+Aa-
    Zalo

    Xẻ dọc non cao… đi dạy học

    ĐS&PL Ngày nhà giáo cận kề, tôi lại nghĩ về họ nhiều hơn. Họ là những cô giáo tiểu học vùng cao, trong tất cả những nặng nề của ngành giáo dục

    Ngày nhà giáo cận kề, tôi lại nghĩ về họ nhiều hơn. Họ là những cô giáo tiểu học vùng cao, trong tất cả những nặng nề của ngành giáo dục, có lẽ họ là vất vả nhất. Không tổ, không đồng nghiệp, họ đơn thân, côi cút một mình nơi bìa rừng vách đá; mong mỏi làm nhịp cầu để đưa được 24 chữ cái đến với học sinh vùng cao.

    Chuyện của cô giáo Hiền

    Những năm trước, cũng vào cữ này, tôi đi miền núi, lên đến với vùng cao miền đá Hà Giang. Đường từ Hà Nội lên Hà Giang ngày ấy xấu tệ. 4 giờ sáng từ Hà Nội, xe khách miệt mài chạy, sẩm tối mới đến thị xã Hà Giang. Mưa núi vần vũ, tôi tìm đến Mèo Vạc. Chị Nguyễn Thị Mơ lúc đó còn đang là Trưởng phòng Giáo dục của huyện. Trông chị ngày ấy, chả cần tìm hiểu về ngành, về nghề người ta cũng sẽ hình dung ra những khó khăn của giáo dục vùng cao, cụ thể ở cái đất Mèo Vạc này.

    Tối, ăn với chị bữa cơm, thị trấn Mèo vạc buồn hiu, không một quán nước, để giết thời gian, tôi đã ngồi lại khá khuya với vợ chồng chị. Nghe chị phác thảo, tôi không những chỉ cảm mà còn xót xa với thân phận các nữ giáo viên vùng cao. Ngày ấy, do đặc thù nên dậy tiểu học ở vùng cao chưa có thầy. Cả cao nguyên đá, 90% là các cô giáo trẻ.

    Để thấu, để hiểu ngành và thân phận giáo viên, theo gợi ý của chị Mơ, tôi đi Lũng Pù. Chiếc xe máy mượn được, “gào”, “hét”, “gầm”, “rú” đến cả ngày trên đá, tôi mới đi được 30km và tấp vào một điểm trường có tên “Độc lập”. Tẩn Thu Hiền là cô giáo sống đơn thân ở đó. Từ đôi mắt, khuôn mặt, ngoại hình của cô đều toát ra những nỗi buồn khắc khoải.

    Ngóng cô, một trong những niềm vui, niềm an ủi của nữ giáo viên vùng cao

    Có khách, chắc lâu lắm rồi mới có khách nên cô vui, gần như quên hết mọi thứ. Tíu tít, cô nhóm củi nấu mì tôm cho tôi ăn. Đến lúc bắc nồi thì mới nhớ ra là mình đã hết nước dùng đến cả 5 ngày nay. “Chay tịnh” và ăn mì tôm sống, uống nước cầm hơi là tình cảnh lúc bấy giờ của cô cũng như khách.

    Hiền học hết lớp 9, nhà hoàn cảnh, không thể đi học được nữa. Có đợt trường Sư phạm Hà Giang (Nay là trường Cao đẳng) tuyển giáo viên đi “xóa mù” vùng cao, cô vào ngành. Sau 1 tháng đào tạo, cô cùng các bạn được xe chở lên các huyện vùng cao để “rải”, cắm bản và làm giáo viên.

    Hiền cô đơn và trở thành người đơn thân từ đấy. Lớp 9, ở các nơi khác, bố mẹ còn lo cho ăn, sáng phải đưa đến lớp thì vào độ tuổi ấy, Hiền đã làm giáo viên ở Cao nguyên đá, phải chủ động tất cả. Một năm, Hiền chỉ được hưởng 3 tháng không cô đơn, ấy là vào hè hay Tết. Còn sau đấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của giáo dục, Hiền lại lên vùng cao, lại cô đơn cùng bầy trẻ nhỏ.

    Mỗi khi từ nhà lên trường, Hiền cũng phải dậy từ 5 giờ sáng, đón một chuyến xe duy nhất, ì ạch đến thị trấn Mèo Vạc. Từ huyện vào còn có xe ôm chứ có việc gì phải từ trường ra huyện đột xuất thì chỉ chân trần đạp đá. 30km, đi từ sáng, đói tạt vào nhà dân xin mèn mén ăn rồi quẩy quả “bộ hành” tiếp đến sẩm tối mới ra huyện.

    Ngôi trường dựng lên, căn trái gá vào bên lớp là chỗ cho cô giáo chưa đầy 20 tuổi đầu này ở. Cái giường bằng thân ngô, dát nứa do dân làm cho lúc nào cũng ẩm ướt và mốc meo một nửa vì không đủ hơi người. Sáng nấu một nồi cơm cho cả ngày ăn. Những lúc chập chiều, sương buông, mây gió vần vũ, ngồi ăn cơm mà nước mắt chảy tràn trề. Đã có lúc Hiền nghĩ đến những chữ như: Hay là…

    Nhưng sáng dậy, chưa kịp thực hiện cái ý định “hay là” ấy thì đã thấy những đôi mắt trong veo của học trò nghèo người Mông lúng lính nơi cửa sổ cùng câu gọi hỏi: Cô gió (giáo) ơi, học chứ? Lại thấy thương, lại không muốn bỏ. Thế rồi cứ thương, cứ cấn cá như vậy, 24 chữ cái đảo đi, ghép lại, nhoàng cái, cô đã thành giáo viên lâu năm, gạo cội vùng cao.

    Gạo cội đấy, nhưng giờ hỏi, Hiền chỉ bảo, với giáo viên tiểu học vùng cao như em, chỉ hỏi là đã dậy được bao nhiêu cái đầu biết đọc là vui lắm rồi. Năm vừa rồi, Hiền hạnh phúc nhất là có cậu học trò do mình dậy, được bầu làm chủ tịch xã đến thăm vào ngày 20-11 như sự đáp đền ơn chữ nghĩa với cô. Đây là hạnh phúc duy nhất của cô với gần 20 năm làm nghề “gieo chữ” trên cao nguyên đá này!

    Chuyện của cô giáo Hà

    Lại nhớ đợt quẩy quả “xẻ trường sơn”, vào thung lũng duy nhất có người Arem sinh sống (Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Quay đi quẩn lại, người gặp, giúp chúng tôi chỉ đường, cho mượn phòng để ở và kiêm cả công tác “phiên dịch” cũng lại là mấy cô giáo tiểu học. Người Arem ở đây, ngoài bố mẹ, bộ đội biên phòng thì cô giáo là người được họ quý nhất.

    Nơi sơn thẳm, miền có tộc người Arem mới thoát xác ra khỏi tình trạng rừng rú ấy chưa được bao lâu, sau bộ đội thì cô giáo đã lên đây khá sớm. Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không phương tiện nghe nhìn là tình cảnh ở đây. Thế nhưng khi được huy động, đã có những cô giáo rất trẻ đã can đảm tìm lên.

    Đưa con đi tìm cô, tìm chữ là hình ảnh hết sức ấn tượng trong mùa đến trường của đồng bào vùng cao

    Cô giáo Hà, Lê Thị Hà là một trong những con người như vậy. Cô vẫn nhớ ngày mình lên đây để dậy trẻ. Sáng, Phòng giáo dục dưới gần khu Phong Nha – Kẻ Bàng gặp mặt và động viên. Rồi các cô được “gửi” lên chiếc xe zin “ba cầu” tháng đôi lần lăn bánh vào Thượng Trạch để nhận lớp.

    Ngày đầu, đêm đầu là những kỉ niệm không quên trong cô. Miền sơn chướng, đêm sầm sập đến nhanh hơn đồng bằng. Trường bốn bề là núi vây hãm, nhà dân hầu như đều đi ngủ sớm. Buồn, tủi cô đã khóc ròng và vùi mình vào trong giấc ngủ đầy mệt mỏi. Một ý định “đào tẩu” đã đến với cô trong khoảnh khắc này.

    Nhưng cô đã không làm được điều ấy vì sáng sau chưa kịp mở mắt thì trưởng thôn đã đưa một tụi trẻ, trứng gà trứng vịt đến với cô. Những đôi mắt khát khao, những niềm tin trẻ thơ cùng câu nói của trưởng thôn: Chúng nó chờ và mong cô lắm! đã làm bước chân cô díu lại với miền hoang vu này.

    Đứng lớp, tìm và dỗ để đưa trẻ đến trường cùng sự kính trọng của bà con dân bản đã đem lại cho cô một niềm tin, một tình người. Ngày hai buổi, tháng hơn 200 ngày, những đứa trẻ miền hoang vu đã bập bõm biết đọc, biết hát và làm cho thời gian trôi đi nhanh chóng. Và cũng như Hiền, việc lấy trẻ, lấy nghề làm vui này đã làm cho thời gian nhanh trôi và đưa Hà vào lớp giáo viên gạo cội ở miền Trường Sơn đầy nắng, gió này.

    Có lẽ trong lực lượng giáo viên vùng cao, những nữ giáo viên tiểu học được coi là vất vả nhất. Họ là những chiến sĩ “cảm tử”, “xông” vào những nơi “đầu sóng, ngọn gió” và vất vả nhất của nghề. Họ là những người đặt nền móng đầu tiên cho các kí tự chữ Việt. Mà những người như Hiền, như Hà tôi đã gặp chỉ là một trong những lát cắt nhỏ con nhất của ngành này, nghề này nơi gian khó nhất! 

    Đơn Thương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xe-doc-non-cao-di-day-hoc-a346565.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.