"Xuống tiền" cho "cò" giấy chứng nhận an toàn thực phẩm "ngạch" gì cũng có


Chủ nhật, 28/06/2020 | 11:53


Cùng sự kiện

PV đã móc nối được một số đầu mối nhận bao trọn gói toàn quốc và khá bất ngờ về những “kỹ nghệ” hô biến cơ sở không đủ điều kiện thành đạt chuẩn.

Trong vai khách hàng có nhu cầu làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã móc nối được một số đầu mối nhận bao trọn gói toàn quốc và khá bất ngờ về những “kỹ nghệ” hô biến cơ sở không đủ điều kiện thành đạt chuẩn.

Sống tại TP.HCM, “vươn tay” ra Hà Nội?

Qua group “hội sản xuất nước sạch và đá viên tinh khiết”, chúng tôi khá ấn tượng với 1 status “nhận làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” từ nickname Gia Bao. Qua số điện thoại 0931287xxx, PV đã liên hệ trực tiếp với đầu mối để được tư vấn các bước hoàn thiện giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo phương thức “có tiền là có giấy liền”.

Khi PV đặt vấn đề, do sau dịch covid-19, thu nhập tại cơ quan bị cắt giảm nên có nhu cầu mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm để kiếm thêm thu nhập, nam thanh niên tự xưng tên Bảo phát giá: “18 triệu đồng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, mình bao trọn gói không phát sinh chi phí”.

Giao dịch giữa PV và “cò” tư vấn làm giấy chứng nhận ATTP (ảnh chụp màn hình)

Theo tư vấn của Bảo, chúng tôi muốn kinh doanh thuận lợi cần lập công ty, làm giấy đăng ký kinh doanh “siêu tốc”, giá chỉ 4 triệu đồng và có luôn cả con dấu. Nam thanh niên này hứa hẹn, quá trình làm giấy phép kinh doanh từ 5 đến 7 ngày, giấy chứng vệ sinh an toàn thực phẩm thì từ 15 đến 20 ngày, giá 18 triệu đồng.

“Nếu em đồng ý, anh lên hợp đồng, em chuyển khoản 70% trước bên anh sẽ lập hồ sơ làm. Khi nào bàn giao giấy tờ thì em thanh toán 30% còn lại. Bên anh là công ty uy tín, có pháp nhân hỗ trợ, trụ sở trong TP.HCM nhưng nhận làm toàn quốc. Giấy tờ anh làm cho em chuẩn Nhà nước cấp, chính quy chứ không phải đồ giả đâu. Em lên cổng quốc gia tra được hết, chứ không phải photoshop”, Bảo cam kết tính pháp lý của doanh nghiệp mình và gợi ý chuyển tiền để xúc tiến làm hợp đồng.

Đặt vấn về việc chỉ quen biết qua mạng và lo ngại khi chuyển tiền 70% sẽ “cầm dao đằng lưỡi”, chúng tôi ngỏ ý muốn được xem những giấy chứng nhận ATTP ở khu vực Hà Nội mà Bảo đã làm thành công thì nam thanh niên này nại ra lý do mới nhận làm cho một khách hàng ở huyện Quốc Oai, 18 triệu đồng, thủ tục đang hoàn thiện.

Một giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà “cò” đã làm với bảo đảm “hàng thật 100%”.

“Anh làm thành công cho nhiều khách ở TP.HCM, miền Trung rồi (anh chuyển Zalo cho em một số giấy có dấu đỏ để em tham khảo-PV). Không có chuyện lừa đảo, bên anh giúp em rút gọn thủ tục nhưng giấy chứng nhận ATTP là chuẩn 100%, nếu giấy giả khách cứ báo công an”, Bảo nhấn mạnh.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn

Không chỉ quảng cáo lo lót để dễ dàng lấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Bảo hứa hẹn: “Khi em hoàn thiện giấy tờ làm hồ sơ, anh sẽ hướng dẫn em biến cửa hàng “nợ tiêu chí” thành đạt chuẩn dễ như trở bàn tay”.

Theo đó, Bảo cũng hỏi thêm về nguồn hàng mà chúng tôi muốn bán. PV vẽ ra ý tưởng mở cửa hàng chuyên bán thịt gia súc, gia cầm, cơ sở mới chỉ có 2 tủ đông, 1 mắt cắt thịt, 1 máy hút chân không; nguồn gốc thịt gia súc nhập tại các lò mổ tại Hà Nội, thịt đông lạnh nguyên tảng mua lại của các đầu mối về đóng gói bán lẻ. Với điều kiện cơ sở ban đầu như vậy, Bảo nói: “Em chỉ cần lắp thêm cửa kính để ngăn với môi trường bên ngoài, thay đèn led bằng đèn diệt côn trùng, dọn dẹp cửa hàng sạch sẽ, còn lại để anh lo, em không phải lăn tăn”.

Thịt đông lạnh

Theo Bảo, phí làm giấy chứng nhận ATTP 18 triệu đồng/giấy nhưng nếu muốn làm nhanh thì chỉ cần chi thêm phí “lót tay”. Bảo thỏa thuận: “Nếu em lo lắng cơ sở vật chất của cửa hàng mình sơ sài, chỉ cầm chi thêm 2 triệu đồng, anh sẽ lo toàn bộ cho em từ việc lobby đoàn kiểm tra đến việc hoàn thiện các thủ tục. Em yên tâm, anh xử lý hết luôn”.

Theo lời Bảo, thủ tục hành chính nhiêu khê, quy trình tiếp nhận và trả kết quả kéo dài, trong khi khâu thẩm định “hành là chính” nên nếu không quen biết thì hồ sơ bị “ngâm” vài tháng cũng chưa chắc đã có kết quả. Chính vì vậy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, chỉ cần ủy quyền cho người khác làm và ung dung… nhận giấy chứng nhận sau 20 ngày.

Muốn nhanh, chi ngay phí “lót tay”

Tương tự với cách làm trên, chiều 17/6, khi PV đề xuất làm giấy chứng nhận ATTP cho quán cơm quy mô 400 suất, một đầu mối tại Hà Nội đon đả hẹn gặp và phát giá 17 triệu đồng bao trọn gói. Người phụ nữ tên H.Đ. cho hay: “Chi phí lo lót cho đoàn kiểm tra đã chiếm phần lớn số tiền đó rồi, bên mình chỉ hưởng lợi chút ít thôi. Cam kết không phát sinh, bên mình sẽ lo hết từ đầu đến cuối. Trừ khi cửa hàng cơm của em có 1 lỗi gì đấy khác thường mà bên em muốn “êm trôi”, công ty mình sẽ thỏa thuận với bạn để chi thêm, lo cho đoàn kiểm tra để được thông qua”.

Chị H.Đ cho biết thêm, bình thường các đơn vị khác khác nhận làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ yêu cầu phí “lót tay” nhưng bên mình lo trọn gói, kể cả giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe cho các nhân viên... “Em cứ giao toàn bộ hồ sơ cho chị, đến hẹn lấy giấy chứng nhận. Chi phí tạm ứng 3 triệu, đảm bảo giấy chuẩn 100%”, chị H.Đ nói.

Theo lời chị H.Đ, do có quan hệ nên mới làm “cấp tốc” giấy chứng nhận ATTP theo yêu cầu của khách. “Bên chị có quan hệ mới làm nhanh, không có quan hệ làm lâu lắm. Bản thân bọn em tự đi làm vừa không biết các thủ tục ra sao, vừa lâu mà vẫn phải mất chi phí. Một đoàn kiểm tra có 6 người xuống, em tưởng tượng phải mất nhiều như thế nào. Nếu trót lọt họ xuống 1 lần, nếu chưa đạt họ xuống 2 lần thì mình phải mất 2 lần tiền, chi phí còn cao nữa?”, chị này phân bua về chi phí tiếp đoàn kiểm tra.

Chị H.Đ cũng thông tin thêm, bình thường để có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ mất 15 triệu đồng. Nếu muốn làm nhanh sẽ rút gọn được nửa thời gian là khoảng 10 ngày làm việc nhưng giá tiền sẽ phải gấp đôi.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo chuyển tiền là có giấy

Liên quan đến những mánh khóe mà “cò” tư vấn cho khách hàng có thể “qua mặt” cơ quan kiểm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm một cách dễ dàng, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng chi cục An toàn Thực phẩm Hà Nội.

PV: Hiện nay, dịch vụ làm giấy chứng nhận ATTP qua mạng nở rộ với mức phí từ 15- 22 triệu đồng/giấy. Thậm chí, có trường hợp sinh sống tại TP.HCM nhưng cam kết có thể làm giấy chứng nhận ATTP ở Hà Nội nhưng phải chuyển khoản đặt cọc trước 70% chi phí. Ông nhận định sao về thực trạng này?

Ông Trần Ngọc Tụ: Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp phó thác các thủ tục hành chính cho đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, khi các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nên cân nhắc tránh bị lừa đảo. Tôi khẳng định, không có chuyện sống ở TP.HCM làm được giấy chứng nhận ATTP ở Hà Nội. Với yêu cầu chuyển khoản trước 70%, người dân cần đặt dấu hỏi nghi vấn.

Phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP dao động từ 500.000 đồng đến 2.500.000 đồng tùy vào quy mô. Mức phí thông qua các đơn vị tư vấn như báo phản ánh là quá cao và nhiều rủi ro. Doanh nghiệp tin vào dịch vụ sẽ chuốc nhiều thiệt hại bởi khi đoàn thẩm định đến kiểm tra, nếu đạt thì “cò” nhận tiền, còn không đạt, đoàn buộc sửa chữa, doanh nghiệp phải chạy theo để “vá lỗi”.

PV: Phải chăng, giấy chứng nhận ATTP là “thẻ thông hành” để các cơ sở kinh doanh đối phó với cơ quan chức năng nên họ bất chấp sở hữu bằng mọi giá, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Tụ: Giấy chứng nhân an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy đăng kí công bố sản phẩm sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Nếu như chủ cơ sở xác định giấy chứng nhận ATTP là “thẻ thông hành”, đối phó với cơ quan chức năng là sai lầm. Chủ cơ sở phải đứng ra xây dựng hồ sơ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện mới biết được hoạt động của cơ sở mình sau này bị chi phối bởi hồ sơ như thế nào và duy trì hoạt động để đảm bảo theo đúng hồ sơ đó.

Trên thực tế, đơn vị nhận làm dịch vụ tư vấn có thể nắm được về mặt thủ tục nhưng điều kiện cụ thể để đảm bảo được cấp giấy chứng nhận lại rất mơ hồ. Đoàn thẩm định của chi cục xuống cơ sở kiểm tra thấy không đủ điều kiện thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận dù qua bất kì 1 đơn vị tư vấn nào.

PV: Thưa ông, nhiều đơn vị tư vấn cam kết chỉ cần phí “lót tay” là lọt qua khâu kiểm định. Liệu quy trình thẩm định còn những lỗ hổng để “cò” lách luật, trục lợi?

Ông Trần Ngọc Tụ: Tôi khẳng định, khâu thẩm định không có kẽ hở, cũng không có chuyện thuê qua đơn vị tư vấn thì rút ngắn thời gian hơn. Thông thường làm các thủ tục giấy chứng nhận mất 15 ngày. Nếu thẩm định lần đầu không đạt, trong vòng 90 ngày, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị thẩm định lần hai. Thông thường, những cơ sở mà không do chủ cơ sở đến làm thì đa số không đạt.

Quy trình thẩm định rất chặt chẽ, cơ quan chức năng xây dựng bộ thủ tục hành chính được ban hành thực hiện thống nhất gồm 2 bước. Theo đó, cơ sở kinh doanh phải hoàn thiện 5 loại giấy tờ gồm tờ khai; giấy đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; mô tả quy trình nơi mình sản xuất kinh doanh; người chế biến, sản xuất phải có xác nhận tập huấn an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe. Khi thẩm xét hồ sơ sẽ có 5 người đọc, xem tài liệu hồ sơ đủ chưa sau đó sẽ lập danh sách cán bộ đi thẩm định. Tiếp đó sẽ lập đoàn thẩm định từ 3 đến 5 người. Khi thẩm định, nếu cơ sở chưa hoàn thiện theo các yêu cầu, chi cục sẽ cho thời gian hoàn thiện. Đủ điều kiện thì mới cấp không đủ điều kiện nào thì trả hồ sơ.

PV: Tại TP.HCM từng phát hiện trường hợp thuê “cò” làm giấy chứng nhận ATTP giả. Theo ông, làm thế nào hạn chế vấn nạn “cò” làm giấy chứng nhận ATTP?

Ông Trần Ngọc Tụ: Chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào làm giấy chứng nhận ATTP giả. Tuy nhiên, có một số trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả trong bộ hồ sơ hoặc có cơ sở khi thẩm định họ chuẩn bị rất đầy đủ cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện, khi có giấy chứng nhận rồi họ lại thu gọn lại.

Thực tế, cơ quan chức năng khó phát hiện ra những hồ sơ nhờ các đơn vị tư vấn. Tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm được tiến hành định kỳ và đột xuất của các đoàn kiểm tra sau khi cấp giấy chứng nhận nên hạn chế tình trạng “lấp đầy” tiêu chuẩn. Ngay cả chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng có các cơ quan giám sát lẫn nhau, thanh tra các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận, nếu phát hiện không đủ điều kiện sẽ phản ánh lại với Chi cục trưởng và xử lý nghiêm. Do vậy không thể có khe hở cho các đơn vị không đủ điều kiện vẫn được cấp giấy chứng nhận.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhóm PV

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (101)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuong-tien-cho-co-giay-chung-nhan-an-toan-thuc-pham-ngach-gi-cung-co-a328585.html