Mùa viêm não Nhật Bản: Nếu mắc nguy hiểm tính mạng


Thứ 7, 16/06/2018 | 01:30


Người mắc viêm não Nhật Bản bị di chứng cả về sức khỏe tâm thần và vận động, có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi Culex tritaeniorhynchus đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi  đốt người, qua đó truyền vi rút cho người.

Bác sỹ Đỗ Thiện Hải, khoa Truyền Nhiễm, BV Nhi TW cho hay, trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

Bệnh viêm não Nhật Bản tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện ngoại thành Hà Nội…Viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1-5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh.


Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi phát, khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón). Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê).

Ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản là một số loài động vật sống hoang dã như các loại chim, một số loài bò sát. Ngoài ra, một số loài súc vật nuôi gần người, quan trọng nhất là lợn, sau đó là trâu, bò, dê, cừu, chó, khỉ.

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi Culex tritaeniorhynchus đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi  đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi rút.

Vì vậy,  để tránh bị viêm não Nhật Bản tấn công, cần tránh bị nhiễm bệnh từ muỗi. Người dân khi ngủ cần mắc màn, tạo không khí sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng gần nhà.

Bác sĩ cũng khuyến cáo nên phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng vắc xin. Do đó, cha mẹ hãy tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch như sau: Mũi thứ nhất cần tiêm ngừa ngay lúc trẻ được 1 tuổi. Mũi tiêm thứ hai sau khi tiêm ngừa mũi thứ nhất cách nhau từ 1 đến 2 tuần.
 
Mũi thứ ba cách mũi tiêm thứ hai là một năm và sau đó khoảng từ ba đến bốn năm, tiêm nhắc lại cho trẻ một lần đến khi trẻ qua giai đoạn 15 tuổi.

Nam Anh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-viem-nao-nhat-ban-neu-mac-nguy-hiem-tinh-mang-a233121.html