Xuất hiện Khải 'nựng' trong phim 'Tổ ấm nhìn trên cao'


Thứ 7, 07/12/2019 | 04:42


(ĐS&PL) “Tôi không phủ nhận sự biến thái và đồi trụy trong nhân vật Khải. Nhưng ở góc nhìn của những người làm sản xuất, chúng tôi xây dựng một “Khải nựng”

(ĐS&PL) “Tôi không phủ nhận sự biến thái và đồi trụy trong nhân vật Khải. Nhưng ở góc nhìn của những người làm sản xuất, chúng tôi xây dựng một “Khải nựng” có tính người.”

Khải “nựng” trong phim “Tổ ấm nhìn trên cao” là ai?

“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện có thật được đạo diễn Lê Đại Dương chuyển thể thành phim. Bộ phim là cuộc đời của Hạnh – người không chỉ chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng mà còn dành cả đời để hy sinh vì hạnh phúc gia đình. Qua diễn xuất của diễn viên Nguyệt Nguyễn trong vai Hạnh, cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam được tái hiện một cách rõ nét. Đó không chỉ là những đòn roi “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà còn là sự tra tấn dã man thường xuyên cả về thể xác lẫn tinh thần của một người phụ nữ.

Xã hội - Xuất hiện Khải 'nựng' trong phim 'Tổ ấm nhìn trên cao'

Một phân cảnh trong phim Tổ ấm nhìn trên cao

Bộ phim lấy bối cảnh hiện đại ở một vùng ngoại ô Hà Nội. Bằng những thước phim chân thực, nhân vật chính trong phim Tổ ấm nhìn trên cao được khắc họa một cách đậm nét. Phong tỏ rõ là một người chồng vũ phu, côn đồ. Trong khi đó Hạnh lại tỏ ra là một người phụ nữ truyền thống rất xưa. Cô luôn nhẫn nhục, chịu đựng hy sinh vì chồng, vì con.

Bên cạnh việc tập trung khắc họa nhân vật chính, Tổ ấm nhìn trên cao cũng không quên khắc họa nhân vật phụ của mình một cách độc đáo và tài ba. Điển hình là nhân vật Khải (diễn viên Lâm Hoàng đóng) – người được xem như một Khải nựng.

Chỉ ngay lần đầu tiên gặp Hạnh đi mua đồng nát, Khải đã nảy sinh ý định sàm sỡ và chiếm đoạt cô. Không chỉ dừng lại ở việc ngắm nghía thân thể Hạnh một cách biến thái, Khải đã dở những hành động đồi bại để làm nhục cô. Song, sự việc không thành, Khải năm lần, bảy lượt tìm kế phá hoại gia đình cô.

Điển hình trong một lần bắt Phong phải trả nợ, Khải đã nghĩ ra kế buộc Phong phải gán con gái cho mình. Điều đó đã vô tình đẩy con gái Hạnh – bé Thủy 15 tuổi (diễn viên Nhật Anh 21 tuổi thủ vai) bị lừa vào nhà nghỉ với một ông bằng tuổi cha, tuổi chú mình.

Xã hội - Xuất hiện Khải 'nựng' trong phim 'Tổ ấm nhìn trên cao' (Hình 2).

Một phân cảnh của nhân vật Khải “nựng” trong phim Tổ ấm nhìn trên cao

Người trong cuộc lên tiếng

“Tôi hy vọng khán giả phân biệt được đâu là Khải, đâu là Lâm Hoàng. Tôi thật vui mừng nếu khán giả xem phim Tổ ấm nhìn trên cao ghét nhân vật này như chính tôi ghét vậy. Nhưng ghét nhân vật không có nghĩa là tôi không diễn xuất, mặt khác ở phương diện nghệ thuật tôi còn yêu quý vai diễn của mình. Chỉ khi người nghệ sĩ lột tả được chân thực khi ấy, nghệ sĩ mới góp phần bài trừ được cái xấu. Tôi hy vọng thông điệp của bộ phim Tổ ấm nhìn trên cao sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả. Bởi đây là một bộ phim hết sức ý nghĩa và nhân văn.” – diễn viên Lâm Hoàng chia sẻ.

Anh nói thêm rằng, hạnh phúc của con người là điều luôn phải tranh đấu. Bởi vậy cái xấu tồn tại như một hình thức để đề cao cái đẹp. Và để cái đẹp được tỏa sáng thì con người phải đấu tranh bài trừ cái xấu một cách mạnh mẽ. Như sau cùng, việc tôi, Khải trong phim Tổ ấm nhìn trên cao không có được Hạnh cũng là một điều dĩ nhiên vậy.

Xã hội - Xuất hiện Khải 'nựng' trong phim 'Tổ ấm nhìn trên cao' (Hình 3).

Diễn viên Lâm Hoàng ngoài đời thật

Chia sẻ về nhân vật Khải trong phim, đạo diễn Lê Đại dương lại có một góc nhìn khác: “Tôi không phủ nhận sự biến thái và đồi trụy trong nhân vật Khải. Nhưng ở góc nhìn của những người làm sản xuất, chúng tôi xây dựng một “Khải nựng” có tính người. Nếu nhìn bằng con mắt đa chiều hơn, khán giả có thể thấy một nhân vật Khải hết mực yêu thương Hạnh, dù ông ta có cố ý chiếm đoạt cô ấy. Ông ta luôn xuất hiện và giúp đỡ Hạnh ở những lúc khó khăn nhất. Mà xét một cách toàn diện, tôi tin Khải xứng đáng được cô ấy yêu thương hơn chồng cô ấy.”.

Bằng những thước phim “đậm đặc”, Tổ ấm nhìn trên cao là bộ phim đầu tiên lột tả chân thực vấn nạn bạo hành gia đình. Bộ phim không né tránh những đau đớn của người phụ nữ mà được dựng nên bởi những chất liệu rất thực, rất đời của cuộc sống. Bộ phim là lời khẳng định về giá trị bình đẳng trong gia đình; là sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm “chồng chúa, vợ tôi”; nêu cao phẩm chất của người phụ nữ và quyền được coi trọng của họ. Bên cạnh đó, Tổ ấm nhìn trên cao cũng là lời kêu gọi giải thoát cho những số phận bèo bạc của người phụ nữ. Hơn lúc nào họ cần được bảo vệ và họ phải tự bảo vệ mình.

Tạ Hiền

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuat-hien-khai-nung-trong-phim-to-am-nhin-tren-cao-a303700.html