+Aa-
    Zalo

    Cục Quản lý LĐNN nêu hàng loạt vấn đề tồn đọng XKLĐ Ả Rập

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Báo Đời Sống và Pháp Luật đã có buổi phỏng vấn với ông Đặng Sỹ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB XH) về những vấn đề gây nên những khó khăn..

    Báo Đời Sống và Pháp Luật đã có buổi phỏng vấn với ông Đặng Sỹ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB XH) về những vấn đề gây nên những khó khăn cho người lao động tại thị trường Ả Rập trong thời gian gần đây.

    Ông Đặng Sỹ Dũng - Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước.

    Nguyên nhân nào dẫn đến những rủi ro, vấn đề phát sinh gần đây của người lao động tại Ả-rập Xê-út thưa ông?

    Cục phó Đặng Sỹ Dũng: Ả-rập Xê-út là thị trường lao động có tính cạnh tranh cao, mức lương không hấp dẫn người lao động. Bên cạnh đó, khí hậu khắc nghiệt và sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo cũng là những trở ngại lớn đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại đây. Hiện có hơn 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út. Các ngành nghề chủ yếu là xây dựng, nhà máy, nhà hàng, khách sạn và giúp việc gia đình; thu nhập bình quân 400-600 USD/tháng.

    Các vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động tại Ả-rập Xê-út chủ yếu là chậm lương, đình công, xô xát, v.v đối với lao động xây dựng, nhà máy; bị chủ sử dụng chậm lương, làm việc nhiều giờ, hết hạn hợp đồng không được về nước, v.v đối với lao động giúp việc gia đình.

    Năm 2016, Ả-rập Xê-út thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm trợ cấp (gần 30%) do giá dầu liên lục giảm. Do đó, việc làm, thu nhập của một số gia đình Ả-rập Xê-út gặp khó khăn, dẫn đến hiện tượng trừ, chậm lương người lao động hoặc hết hạn hợp đồng không làm thủ tục cho lao động về nước vì chưa có tiền thuê lao động mới. Ngoài ra, pháp luật của Ả-rập Xê-út về lao động nước ngoài và lao động GVGĐ chưa chặt chẽ, có xu hướng bảo hộ chủ sử dụng; cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động khá phức tạp, quan liêu. Bên cạnh đó, một số công ty môi giới, chủ sử dụng thiếu trách nhiệm, thiếu hợp tác khi giải quyết tranh chấp lao động.

    Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuyển không đúng đối tượng: lao động quá tuổi, đi nước ngoài vì nợ nần hoặc mâu thuẫn gia đình,... nên không đảm bảo sức khỏe khi làm việc, có thể phát sinh tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn. Một số doanh nghiệp đào tạo không đầy đủ. Dẫn đến lao động không thích nghi công việc và môi trường mới có văn hoá khác biệt, khó khăn trong giao tiếp với chủ, dễ phát sinh mâu thuẫn; khi gặp vấn đề không xử lý được và không biết công ty đưa đi để phản ánh. Với sự tăng cường hợp tác giữa Cục với các cơ quan chức năng liên quan nên hiện tượng cá nhân, tổ chức không có giấy phép nhưng vẫn đưa lao động đi theo kênh cá nhân đã giảm hẳn. Tuy nhiên xuất hiện tình trạng doanh nghiệp chưa được chấp thuận hợp đồng vẫn xin visa đưa lao động đi; doanh nghiệp này xin visa cho lao động của doanh nghiệp khác tuyển, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi người lao động.

    Người lao động đang làm việc tại Ả Rập. Ảnh người dân cung cấp.

    Nhiều lao động có tâm lý muốn đi nhanh, không muốn học nên khi sang không làm được việc, gặp tranh chấp thì không biết cách xử lý,...; một số lao động vì lý do gia đình, nợ nần nên đi Ả-rập Xê-út nhưng khi sang thì thất vọng với công việc, cuộc sống mới và đưa ra lý do chủ ngược đãi, hành hạ, thậm chí làm “có thai” để được về trước hạn mà không phải đền bù hợp đồng theo quy định (2 tháng lương và chịu vé máy bay về);

    Người lao động trước khi đi thường được doanh nghiệp hỗ trợ một khoản tiền từ 10-20 triệu đồng nên một số lao động chỉ sang làm một thời gian ngắn rồi trốn chủ, tìm cách về nước và đi lại qua một doanh nghiệp khác để hưởng hỗ trợ.

    Việc cấp visa của Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội chưa chặt chẽ nên dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp có thể lợi dụng để đưa lao động đi mà không đăng ký hợp đồng hoặc xin visa cho lao động của doanh nghiệp khác như nêu ở trên. Công tác hỗ trợ, quản lý người lao động tại Ả-rập Xê-út gặp nhiều trở ngại. Do cán bộ của doanh nghiệp Việt Nam cử sang Ả-rập Xê-út chủ yếu do đối tác bảo lãnh theo visa lái xe, visa giúp việc nên không có địa vị pháp lý, gặp khó khăn, hạn chế khi làm việc với cơ quan chức năng, công ty môi giới, chủ sử dụng để xử lý vụ việc.

    Theo ông, chế tài xử lý các công ty không làm đúng quy định về tuyển chọn và đào tạo lao động XKLĐ đã đủ mạnh chưa?

    Cục phó Đặng Sỹ Dũng: Theo Điều 31- Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội,đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng : Nếu doanh nghiệp vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định;

    Nếu doanh nghiệp không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài thì áp dụng các hình thức xử phạt sau:

    Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:

    - Thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;

    - Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra và cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

    - Không đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cấp cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;

    - Không cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định.

    Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

    Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc xử lý rủi ro của người lao động?

    Cục phó Đặng Sỹ Dũng: Theo quy định của pháp luật và căn cứ hợp đồng ký với người lao động trước khi đi, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với đối tác và và chủ sử dụng lao động để can thiệp, giải quyết những khiếu nại, vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động. Với những doanh nghiệp làm thủ tục xin visa cho người lao động thì phải có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp đã tuyển chọn, ký hợp đồng với người lao động để giải quyết khi có rủi ro, vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động.

    Các giải pháp trong thời gian tới để giải quyết vấn đề tồn đọng?

    Cục phó Đặng Sỹ Dũng: Để hạn chế các vụ việc, khiếu nại và bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người lao động, hiện nay tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính:

    Tăng cường hợp tác với Ả-rập Xê-út thông qua cơ chế Tiểu ban lao động để trao đổi, thống nhất xử lý các vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động ta;

    Phối hợp với Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Việt Nam để siết chặt thủ tục cấp visa cho lao động Việt Nam, đảm bảo đúng quy định của phía Ả-rập Xê-út và của Việt Nam.

    Tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ người lao động tại địa bàn thông qua Ban Quản lý lao động tại Ả-rập Xê-út và hệ thống các cán bộ đại diện của các doanh nghiệp.

    Qua theo dõi hoạt động doanh nghiệp, đã phát hiện và xử phạt bằng các hình thức phạt tiền, đình chỉ thực hiện việc đưa lao động đi làm việc tại Ả-rập Xê-út các doanh nghiệp vi phạm.

    Phần nhiều vụ việc thời gian qua tập trung tại các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo không đầy đủ hoặc chưa chú trọng công tác quản lý người lao động tại địa bàn. Vì vậy, thời gian tới bên cạnh việc xử nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, Cục kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tuyển chọn, đào tạo và kiên quyết dừng đưa lao động đi đối với các doanh nghiệp không cử cán bộ đại diện.

    Cục cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng về thị trường Trung Đông nói chung và Ả-rập Xê-út nói riêng, các quy định, điều kiện làm việc, sinh hoạt,… để người lao động hiểu, nhận thức đúng về thị trường.

    Cục đã đăng tải thông tin cần biết về thị trường Ả-rập Xê-út trên trang thông tin điện tử của Cục, trong đó nhấn mạnh 3 vấn đề:

    Người lao động chỉ đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út thông qua doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động và có hợp đồng cung ứng được Cục (cập nhật tại trang www.dolab.gov.vn); tuyệt đối không đi làm giúp việc gia đình Ả-rập Xê-út qua các cá nhân/tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

    Trước khi đi, người lao động phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo lao động giúp việc gia đình bao gồm kỹ năng nghề giúp việc, tiếng Ả-rập cơ bản và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian tối thiểu là 1,5 tháng;

    Khi có vấn đề phát sinh tại Ả-rập Xê-út người lao động cần phản ánh sự việc (gọi điện, nhắn tin, email, gửi đơn) đến cán bộ đại diện của doanh nghiệp tại Ả-rập Xê-út hoặc phản ánh về doanh nghiệp để được hướng dẫn, giải quyết.

    Người lao động có thể phản ánh với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út (điện thoại: + 966 11 4547887 máy lẻ 104, số di động: +966 54 258 1069), Cục Quản lý lao động ngoài nước (+ 84 438269517, máy lẻ 303, 314 hoặc đường dây nóng +84 43936 6633).

     


     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-quan-ly-ldnn-neu-hang-loat-van-de-ton-dong-xkld-a-rap-a193240.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan