồng thời cũng phải thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách và nâng cao năng lực tiếp nhận chính sách với công chúng. Vì nếu chỉ quan tâm đến năng lực hoạch định, thực thi từ phía cơ quan nhà nước mà ít quan tâm đến công chúng thì khả năng thành công là rất thấp.

TS Nguyễn Văn Quân lại đề cập là AI sẽ tạo ra những thách thức lớn với nghề luật. Robot hóa trong nghề luật buộc các luật gia phải thay đổi trong bối cảnh mới. Thực tế là AI trong lĩnh vực pháp luật có khả năng khai thác nhanh các dữ liệu lớn, cho ra được những quyết định nhanh, đọc hiểu và giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên, tập hợp được những đánh giá của nhiều người… Chính ứng dụng AI sẽ giúp khách hàng của ngành luật có được câu trả lời nhanh hơn cùng chi phí thấp. Điều này buộc luật sư phải đầu tư sâu về chuyên môn để nâng cao giá trị gia tăng của nghề nghiệp.

Đề cập về AI và quyền riêng tư, cử nhân Lương Lê Minh (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng phải hoàn thiện pháp luật về quyền riêng tư của con người. Dễ thấy rằng, trong thời đại AI thì dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân đã trở thành “hàng hóa” có giá trị kinh tế. Bởi lẽ, đó là “nguyên liệu đầu vào” cần thiết của công nghệ AI, giúp AI học được cách tư duy của con người, cho ra kết quả cao hơn tư duy con người.

Tuy nhiên, những tiện ích mà AI mang lại cũng đi kèm với các nguy cơ, khi các dữ liệu cá nhân bị thu thập trái phép, xâm phạm đến quyền riêng tư, hay bị sử dụng cho những mục đích xấu… Giá trị kinh tế của AI khiến cho những dữ liệu cá nhân trở nên hấp dẫn với cả giới nghiên cứu và kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, có những người sẵn sàng bất chấp không gian riêng tư của người khác để chiếm đoạt những dữ liệu cá nhân này.

Với Việt Nam, hiện chưa có nhiều ứng dụng AI gắn bó với đời sống con người nhưng đã chớm hình thành một “thị trường” buôn bán dữ liệu cá nhân phục vụ cho các nhu cầu về nhà đất, ô tô, bảo hiểm, cho vay cá nhân… Trên “thị trường” đó, những thông tin càng riêng tư thì càng có giá trị, vì thông tin đó phản ánh rõ nét và thực chất nhất cá nhân người sử dụng. Phân tích những thông tin riêng tư sẽ cho phép ra kết luận sát với thực tế. Điều đó khiến cho những dữ liệu riêng tư trở thành mặt hàng có giá trị và được săn lùng chủ yếu bởi những nhà cung cấp dịch vụ trên Internet dưới những vỏ bọc “miễn phí”. Trong tương lai, khi công nghệ AI phát triển mạnh tại Việt Nam, chắc chắn “thị trường” dữ liệu cá nhân sẽ trở thành “mỏ vàng” cho các ứng dụng AI bằng cả cách thức hợp pháp và bất hợp pháp.

Khép lại hội thảo, PGS TS Ngô Huy Cường – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Dân sự, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đánh giá cao về các tham luận và ý kiến trao đổi của các đại biểu. Theo ông, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các lĩnh vực mà trong đó không thể thiếu AI thì việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thực tiễn là hết sức quan trọng. Cùng chung quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng, hội thảo này chính là diễn đàn rất có ý nghĩa trước thềm Hội thảo Quốc gia về Pháp luật trong thời đại CMCN 4.0 mà Bộ Tư pháp sắp chủ trì tổ chức vào ngày 8/6/2019 tại Hà Nội. Rất tiếc, lại không thấy sự hiện diện của đại diện Bộ Tư pháp tại hội thảo này.

Theo Sức Khỏe 365

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-van-de-dat-ra-voi-phap-luat-va-quyen-con-nguoi-a277449.html