+Aa-
    Zalo

    Bổ sung cả nghìn chuyến bay, giá vé máy bay Tết chặng “nóng” vẫn cao ngất ngưởng

    (ĐS&PL) - Cục Hàng không Việt Nam và các hãng bay chia sẻ, một trong những lý do dẫn đến tình trạng giá vé đắt dịp Tết là các hãng đang phải bù đắp chi phí hai chiều theo quy luật điều tiết của thị trường.

    Đưa vào khai thác 15 tàu bay thuê có tổ bay của các hãng hàng không

    VietNamNet dẫn thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, 15 tàu bay thuê có tổ bay (thuê ướt) của các hãng hàng không Việt Nam đã được đưa vào khai thác. 

    Với 4 tàu bay thuê trước đó, hàng không Vietjet Air vừa tiếp nhận thêm 2 tàu bay, nâng số tàu bổ sung mới phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán lên 6 tàu. Tuần vừa qua, hãng cũng tăng thêm gần 750 chuyến bay, tương đương với 154.800 chỗ nhằm phục vụ nhu cầu trong dịp Tết. 

    Vietnam Airlines cũng "thuê ướt" 4 máy bay Airbus A320, bổ sung thêm gần 1.000 chuyến. Đến nay, Vietnam Airlines Group sẽ cung ứng tổng cộng 2,86 triệu ghế dịp cao điểm Tết. Đặc biệt, số chuyến bay vào sáng sớm và đêm tăng mạnh, với hơn 1.300 chuyến.

    Trước đó, đầu tháng 1/2024, Bamboo Airway cũng "thuê ướt" 2 máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao đột biến của người dân dịp Tết.

    Nhà chức trách hàng không cho biết đang tiếp tục chỉ đạo để bổ sung tải cung ứng, dự kiến từ 2-3 chuyến bay/ngày trên một số đường bay từ TP.HCM đi các địa phương có nhu cầu cao.

    Với việc các hãng hàng không bổ sung tải cung ứng, cập nhật về tình hình bán vé máy bay Tết, đặt chỗ giai đoạn cao điểm Tết từ 1/2 đến 18/2 cho thấy, một số đường bay địa phương đã bớt “nóng” so với tuần trước và một số ngày vẫn còn chỗ.

    bo sung ca nghin chuyen bay gia ve may bay tet chang nong van cao ngat nguong
    Đến nay, 15 tàu bay thuê có tổ bay (thuê ướt) của các hãng hàng không Việt Nam đã được đưa vào khai thác. Ảnh minh họa: VTC News

    Theo Cục Hàng không Việt Nam, các chặng bay từ TP.HCM đi các địa phương có tỷ lệ đặt chỗ rất cao, trải đều trong các ngày từ 2/2 tới 9/2. 

    Cụ thể, chặng TP.HCM - Hải Phòng (85-98%), TP.HCM - Huế (86-99%), TP.HCM - Pleiku (88-99%), TP.HCM - Thanh Hóa (85-96%), TP.HCM - Chu Lai (92-98%), TP.HCM - Quảng Bình (89-103%), TP.HCM - Vinh (90-98%). 

    Một số đường bay vẫn còn chỗ, như đường bay TP.HCM - Buôn Ma Thuột tỷ lệ đặt chỗ các ngày 3/2 - 5/2 đang ở mức 76-83%; TP.HCM - Tuy Hòa các ngày 2/2 (70%), 8/2 (85%) và 9/2 (72%), hành khách vẫn có thể mua vé. 

    Tương tự, đường bay TP.HCM - Quy Nhơn, các ngày 3/2 và 9/2 tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức 76-78%. Đường bay TP.HCM - Vinh ngày 9/2 tỷ lệ đặt chỗ mới ở mức 67%.

    "Tuy nhiên, việc còn chỗ vào ngày 9/2, tức 30 Tết mới về quê, với nhiều người là quá muộn. Thế nên, nhu cầu đặt vé thấp hơn là điều dễ hiểu. Với các ngày từ 4/2 đến 8/2, về cơ bản, các chặng “nóng” như từ TP.HCM đi Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Pleiku... vẫn cháy vé", VTC News dẫn lời ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

    Đáng chú ý, trên một chặng còn chỗ, giá vé máy bay hạng phổ thông vẫn rất đắt đỏ khi lên tới hơn 3,52- 4,2 triệu đồng/chặng/vé (đã gồm thuế, phí), như chặng bay từ TP.HCM đi Vinh hay Thanh Hóa, Hải Phòng… của Vietjet Air và Vietnam Airlines; đi Chu Lai giá vé 2,44 - 3,5 triệu của Vietravel Airlines và Vietjet; đi Pleiku giá vè 1,9 triệu đồng/vé của Vietjet Airlines…

    Trên đường bay trục TP.HCM - Hà Nội, tỷ lệ đặt chỗ giai đoạn này bắt đầu tăng so với tuần trước, dàn đều trong các ngày với tỷ lệ từ 56-73%. 

    XEM THÊM: Linh vật rồng vàng tại Quảng Nam nhận “cơn mưa lời khen” dù chưa hoàn thành

    Ở chiều ngược lại sau Tết, từ ngày 13/2 đến 18/2 (tức mùng 4 đến mùng 9 Tết), từ các địa phương vào TP.HCM, nhiều chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao, một số chặng vé máy bay đã hết sạch vé trong một số ngày.

    Điển hình như các chặng từ Buôn Ma Thuột, Cà Mau, Hải Phòng, Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Vinh,... đến TP.HCM, nhiều ngày vé máy bay hết nhẵn.

    Tương tự, chặng Hà Nội - TP.HCM, trừ ngày 13/2 tỷ lệ đặt chỗ mới đạt trên 56%, các ngày còn lại là đều trên 80% (riêng các ngày 17/2 và 18/2 tỷ lệ này là 94%).

    Nguyên nhân nào khiến giá máy bay dịp Tết cao chót vót?

    Theo lý giải của Cục hàng không và các hãng bay, một trong những lý do dẫn đến tình trạng giá vé đắt dịp Tết là các hãng đang phải bù đắp chi phí hai chiều theo quy luật điều tiết của thị trường.

    "Nếu giá vé Tết không tăng để bù đắp một chiều rỗng khách thì các hãng sẽ thua lỗ, vì tất cả các chuyến bay đều phải gánh các chi phí như nhau gồm bến đỗ, nhiên liệu, phi hành đoàn, ống lồng...Dù giá tăng nhưng vẫn nằm trong quy định về giá trần, giá sàn”, VTC News dẫn lời ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

    Trong khi đó, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, vào dịp cao điểm Tết, tất cả chuyến bay của các hãng hàng không đều phải chấp nhận một đầu đông khách, còn một đầu trống hoặc rất ít khách.

    bo sung ca nghin chuyen bay gia ve may bay tet chang nong van cao ngat nguong1
    Nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến trong dịp Tết. Ảnh minh họa: VietNamNet

    Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, nếu các chuyến bay thông thường hay chuyến bay hè đều kín khách 2 chiều thì các chuyến bay Tết hầu hết là bay lệch đầu, một chiều kín khách, một chiều rỗng hoặc tỷ lệ khách đi rất thấp, chỉ đạt 20 - 25% số ghế.

    Ví dụ thời điểm trước Tết, tỷ lệ chuyến bay các chiều từ Hà Nội và các sân bay phía Bắc đến TP.HCM khá vắng. Chuyến bay Thanh Hóa - TP.HCM ngày 2/2 tỷ lệ ghế có khách chiếm 7,91%, chuyến bay Vinh - TP.HCM chiếm 11,98%; ngày 3/2 chặng Vinh - TP.HCM chiếm 17,02%, Bình Định - TP.HCM đạt 16,62%…

    Chặng TP.HCM ra các sân bay phía Bắc sau tết cũng khá thấp. Cụ thể vào 4/2, chặng bay TP.HCM - Pleiku có tỷ lệ khách đặt vé là 16,61%, chặng TP.HCM - Tuy Hòa chiếm 16,87%; ngày 8/2 chặng bay TP.HCM - Buôn Ma Thuột đạt 11,19%…

    Các đường bay khác từ Hà Nội và các địa phương về TP.HCM trước Tết rất thấp, trung bình chỉ từ 20-30% với nhiều chuyến bay rỗng (ferry). Tương tự với chặng từ TP.HCM về Hà Nội hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc, tỷ lệ trung bình chỉ đạt 30%. Trong khi đó, các hãng vẫn phải chi trả tiền xăng dầu, thuế phí, đội bay... khiến giá vé máy bay ngày Tết trở nên đắt đỏ.

    Ông Đinh Việt Thắng chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, trước Tết, các chuyến từ phía Nam ra miền Trung, miền Bắc sẽ kín khách, còn chiều ngược lại hầu hết là ghế trống. Sau Tết, chiều từ miền Bắc, miền Trung vào phía Nam cũng kín khách, còn chiều ngược lại sẽ vắng khách. Máy bay dù ít khách, thậm chí không có khách vẫn phải chấp nhận bay theo slot đăng ký.

    Về nguyên tắc, khi tính vào giá vé, các hãng phải tính cả chi phí đầu ra, đầu vào để bù chi phí. Nếu chỉ tính một chiều thì các hãng không thể lấy đâu chi phí để bù đắp được”.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-sung-ca-nghin-chuyen-bay-gia-ve-may-bay-tet-chang-nong-van-cao-ngat-nguong-a609695.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan