+Aa-
    Zalo

    Đề xuất kiểm soát việc hãng hàng không mở rộng đội bay

    (ĐS&PL) - Theo Bộ GTVT, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện nay còn một số bất cập. Chẳng hạn, luật chưa quy định về việc phát triển đội bay của các hãng hàng không Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp đầu tư máy bay vượt năng lực giám sát an toàn hàng không của nhà chức trách.

    Báo Công lý đưa tin, Bộ GTVT vừa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

    Trong đó, Bộ GTVT đề xuất kiểm soát việc doanh nghiệp phát triển đội bay để phù hợp với điều kiện hạ tầng hàng không cũng như năng lực giám sát an toàn hàng không của cơ quan quản lý nhà nước.

    Theo Bộ GTVT thì Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện nay còn một số bất cập. Chẳng hạn, luật chưa quy định về việc phát triển đội bay của các hãng hàng không Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp đầu tư máy bay vượt năng lực giám sát an toàn hàng không của nhà chức trách…

    Cùng với đó, luật hiện hành đang giao nhà chức trách hàng không bổ nhiệm giám sát viên an toàn hàng không từ nguồn nhân sự do mình quản lý.

    Tuy vậy, việc tuyển đội ngũ giám sát viên đang gặp khó bởi đặt trong bối cảnh Nhà nước đang tinh giản biên chế, cạnh đó là yêu cầu cao nhưng mức lương thấp nên khó tuyển.

    Trong khi doanh nghiệp có đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không nhưng nhà chức trách lại không được chỉ định hoặc giao nhiệm vụ cho nhân viên hàng không của các doanh nghiệp.

    Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất sửa luật theo hướng bổ sung quy định cho phép nhà chức trách hàng không được thực hiện chỉ định hoặc giao nhiệm vụ cho nhân viên hàng không của các doanh nghiệp thuộc dây chuyền vận chuyển hàng không có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát viên; tùy theo nguồn lực, doanh nghiệp có quyền cung cấp hoặc từ chối cung cấp giám sát viên; mọi quyền lợi của người lao động được cử làm giám sát viên vẫn do doanh nghiệp đảm nhiệm.

    Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định để sự phát triển của đội bay gắn với sự phát triển của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, năng lực giám sát an toàn hàng không của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, nhà chức trách hàng không có trách nhiệm thông báo, cảnh báo về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, năng lực giám sát an toàn khai thác máy bay để các hãng hàng không có căn cứ rà soát, chủ động thực hiện kế hoạch của mình.

    Theo Bộ GTVT, quy định trên nhằm giúp phát triển ngành hàng không hiệu quả, bền vững, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không phù hợp với quy hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay, năng lực đáp ứng của kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Đặc biệt là phù hợp năng lực giám sát an toàn hàng không của nhà chức trách hàng không.

    Ý kiến trái chiều

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, góp ý cho các nội dung này, đại diện Vietnam Airlines cho rằng quy định trên là hợp lý để cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc điều tiết đội bay cũng như phù hợp với năng lực và quy hoạch phát triển hàng không.

    Bên cạnh đó, hãng này cũng đề nghị quy định rõ đối với các hãng hàng không mới gia nhập thị trường vận tải hàng không hoặc các hãng đang khai thác, khi phát triển đội bay phải có kế hoạch bảo đảm tự phát triển được tối thiểu 50% nguồn nhân lực là phi công khai thác, kỹ sư kỹ thuật máy bay, cán bộ quản lý.

    “Thêm vào đó, đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung vào Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về chế tài đối với các hãng hàng không vi phạm và thực hiện nghiêm khắc để hạn chế cạnh tranh nguồn nhân lực không lành mạnh…”, đại diện Vietnam Airlines nêu quan điểm.

    Ngoài ra, Vietnam Airlines còn muốn bổ sung thông tư hướng dẫn và chế tài xử lý phạt vi phạm hành chính trong trường hợp hãng hàng không cố tình mở bán chuyến bay khi chưa có phép bay hoặc slot và không có historical slot.

    Ngược lại, Công ty CP Hàng không Vietjet, cho rằng việc kiểm soát kế hoạch đặt mua máy bay của các hãng hàng không hiện nay là chưa phù hợp với xu hướng hội nhập kinh doanh của Việt Nam trên thị trường thế giới và mâu thuẫn với quy định của pháp luật Việt Nam đối với quyền của doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Điều 7 Luật doanh nghiệp, khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư.

    “Việc mua máy bay của Vietjet ngoài phục vụ mục đích phát triển đội bay tự khai thác còn cho mục đích kinh doanh dưới hình thức bán và thuê lại máy bay. Đây là hình thức kinh doanh thông lệ trên thế giới và được pháp luật cho phép…”, Vietjet lý giải thêm.

    Ngoài ra, Vietjet cho rằng việc mở rộng đội bay còn nhằm đáp ứng việc hỗ trợ mạng bay quốc tế và tham gia hợp tác liên doanh (codeshare) với các hãng hàng không khác, hoạt động này nằm trong quyền lợi chính đáng của các hãng hàng không đã được công nhận.

    Với các ý kiến trên, đại diện Bộ GTVT cho rằng nội dung chính sách chỉ hướng đến hoạt động của đội bay khi trực tiếp đưa vào khai thác, có ảnh hưởng đến việc giám sát an toàn hoạt động bay và việc sử dụng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.

    “Doanh nghiệp vẫn hoàn toàn chủ động việc mua đi bán lại, cho thuê theo hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, cho thuê, nếu không đưa máy bay vào khai thác trực tiếp, không sử dụng kết cấu hạ tầng...”,đại diện Bộ GTVT lý giải và cho biết chủ trương này cũng được Bộ Công an đề xuất để tăng cường trách nhiệm của Nhà nước.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-kiem-soat-viec-hang-hang-khong-mo-rong-doi-bay-a606358.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan