+Aa-
    Zalo

    Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân méo miệng phải nhập viện, nguyên nhân do đâu?

    (ĐS&PL) - Mạng xã hội xôn xao thông tin nam ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân bất ngờ liệt mặt, méo miệng phải nhập viện khi đang đi hát tại Hải Phòng. Được biết, căn bệnh chủ yếu do nhiệt độ lạnh đột ngột, gây liệt nửa cơ mặt của người bệnh.

    Mới đây, fanpage của Nguyễn Trần Trung Quân thông báo nam ca sĩ bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe khi đang biểu diễn tại Hải Phòng. Theo đó, trong lúc biểu diễn anh cảm thấy mệt mỏi, tê chân và lạnh buốt. Đến khi vào hậu trường, nam ca sĩ 9X phát hiện mình bị méo miệng nên khá hoảng sợ và ê-kíp lập tức đưa anh đến bệnh viện.

    Chia sẻ trên báo Thanh Niên, đại diện của Nguyễn Trần Trung Quân là chị Phượng Nguyễn cho biết: "Hôm 24/2, anh Quân vẫn trình diễn bình thường cho đến khi soi gương mới cảm thấy mặt hơi bị lệch, thậm chí khi cười càng lệch hơn nữa. Khi đó, ê-kíp rất lo lắng nên đưa anh Quân đi cấp cứu ở bệnh viện tại Hải Phòng nhưng bác sĩ ở đây khuyên nên chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội mới là phương án tối ưu nhất. Thế nên, chúng tôi di chuyển trong đêm để đưa anh ấy về Hà Nội cấp cứu".

    ca si nguyen tran trung quan gap trieu chung liet day than kinh so 7 meo mieng nguyen nhan do dau 1

    Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân gặp triệu chứng liệt dây thần kinh số 7, méo miệng. Ảnh: Báo Thanh Niên

    "Sau khi cấp cứu tới 6h30, chụp CT não để loại trừ tai biến, kết quả chụp cho thấy không có dấu hiệu của tai biến mạch máu não, nhưng lại có dấu hiệu liệt dây thần kinh 7 và đã kịp thời điều trị trong 72 giờ đầu để chữa trị biến chứng", chị Phượng Nguyễn cho biết thêm.

    Hiện tại, sức khỏe của Nguyễn Trần Trung Quân ổn định hơn, giọng ca Màu nước mắt có thể ăn uống và nói chuyện bình thường, không còn hoảng sợ nữa. Tuy nhiên, nam ca sĩ 32 tuổi vẫn phải đến bệnh viện hằng ngày để điều trị và giảm bớt cường độ làm việc nhằm phục hồi sức khỏe.

    Tạp chí Tri Thức dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng nhưng 75% là lạnh đột ngột làm ảnh hưởng dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên.

    Đoạn dây thần kinh này nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh do không có cơ che phủ dây thần kinh. Do đó, không khí lạnh buốt đột ngột từ bên ngoài khiến cho nó càng nhanh bị nhiễm lạnh. Lúc này, mạch máu bị co thắt lại dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm, dây thần kinh sẽ bị phù nề, chèn ép và dẫn đến liệt.

    Ngoài yếu tố nhiệt độ, tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể do các yếu tố khác như nhiễm trùng, sang chấn, phẫu thuật… Bệnh có thể trị khỏi nhờ xoa bóp bấm huyệt tác động vào nhóm cơ vùng mặt.

    Theo ThS.BS Phan Huy Quyết, phụ trách Đơn vị Y dược cổ truyền, Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, biểu hiện đầu tiên thường thấy ở người liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là đột ngột tê bì nửa mặt, mắt nhắm không kín, nói khó, ăn uống rơi vãi vào một bên mép miệng, bệnh nhân không huýt sáo, thổi lửa được…

    Hầu hết trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 sẽ có các biểu hiện như tuyến lệ hoạt động không tốt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt, miệng bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép lại, chảy dãi.

    Một số người có mặt bị xệ xuống hoặc hơi cứng bất thường, méo miệng lệch về một bên, khóe miệng, vùng trán bị dị cảm; có cảm giác đau quanh góc hàm, xương chũm, thái dương, tai; vị giác bị thay đổi; nhạy cảm hơn với âm thanh.

    ca si nguyen tran trung quan gap trieu chung liet day than kinh so 7 meo mieng nguyen nhan do dau 2

    Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân đang được các bác sĩ điều trị. Ảnh: Báo Thanh Niên

    Một số trường hợp khác bị rối loạn lời nói hoặc khả năng nhai nuốt. Ở bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước hay bị trào ra. Một bên mặt còn lại có cảm giác bị tê và yếu cơ hẳn đi.

    Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không nguy hiểm tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày, khó biểu hiện cảm xúc.

    Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh, độ tuổi, cách phòng bệnh và thời gian bệnh nhân đến viện sớm hay muộn.

    Để phòng bệnh, đặc biệt trong mùa lạnh, mọi người cần chú ý đeo kính, khẩu trang khi ra ngoài. Đặc biệt, vùng mặt, đầu, cổ cần được giữ ấm, không nằm điều hòa nhiệt độ thấp, hạn chế dùng quạt vì gây khô mắt, không nên tắm, gội đầu buổi tối, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

    Ngoài ra, mọi người nên ăn uống lành mạnh, hạn chế chất kích thích. Khi gặp gió lạnh, chúng ta có thể massage nhẹ nhàng vùng mặt để giúp lưu thông mạch máu, tránh tình trạng liệt.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-si-nguyen-tran-trung-quan-meo-mieng-phai-nhap-vien-nguyen-nhan-do-dau-a612017.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan