+Aa-
    Zalo

    Ký ức ám ảnh của bé gái 8 tuổi chứng kiến bố hành hung mẹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Về đến nhà nội, bố mẹ cãi nhau. Bà nội thấy vậy đã bỏ ra ngoài, trong nhà chỉ còn con và bố mẹ. Cãi nhau một lúc, bố xuống bếp cầm lên một con dao rồi lao vào mẹ...

    “Về đến nhà nội, bố mẹ cãi nhau. Bà nội thấy vậy đã bỏ ra ngoài, trong nhà chỉ còn con và bố mẹ. Cãi nhau một lúc, bố xuống bếp cầm lên một con dao rồi lao vào mẹ. Con chạy vào ôm lấy mẹ nhưng chỉ cao đến ngực, với tay lên che cổ với đầu mẹ và xin bố dừng lại. Thế nhưng bố vẫn không dừng lại khiến tay con cũng bị thương. Mẹ thấy vậy đã đẩy con ra, bảo chạy đi, sau đó mẹ ngã xuống đất”, bé L. kể.

    Người chồng bê tha

    Người dân xã Đông Lô, huyện Ứng Hòa, Hà Nội dường như đã quá quen với cuộc sống “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của vợ chồng Nguyễn Thành Kiên và chị Nguyễn Thị T.. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn xảy ra vào khoảng 9h ngày 21/5. Sau một hồi hai vợ chồng xảy ra cãi vã kịch liệt, Kiên đã dùng hung khí ra tay khiến chị Nguyễn Thị T. nằm gục ngay dưới nền nhà. Đau đớn hơn, đối tượng này sát hại vợ mình ngay trước mặt đứa con gái mới 8 tuổi là cháu
    Nguyễn Thị L.

    Dù sợ hãi nhưng trong lúc ấy, bé L. đã lao tới can ngăn. Như con thú điên, Kiên bỏ ngoài tai, thậm chí còn làm bé L. bị thương. Thấy tiếng gào khóc thảm thiết, những người hàng xóm chạy tới thì đã thấy chị T. nằm bất động dưới nền. Chị T. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên. Nhưng do vết thương quá hiểm lại mất nhiều máu, chị đã không qua khỏi.

    Bà Lê Thị N (57 tuổi, mẹ đẻ chị T.) là người hiểu nhất những đau đớn mà con gái phải chịu từ khi lấy chồng. Bà N nghẹn ngào kể: “Con gái tôi sống với chồng nó khổ cực lắm. Mọi chuyện phải kể từ khi chúng nó mới lấy nhau thì mọi người mới hiểu. Do hai làng ở cạnh nhau nên vợ chồng nó chỉ tìm hiểu khoảng nửa năm là quyết định cưới. Trước khi cưới hay sau đó, chúng tôi không nghe nhà con rể chê trách gì con gái mình. Vậy mà chỉ khoảng 15 ngày sau khi cưới, ông bà thông gia đã đuổi vợ chồng nó ra khỏi nhà. Khi tôi sang hỏi lý do, ông bà ấy nói rằng họ trách con trai không nghe lời nên làm vậy. Thương con, tôi hỗ trợ vợ chồng nó thuê một kiot ở tạm và cũng là chỗ làm nghề nhôm kính của Kiên luôn”.

    Ảnh minh họa. 

    Bi kịch bắt đầu khi chị T. sinh con gái đầu lòng. Kiot ở tạm của họ trở nên quá chật chội cho một gia đình có 3 thành viên. Kiên và T. bàn với nhau xin bố mẹ chồng cho về nhà để qua cữ. Thương con gái, bà N đến chăm sóc con, giặt giũ quần áo. Sau nửa tháng chăm con, bà N xin phép ông bà thông gia để về lo việc nhà. Cứ tưởng khi mình trở về, bà thông gia sẽ thay mình chăm sóc con cháu. Ai ngờ, chỉ được 2 ngày, khi bà N sang thì thấy con gái mình đói lả, hỏi ra mới biết bố mẹ chồng không cho ăn uống gì. Bà N bức xúc: “Tôi giận quá nên ra hỏi ông bà ấy thì họ bảo do chồng nó không mang tiền về nên họ không nấu cho con dâu ăn. Tôi định mang con gái về nhà chăm sóc thì ông bà ấy cản lại và đuổi tôi về. Sau hôm ấy, tôi bảo Kiên chịu khó đưa vợ ra kiot, chật chội nhưng còn có người chăm”.

    Cuộc sống ngày một khó khăn hơn, Kiên quyết định ra Hà Nội làm việc và gửi vợ con cho bố mẹ vợ chăm sóc. Nghĩ con quyết tâm làm ăn, bà N còn bán vàng tiết kiệm mua cho con rể chiếc xe máy để tiện đi lại. Mấy tháng đi làm, Kiên không gửi về cho vợ lấy một đồng, thậm chí còn bán luôn chiếc xe mẹ vợ mua cho. Lúc này mọi người mới biết, Kiên là kẻ ngập trong rượu chè, cờ bạc thâu đêm. Hết tiền, Kiên như cái xác không hồn trở về làng với hai bàn tay trắng. Thấy cảnh con rể nát, bà N càng thương con gái nhiều hơn. Vợ chồng bà N quyết định cho Kiên và vợ con về nhà mình sống. Dù ở nhà mẹ vợ nhưng Kiên vẫn thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ mình.

    “Nó đánh con gái tôi tàn nhẫn ngay giữa nhà không dưới ba lần. Đã có lúc con tôi muốn bỏ cái thai đứa thứ hai và ly hôn nhưng tôi ngăn lại vì không muốn vợ chồng nó tan vỡ. Khi T. sinh con, Kiên không ở nhà chăm sóc vợ mà đi lang thang, chơi bời thâu đêm suốt sáng, đến lúc hết tiền mới mò về. Tiền đã không cho vợ mà nó còn tha cả mấy khoản nợ về. Tôi còn nhớ năm 2016, Kiên đánh con tôi ngất ở ngoài đường. May có hàng xóm đi qua nhìn thấy nên đưa về giúp, điện thoại với xe máy của vợ thì đều bị nó phá hỏng. Sau lần ấy, hàng xóm láng giềng còn kể cho tôi nghe, con gái tôi còn bị đánh nhiều lần ngoài đường ở nhiều nơi”, bà N xót xa kể.

    Không thể chịu được tính hung hãn của con rể, bà N đã làm đơn trình báo lên công an xã nhờ xử lý Kiên vì tội hành hung vợ và đập phá tài sản. Nhưng Công an xã khuyên gia đình nên hòa giải vì sợ ảnh hưởng đến các con sau này. Hòa giải cũng không xong, bà N không chịu nổi đành đuổi cả hai vợ chồng ra khỏi nhà. Hai vợ chồng lại thuê một ngôi nhà trong làng để ở. Kiên vẫn không chịu làm ăn mà càng bập sâu vào tệ nạn. Mọi chi phí cho gia đình đều dựa vào đồng lương công nhân bèo bọt của chị T.. Trước hôm xảy ra án mạng, Kiên đã mang hết tiền của vợ đi chơi bài mấy ngày không về.

    Nỗi ám ảnh của những đứa nhỏ

    Bà N ôm hai đứa cháu ngoại vào lòng rồi lại khóc: “Bẵng đi một thời gian, đến ngày 21/5, không biết nó ép con tôi làm sao để về bên nhà nó rồi nó sát hại. Khi chúng tôi chạy sang đến thì T. đã nằm gục rồi”. Chị Nguyễn Thị Thịnh (chị gái Kiên) tỏ ra bức xúc khi nói về em trai mình. Chị cho hay, nhiều lần chị T. đã điện thoại nhờ can thiệp vì Kiên đã không nuôi con, còn không cho vợ đi làm. “Lần đó tôi đã mắng Kiên. Tôi bảo nó không nuôi được con cái thì đừng quấy rầy vợ, để vợ đi làm. Tôi còn nói nếu để tôi nghe vợ nó gọi điện nhờ can thiệp một lần nữa thì tôi không để yên”, chị Th nói. Mẹ mất, bố phải đi tù, đáng thương nhất lúc này là cháu L. (8 tuổi) và cháu T. (6 tuổi). Chúng còn quá nhỏ để gánh chịu nỗi đau đớn tột cùng này. Có lẽ chúng còn chưa biết được mồ côi mẹ là gì, cũng chẳng thể tưởng tượng ra tương lai mờ mịt đang chờ chúng ở phía trước. Chúng tôi không khỏi bất ngờ với sự cứng cỏi và thông minh của bé L.

    Lần nào bố đánh mẹ, cháu đều lao vào can ngăn, thậm chí nhớ được vài số điện thoại của người thân để gọi giúp đỡ khi cần. Cháu L. cho biết: “Bố đánh mẹ mọi nơi, ở nhà, ngoài đường, lúc đi gặt lúa... Em T. cũng hay nhìn thấy”.

    Thấy chị kể lại chuyện, cháu T. tỏ ra sợ hãi, gục đầu vào lòng bà ngoại, nhắm nghiền mắt. Bé L. kể lại rành mạch hôm xảy ra án mạng: “Hôm đó mẹ đưa con đi học, nhưng bố chặn lại, nói muốn mẹ cùng về nhà nội nói chuyện nhưng mẹ không đồng ý. Bố đã bắt con đi cùng để ép mẹ phải về. Về đến nhà nội, bố mẹ cãi nhau. Bà nội thấy vậy đã bỏ ra ngoài, trong nhà chỉ còn con và bố mẹ. Cãi nhau một lúc, bố xuống bếp cầm lên một con dao... Con chạy vào ôm lấy mẹ nhưng chỉ cao đến ngực, với tay lên che cổ với đầu mẹ và xin bố dừng lại. Thế nhưng bố vẫn không dừng lại khiến tay con cũng bị thương. Mẹ thấy vậy đã đẩy con ra, bảo chạy đi, sau đó mẹ ngã xuống đất. Con chạy ra ngoài gọi hàng xóm vào cứu mẹ. Con cũng mượn một chiếc điện thoại để gọi về cho bà ngoại. Thấy bà ngoại lâu sang, con đã chạy bộ về để gọi. Lúc mọi người đến thì bố đã bỏ đi rồi, mẹ nằm gục...

    Mọi người không cho con lại gần”. Dù kể lại sự việc rành mạch nhưng chúng tôi cảm thận được toàn thân bé L. run lên. Có lẽ những ký ức kinh hoàng ấy đã in sâu vào tâm trí bé. Chia tay các bé, trong chúng tôi ai cũng mong muốn, bằng tình yêu thương của bà ngoại, thời gian sẽ làm nguôi ngoai. Để rồi sự mạnh mẽ, cứng cỏi ấy sẽ giúp em vượt qua được tất cả, có một tương lai tươi sáng hơn.

    HÀ AN
    Bài đăng trên báo Hôn nhân và Pháp luật số 76 + 77 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-am-anh-cua-be-gai-8-tuoi-chung-kien-bo-hanh-hung-me-a234641.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan